Afghanistan: Thách thức để ngỏ
Thế giới - Ngày đăng : 07:21, 10/03/2011
Chiến sự tiếp diễn vẫn đòi hỏi sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Afghanistan. |
Tuyên bố trên đưa ra sau chuyến thăm bất ngờ tới Afghanistan của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates, trong bối cảnh tình hình an ninh tại đất nước Nam Á này đang rơi vào tình trạng tồi tệ nhất trong 10 năm qua kể từ khi chính quyền Taliban bị lật đổ. Phó Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) phụ trách vấn đề Afghanistan, ông Robert Watkins nhận định, tình hình an ninh tại Afghanistan vốn bất ổn trong nhiều năm qua ngày càng trở nên tồi tệ, sau khi các lực lượng thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tăng quân năm 2010 nhằm tiêu diệt tàn quân đang ẩn náu tại các tỉnh miền Nam và Đông nam nước này. Chính quyền Kabul đang phải đối mặt với những vấn đề an ninh chưa từng xảy ra, đặc biệt số vụ tấn công nhằm vào các nhân viên cứu trợ nhân đạo ngày càng tăng; đồng thời các trường hợp dân thường chết trong những vụ đụng độ giữa NATO và tàn quân Taliban đã khiến mâu thuẫn Afghanistan với phương Tây thêm căng thẳng. Một báo cáo mới đây của LHQ cho biết trong năm 2010, số dân thường bị chết hoặc bị thương liên quan đến cuộc chiến ở Afghanistan là 6.215 người, tăng 20% so với năm 2009. Trong khi đó, với lực lượng liên quân do Mỹ cầm đầu ở Afghanistan, đây là năm đẫm máu nhất kể từ khi tiến hành cuộc chiến lật đổ chế độ Taliban năm 2001, với gần 710 binh sĩ tử trận, tăng hơn 30% so với năm 2009, trong đó Mỹ tổn thất nặng nhất với 497 lính. Cuối năm 2009, Tổng thống Mỹ Barack Obama điều thêm 30.000 quân Mỹ tới Afghanistan, nhưng động thái này đã không thể ngăn chặn sự bạo lực tiếp tục leo thang tại chiến trường Nam Á này.
Mười năm trước, ngày 7-10-2001, Mỹ phát động cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu với điểm mở màn là cuộc tấn công vào Afghanistan nhằm tiêu diệt mạng lưới Al-Qaeda, được coi là thủ phạm vụ tấn công khủng bố kinh hoàng tại nước Mỹ ngày 11-9. Mười năm sau, chiến trường Afghanistan vẫn chìm trong khói lửa, Kabul vẫn là trọng điểm của cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu của Washington và liên quân. Chiến lược của Mỹ là dùng quân đội để diệt trừ tàn quân Taliban và giúp Afghanistan xây dựng một chính phủ có đủ năng lực và chính đáng ở Kabul, nhưng xem ra cả hai tiêu chí này còn lâu mới đạt được. Chính quyền Kabul tỏ ra quá yếu ớt, không kiểm soát được tình hình cũng không đủ khả năng bảo đảm an ninh cho dân chúng. Lực lượng nổi dậy vẫn đang mở rộng tới nhiều khu vực, nơi mà quyền lực của chính phủ chưa được củng cố. Không chỉ vậy, quân nổi dậy nay đã không chỉ biết né tránh những cuộc giao tranh có nhiều nguy cơ thất bại, mà còn “chui” sâu vào chính quyền, tạo dựng "chính quyền bóng" và gia tăng quan hệ với các phong trào cực đoan ở Pakistan, Al-Qaeda và nhiều tổ chức cực đoan khác ở nước ngoài. Bên cạnh đó, còn là tình trạng yếu kém, tham nhũng của chính quyền sở tại. Hiện có tới 40% viện trợ của quốc tế "chui vào túi" các quan chức tham nhũng và những kẻ ăn chặn. Trong khi đó, việc trồng cây thuốc phiện tràn lan ở Afghanistan đã biến nước này thành "nguồn" cung tới 90% lượng heroin của thế giới... Tất cả đang đẩy Afghanistan tới ngưỡng nghèo đói với tham nhũng tràn lan; đồng thời bất ổn chính trị kéo dài và bị chia năm xẻ bảy bởi xung đột sắc tộc.
Năm 2010, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã xem xét lại chiến lược Afghanistan và cam kết sẽ rút quân Mỹ khỏi nước này từ tháng 7-2011 và hoàn tất vào năm 2014. Quân đội và cảnh sát Afghanistan sẽ tiếp quản công tác an ninh vào cuối năm 2014. Chính quyền Obama nhấn mạnh rằng, thành công ở Afghanistan đòi hỏi không chỉ sức mạnh quân sự. Cùng với nhiệm vụ ngăn chặn "vết dầu loang" Taliban, nhiệm vụ quan trọng không kém của Mỹ là huấn luyện các lực lượng Afghanistan để họ có thể tự bảo đảm an ninh cho đất nước, điều hành hiệu quả chính phủ, khuyến khích hợp tác khu vực, đặc biệt là với Pakistan. Nhưng nhiệm vụ này đang vấp phải khó khăn thực sự khi tham nhũng đang đẩy chính quyền sở tại vào tình trạng đã mất kỷ cương. Đây là một tương lai khá bi quan của Afghanistan. Tình trạng dựa dẫm lâu dài ắt sẽ nguy hiểm khi mối đe dọa Taliban chưa hết và càng nguy hiểm hơn khi người Mỹ rút quân và Chính phủ Afghanistan sẽ phải tự chịu trách nhiệm về những gì xảy ra trên đất nước. Nhiều cựu quan chức cao cấp, học giả và các nhà phân tích chính sách thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa mới đây cho rằng, những nỗ lực "xây dựng đất nước" ở Afghanistan đã tiêu tốn quá nhiều máu và tiền bạc của người Mỹ và dù mọi việc ra sao thì "triển vọng thành công là mờ nhạt".
Với số quân Mỹ lên tới gần 100.000 người, cuộc chiến Afghanistan đang bước vào giai đoạn quyết định. Nếu không có những tiến bộ rõ ràng trong những tháng tới, sự ủng hộ chính trị với cuộc chiến này trên nhiều phương diện có thể sụp đổ. Việc loại bỏ hoàn toàn khả năng xâm phạm lợi ích Mỹ tại Afghanistan của tàn quân Taliban, mang lại hòa bình cho đất nước này vẫn thực sự là một thách thức còn để ngỏ cho xứ Cờ hoa.