Nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động
Đời sống - Ngày đăng : 07:11, 10/03/2011
Nhu cầu thiết thực của NLĐ
Phát triển các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao trong CNVCLĐ sẽ góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho người lao động. Ảnh: Nguyệt Ánh
Tại một cuộc họp gần đây bàn về đẩy mạnh phong trào VHVN, TDTT trong CNVCLĐ, ông Phùng Văn Hỹ, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội đã thẳng thắn nêu lên một thực trạng. Đó là lâu nay phong trào mới chỉ phát triển được ở khối cơ quan hành chính sự nghiệp và DN nhà nước; còn ở DN ngoài quốc doanh, NLĐ gần như không được quan tâm tạo điều kiện thưởng thức và có cơ hội để "trổ tài". Nguyên nhân, do chủ DN chỉ quan tâm đến lợi nhuận, chú trọng lao động, sản xuất, kinh doanh mà coi nhẹ việc vui chơi, giải trí, cải thiện đời sống tinh thần NLĐ.
Thực tế, những năm gần đây, phong trào VHVN, TDTT tại nhiều cơ quan, đơn vị, DN nhà nước đã trở thành nét văn hóa đặc trưng và là món ăn tinh thần không thể thiếu của NLĐ. Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Chủ tịch CĐ Công ty xích líp Đông Anh cho biết, công ty đã thành lập được CLB bóng đá, bóng chuyền, cầu lông... và chiều nào sau giờ làm việc, các CLB cũng hoạt động hết công suất. Còn đối với hoạt động VHVN, trước đây phải thuê văn công, nhưng nay chị em trong công ty chính là diễn viên, ca sĩ, hoàn toàn tự biên, tự diễn, mỗi khi có kỳ cuộc lớn của công ty. Các hoạt động đó tác động trực tiếp đến sản xuất, tạo không khí sôi nổi, vui tươi, thúc đẩy sự say mê lao động, sáng tạo trong CNVCLĐ. Với đội ngũ CNVCLĐ trên 1.500 người, để duy trì phong trào, CĐ phải cố gắng rất nhiều, chủ động "xin" kinh phí, xây dựng chương trình kế hoạch hoạt động...
Đánh giá kết quả của phong trào VHVN,TDTT, nhiều cán bộ CĐ các cấp cho rằng, ở đâu phong trào này được quan tâm, phát triển, ở đó tinh thần của NLĐ phấn chấn hơn rất nhiều. Thông qua hoạt động VHVN, TDTT, NLĐ có ý thức nâng cao tác phong, kỷ luật, lời ăn, tiếng nói trong giao tiếp, ứng xử và tự hoàn thiện mình. Lợi ích đã rõ như vậy, song làm thế nào để NLĐ trong mọi thành phần kinh tế đều được thụ hưởng là vấn đề không dễ. Đơn cử, LĐLĐ TP mỗi năm phối hợp với các đơn vị tổ chức hàng trăm chương trình VHVN, TDTT, tiêu biểu là chương trình "Hát cho công nhân nghe - nghe công nhân hát" để thâm nhập khu vực DN ngoài nhà nước, phục vụ nhu cầu thưởng thức văn nghệ của công nhân. Tuy nhiên, những buổi diễn như thế cũng chỉ như "muối bỏ bể", vì hiện TP có hàng chục KCN, hàng nghìn DN với hàng vạn NLĐ.
Đa dạng hóa nguồn lực
Khắc phục thực trạng này, các cấp CĐ đã có nhiều giải pháp thiết thực. Điển hình, tại thị xã Sơn Tây, nhằm đa dạng hóa cách thức để NLĐ có cơ hội hưởng thụ, ngoài việc thường xuyên tổ chức các chương trình giao lưu VHVN, TDTT, thị xã đầu tư 12 sân cầu lông, phục vụ nhu cầu hoạt động thể thao của CNVCLĐ. Ông Kiều Đại, cán bộ CĐ chuyên trách của thị xã cho biết, năm qua, CĐ tổ chức được 3 chương trình "Hát cho công nhân nghe - nghe công nhân hát". Đây là hoạt động rất mới, song đã mang lại hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu thưởng thức VHVN của NLĐ tại các đơn vị và đông đảo quần chúng nhân dân. Do đó, năm nay, LĐLĐ thị xã quyết tâm nhân rộng, dự kiến tổ chức chương trình tại 17 điểm ở các KCN, cụm công nghiệp. Đồng thời thành lập 4 cụm VHTT tại 4 KCN, để chăm lo tốt hơn đời sống tinh thần cho NLĐ.
Thời gian tới, LĐLĐ TP đề ra 9 nhiệm vụ cụ thể; trong đó, chỉ đạo các cấp CĐ phối hợp với chính quyền đồng cấp củng cố, tăng cường đẩy mạnh phong trào VHVN, TDTT trong CNVCLĐ. Đặc biệt, chỉ đạo các đơn vị nhanh chóng triển khai thành lập cụm VHTT; tăng cường nhiều hơn nữa các chương trình VHVN hướng về NLĐ tại các KCN, KCX và cụm công nghiệp.
Để phong trào phát triển mạnh, đáp ứng nhu cầu thiết thực của NLĐ, LĐLĐ TP cũng đề xuất các cấp, ngành quan tâm tạo điều kiện về kinh phí cho hoạt động VHVN, TDTT. Đồng thời, có chế tài ràng buộc trách nhiệm đối với người đứng đầu đơn vị, DN. Có như vậy, phong trào mới thực sự phát huy hiệu quả, đem lại cuộc sống tinh thần phong phú cho NLĐ.