Đồng thuận để vượt khó

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:31, 10/03/2011

(HNM) - Tại cuộc tiếp xúc với cử tri Hà Nội trước thềm kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XII của Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu Quốc hội Hà Nội, hàng loạt vấn đề đã được người dân Thủ đô nêu ra, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến những khó khăn trong bối cảnh hiện tại.


Giá cả hàng hóa, dịch vụ leo thang không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân mà còn gây ra, những hệ lụy cho xã hội. Do vậy, kiềm chế lạm phát không chỉ là nhiệm vụ trọng tâm cấp bách đối với Chính phủ, với các cơ quan chức năng, mà đây cũng là trách nhiệm của mỗi người Việt Nam.

Chính phủ đã khẳng định rõ quyết tâm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội bằng hàng loạt giải pháp, trong đó đặc biệt nhấn mạnh chính sách thắt chặt tiền tệ và tối giản đầu tư công. Các động thái trên thị trường ngoại hối những ngày gần đây cho thấy chính sách tiền tệ đã được điều hành một cách chặt chẽ, thận trọng và bước đầu đã đạt được những hiệu quả nhất định. Dự kiến tốc độ tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán sẽ được siết chặt ở các mức tương ứng dưới 20% và dưới 16% trong năm nay ( so với mức 31% và 26% của năm 2010). Hãm cung tiền sẽ dẫn đến hãm tổng cầu, như vậy, tăng trưởng tuy ít hơn nhưng sẽ bền vững hơn. Ngoài chính sách tài khóa giảm bội chi hợp lý, giảm nhập siêu…, một trong những giải pháp đáng ghi nhận là tiết kiệm ngân sách chi tiêu công.

Hà Nội, một đầu tàu kinh tế quan trọng của cả nước và là địa phương có nhiều kinh nghiệm đối phó với khủng hoảng tài chính, tiền tệ đã đề ra một chương trình hành động thiết thực với 5 nhóm nhiệm vụ lớn cho mục tiêu kiềm chế lạm phát. Chính sách tiền tệ sẽ được thành phố điều hành theo hướng thận trọng, giảm tốc độ và tỷ trọng vốn vay của khu vực phi sản xuất, nhất là chứng khoán, bất động sản. Các giải pháp tiết kiệm chi tiêu, tăng thu ngân sách cũng được tập trung thực hiện cùng với việc rà soát, cắt giảm, giãn tiến độ các dự án đầu tư chưa thật cần thiết, tiết kiệm chi thường xuyên. Đồng thời thành phố sẽ đình hoãn, giãn tiến độ thực hiện đối với các dự án có nguồn vốn ngân sách nhà nước triển khai chậm, chưa cấp thiết để ưu tiên vốn cho sản xuất, cho các dự án, công trình về hạ tầng xã hội phục vụ đời sống dân sinh bức xúc và lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn…

Đây có thể nói là những giải pháp chưa từng có, được thể hiện với quyết tâm cao và cũng là những giải pháp mang lại hứa hẹn theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế. Cả hệ thống chính trị đang chuyển động cho mục tiêu chung theo Nghị quyết 11/CP của Chính phủ. Thời điểm này cũng là lúc mỗi người dân nước Việt cần khẳng định trách nhiệm của mình. Tuy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng cao gần 3,8% trong 2 tháng đầu năm nhưng Chính phủ vẫn phải điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện… là một quyết định khó khăn và cũng có thể coi là bất khả kháng, bởi không thể kéo dài thêm tình trạng bù lỗ cho các mặt hàng này. Do vậy, mỗi người dân hãy chia sẻ với Chính phủ bằng cách tiết kiệm trong việc sử dụng xăng dầu, điện, than... Đây là sự chia sẻ cần thiết trong thời điểm khó khăn này.

Trong quá trình thực hiện các giải pháp cấp bách, nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô thì sự đồng thuận, chia sẻ của người dân với Chính phủ có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Những biến động trên thị trường vừa qua đã cho thấy các chính sách điều hành kinh tế đang đi đúng hướng. Khi tất cả đồng thuận cho mục tiêu chung, chúng ta sẽ sớm vượt qua khó khăn.

Thế Phương