Việc không phải một tuần

Đời sống - Ngày đăng : 07:48, 10/03/2011

(HNM) - Theo quyết định của UBND thành phố Hà Nội, Tuần lễ quốc gia về An toàn vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ-PCCN) lần thứ 13 năm 2011 chính thức bắt đầu từ ngày 20-3 đến 26-3. Chủ đề năm nay được nhấn mạnh:

Kiểm tra phòng chống cháy nổ tại một doanh nghiệp.


Ngày 2-3, Ban Chỉ đạo ATVSLĐ-PCCN thành phố đã tổ chức triển khai kế hoạch lễ phát động Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN lần thứ 13 năm 2011. Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ-PCCN năm nay sẽ được thành phố Hà Nội tổ chức lễ phát động từ ngày 19-3, tại Trung tâm Văn hóa quận Thanh Xuân.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN, năm 2010, toàn thành phố đã tổ chức khám sức khỏe cho hơn 10.000 lượt lao động, chủ yếu đang làm việc trong lĩnh vực có nhiều yếu tố độc hại, nặng nhọc; tổ chức đo, kiểm môi trường làm việc tại 102 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Các Sở Lao động, Y tế, Liên đoàn lao động và Công an thành phố cũng đã tổ chức gần 900 lớp tập huấn về phòng cháy chữa cháy; cấp thẻ an toàn lao động cho gần 23.000 người; tập huấn sơ cấp cứu và phòng chống bệnh nghề nghiệp cho 1.546 người. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng tiến hành kiểm tra và có 780 kiến nghị, yêu cầu cơ sở thực hiện các biện pháp an toàn lao động; lập 8.554 biên bản xử lý các vi phạm về phòng cháy chữa cháy. Tính đến hết năm 2010, toàn thành phố xảy ra 106 vụ tai nạn lao động, giảm 5 vụ, làm 117 người bị nạn, trong đó làm 35 người chết.

Ông Bạch Quốc Việt, Trưởng phòng An toàn lao động, Sở LĐ-TB&XH cho rằng, nếu so sánh với năm 2009, số vụ tai nạn lao động đã giảm. Tuy nhiên, số người chết trong các vụ tai nạn lao động vẫn có chiều hướng tăng. Điều đó cho thấy tính chất các vụ tai nạn lao động đang ngày càng phức tạp và nghiêm trọng. Trong khi đó, lực lượng thanh tra lao động hiện nay quá mỏng, một số quận huyện, thị xã chưa quan tâm đúng mức tới công tác ATVSLĐ-PCCN do đó nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác này. Thậm chí, có quận, huyện vẫn chưa làm tốt công tác quản lý nhà nước về an toàn lao động trên địa bàn cũng như công tác kiểm tra xử lý vi phạm.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tiến, Chánh thanh tra Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, hiện nay số doanh nghiệp quá nhiều trong khi đó lực lượng thanh tra quá mỏng. Với số lượng doanh nghiệp, đơn vị hiện tại là 50 nghìn doanh nghiệp với trên 20 triệu lao động, chưa kể các hộ kinh doanh cá thể, lao động  tự do, lao động trong nông nghiệp... mỗi năm, lực lượng này chỉ có thể thanh tra, kiểm tra chừng hơn 200 doanh nghiệp. Đó là chưa kể đối với các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, phải nhờ đến lực lượng công an vào cuộc kết luận thanh tra, do đó thời gian điều tra thường bị kéo dài. Ông Tiến cũng nhấn mạnh, việc bảo đảm an toàn cho người lao động không phải trách nhiệm riêng của các cơ quan quản lý nhà nước, mà bản thân mỗi doanh nghiệp và người lao động phải nhận thức được điều này. Và đây cũng không phải là việc của một ngày, một tuần mà là việc của cả quá trình lao động, sản xuất.

Nhằm bảo đảm sức khỏe người lao động, năm 2011, Ban Chỉ đạo Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN đã đặt ra chỉ tiêu phấn đấu giảm 5% tần suất tai nạn lao động; giảm 10% số người mắc bệnh nghề nghiệp; 80% người lao động làm việc ở nơi có nguy cơ cao mắc bệnh nghề nghiệp được khám và 100% số người được xác nhận bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được chăm sóc, phục hồi sức khỏe; 100% các vụ tai nạn nghiêm trọng được điều tra, xử lý. Chỉ tiêu là thế, song để đạt được chỉ tiêu, chắc chắn không phải chỉ dựa vào cơ quan chức năng mà ở chính bản thân doanh nghiệp và người lao động.

Ngọc Hải