Lên phương án điều chuyên cơ đưa lao động về nước
Đời sống - Ngày đăng : 21:50, 09/03/2011
Người lao động Việt Nam tại trại tị nạn ở khu vực biên giới Tunisia và Libya. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN) |
Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Trưởng Ban chỉ đạo giải quyết việc đưa công dân Việt Nam tại Trung Đông và Bắc Phi về nước đã cho biết như vậy tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo, tại Hà Nội, chiều 9/3.
Được biết, 292 lao động Việt Nam tại Libya đang tập kết tại biên giới Algeria-Libya. Nơi đây xa trung tâm hàng nghìn km, cộng với thời tiết sa mạc khắc nghiệt, nước uống và thực phẩm khó khăn, đồng thời có khả năng chiến sự giao tranh.
Coi đây là một công việc cấp bách, tại cuộc họp chiều nay, Ban chỉ đạo giải quyết việc đưa công dân Việt Nam tại Trung Đông và Bắc Phi về nước đã lên phương án chuẩn bị điều chuyên cơ sang Algeria. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Bộ Ngoại giao đã và đang phối hợp, bàn bạc với Tổ chức di dân quốc tế (IOM) nhờ hỗ trợ đưa số lao động trên về nước. Trong trường hợp khó khăn, tiến độ giải cứu lao động của IOM không đẩy nhanh được, Việt Nam sẽ điều chuyên cơ sang đón.
Tại cuộc họp, các thành viên trong Ban Chỉ đạo giải quyết việc đưa công dân Việt Nam tại Trung Đông và Bắc Phi về nước cũng rất quan tâm đến tình hình lao động Việt Nam tại một số nước khác trong khu vực Bắc Phi và Trung Đông.
Phó Trưởng Ban Chỉ Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các bộ ngành, tiếp tục nắm thông tin tình hình Bắc Phi và Trung Đông, để trong trường hợp xảy ra tình hình tương tự như Libya, sẽ có phương án xử lý nhanh chóng, kịp thời.
Tại cuộc họp báo bên lề phiên họp của Ban Chỉ đạo giải quyết việc đưa công dân Việt Nam tại Trung Đông và Bắc Phi về nước, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Tập đoàn Khang Thông đã gửi công văn tới Bộ, xin nhận hơn 10.000 lao động Việt Nam vừa từ Lybia về, vào làm việc cho Dự án HapyLand (Bến Lức - Long An). Dự án này đầu tư tại Long An, cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 50 km, có vốn đầu tư 2 tỷ USD, dự kiến đưa vào khai thác năm 2014 nên thu hút rất nhiều lao động, nhất là lao động ngành xây dựng.
Được biết, mức lương cho lao động phổ thông là 3 triệu đồng/tháng; lao động có tay nghề từ 4-6 triệu đồng/tháng. Tập đoàn Khang Thông không chỉ lo chỗ ở cho lao động mà còn nhận bảo lãnh toàn bộ số tiền lao động nợ vay ngân hàng để sang Libya. Số tiền này sẽ được khấu trừ vào tiền lương. Thời gian tiếp nhận lao động từ 1/5/2011.
Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, Bộ sẽ phổ biến thông tin này tới toàn thể số lao động vừa từ Libya về và có trách nhiệm giới thiệu cho chủ lao động.
Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ trực tiếp đến Long An làm việc với chủ đầu tư Dự án HapyLand để nắm bắt tình hình, trao đổi về cơ chế tiếp nhận số lao động nói trên.
Cũng tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa cho biết, Bộ đã giao cho Cục Quản lý lao động ngoài nước khẩn trương làm việc với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, lên phương án hỗ trợ số lao động vừa từ Lybia trở về. Theo ông Hòa, chậm nhất là đầu tuần sau sẽ có phương án hỗ trợ cụ thể.