Giải bài toán xung đột giao thông

Đời sống - Ngày đăng : 07:27, 10/03/2011

(HNM) - Xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông luôn được Hà Nội xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên đầu tư để thúc đẩy phát triển KT-XH. Mỗi năm, thành phố lại đưa vào sử dụng nhiều công trình giao thông mới, nhưng vẫn chưa thể giải quyết áp lực từ gia tăng dân số cơ học và phương tiện.

Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu, áp dụng những giải pháp kỹ thuật mới là rất cần thiết. Đường trên cao đã và đang được xem như một giải pháp hữu ích không chỉ trước mắt mà cả lâu dài...


Trên công trường xây dựng cầu cạn Pháp Vân - Linh Đàm, công trình góp phần giảm tải cho giao thông nội đô.  Ảnh: Linh Tâm

Những năm gần đây, Hà Nội cũng như các đô thị lớn trong cả nước đang gánh chịu nhiều áp lực, đặc biệt là về giao thông khi gia tăng dân số cơ học luôn ở mức cao, lượng phương tiện cá nhân phát triển mạnh. Theo Sở GTVT, hiện thành phố có khoảng 3,6 triệu xe máy và hơn 350 nghìn ô tô. Trung bình mỗi tháng có thêm khoảng 4.000 ô tô và hơn 10.000 xe máy đăng ký mới. Dù được đầu tư phát triển mạnh, nhưng hạ tầng giao thông vẫn không kham nổi "gánh nặng" mật độ phương tiện. Trong năm 2010 (không kể những dự án do Bộ GTVT làm chủ đầu tư), thành phố đã đưa vào sử dụng hàng chục công trình quan trọng như: đường Lạc Long Quân, Nguyễn Phong Sắc kéo dài, Phúc La - Văn Phú, Lê Văn Lương… nhưng ùn tắc vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Những giải pháp thu nhỏ vỉa hè, dải phân cách để mở rộng lòng đường hay đóng mở linh hoạt ngã ba, ngã tư… đã đem lại hiệu quả nhất định, giảm 66/124 điểm ùn tắc. Tuy nhiên, những giải pháp đó chỉ mang tính tình thế. Trong khi không thể áp đặt những giải pháp "cứng rắn" để hạn chế nhập cư, giảm phương tiện cá nhân thì phát triển phương tiện vận tải công cộng là đặc biệt cần thiết.

Việc xây dựng hệ thống đường trên cao không phải là giải pháp giao thông mới với những đô thị có mật độ dân số, phương tiện cao trên thế giới. Người ta xem hệ thống đường trên cao như tuyến "đường đối ngoại", bởi lẽ, những phương tiện từ nơi khác chỉ có nhu cầu đi qua thành phố sẽ theo đường trên cao, thay vì vào trung tâm làm tăng lượng phương tiện. Tại Hà Nội, dù chưa có tuyến đường trên cao thực sự hoàn chỉnh, nhưng những cây cầu cạn tại nút giao thông Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng hay cầu cạn Pháp Vân đã đem lại hiệu quả rõ rệt trong giải quyết xung đột giao thông. Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ GTVT) đang tiếp tục đẩy nhanh thi công và hoàn thiện đường Vành đai 3, giai đoạn 2, xây dựng tuyến cao tốc trên cao từ Mai Dịch đến Linh Đàm nối thông với dự án cầu Thanh Trì. Khi hoàn thành, đây sẽ là tuyến đường "đối ngoại" hoàn chỉnh đầu tiên ở thành phố nối các địa phương phía Bắc, Tây Bắc với khu vực Đông Bắc. Ở phía trong đường Vành đai 3, Sở GTVT đã đề xuất một số tuyến trên cao khác trên đường Vành đai 2, trục hướng tâm...

Bên cạnh việc giải quyết tình trạng xung đột giao thông, một ưu điểm nổi bật của xây dựng đường trên cao là hạn chế việc giải phóng mặt bằng (GPMB), vốn hết sức tốn kém và phức tạp. Chính vướng mắc trong GPMB là nguyên nhân khiến hàng loạt dự án không chỉ chậm tiến độ mà còn tăng vốn đầu tư. Trước đây, tuyến đường Xã Đàn được mệnh danh là "con đường đắt nhất hành tinh" vì chi phí GPMB quá lớn. Tháng 4-2010, thành phố tiếp tục khởi công xây dựng đường Vành đai 1, đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu. Dù chỉ dài 483m, nhưng đoạn này "ngốn" hơn 642 tỷ đồng, trong đó gần 530 tỷ đồng cho GPMB. Tất nhiên, với những tuyến đường quan trọng trong nội đô chắc chắn vẫn phải đầu tư, nhưng nếu so sánh với đường trên cao từ Mai Dịch đến Linh Đàm dài gần 9,9km, tổng mức đầu tư ban đầu hơn 5,5 nghìn tỷ đồng, rõ ràng đường trên cao hạn chế được chi phí GPMB.

Theo đề xuất của Sở GTVT, một số tuyến trên cao được xem xét gồm: Ga Hà Nội - Xã Đàn - Phạm Ngọc Thạch - Kim Giang - Đường 70; Trần Duy Hưng - Liễu Giai - Hồ Tây... Tuyến trên đê Hữu Hồng từ Lạc Long Quân đến Yên Phụ, trên cơ sở đường hiện tại, xây tường chắn mở rộng sang hai bên, tạo thêm 2 làn xe. Nhiều khả năng sẽ trở thành hiện thực sớm nhất lại là tuyến đường trên cao Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng - Minh Khai - cầu Vĩnh Tuy. Theo Sở GTVT, đoạn này vô cùng quan trọng đối với giao thông Hà Nội trong vài năm tới, cần được ưu tiên đầu tư, đặc biệt là đoạn Minh Khai - Đại La. Việc đầu tư sớm đoạn này còn giúp liên thông, khai thác cầu Vĩnh Tuy hiệu quả hơn. Mới đây, Bộ GTVT đã có Công văn số 59/BGTVT-KHĐT gửi Văn phòng Chính phủ đồng ý với đề xuất của Công ty CP Vincom đầu tư xây dựng đoạn tuyến đường trên theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) và hoàn vốn bằng khai thác quỹ đất.

- Cầu cạn Pháp Vân - Linh Đàm, dài hơn 2km thuộc dự án xây dựng cầu Thanh Trì và đoạn tuyến phía Nam đường Vành đai 3, là tuyến đường trên cao đầu tiên ở thành phố, được đưa vào khai thác dịp kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, góp phần giảm đáng kể tình trạng ùn tắc tại khu vực.

- Dự kiến, vào năm 2013, dự án đường Vành đai 3, giai đoạn 2, đường cao tốc trên cao từ Mai Dịch đến Linh Đàm sẽ hoàn thành nối thông với dự án cầu Thanh Trì. Tuyến này được xây dựng đạt tiêu chuẩn cao tốc trên cao, nằm trong dải phân cách giữa của đường Vành đai 3 giai đoạn 1, bảo đảm cho xe chạy với vận tốc 100km/h.

Nguyễn Đức