Chưa dốc hết vốn

Văn hóa - Ngày đăng : 06:55, 09/03/2011

(HNM) - Thêm nhiều gương mặt trẻ, đó là một trong những dấu hiệu đáng mừng của Liên hoan Dân ca Việt Nam lần thứ IV với vòng chung kết khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc bộ vừa kết thúc tại Hưng Yên.

Vòng chung kết khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc bộ quy tụ 21 tiết mục của 9 tỉnh, thành. Tuy ít hơn lần trước (11 tỉnh, thành), nhưng các tiết mục lần này được đánh giá là có sự chọn lựa kỹ càng và chất lượng cao hơn. Các địa phương đem đến liên hoan những làn điệu dân ca đặc trưng như quan họ của Bắc Ninh, Bắc Giang, hát xoan của Phú Thọ, hát ghẹo của Vĩnh Phúc, ca trù của Hà Nội, hát xẩm của Ninh Bình… Ngoài những gương mặt mới, có những giọng ca đã từng tham gia liên hoan trước, nay tái ngộ như Vũ Thị Sợi của Ninh Bình, lần đầu tiên đến với dân ca 4 năm trước, nay trở lại ở tuổi 17 với tiết mục "Xẩm thập ân". Nhà hát Chèo Hà Nội cũng "đến hẹn lại lên" đưa "quân" về Hưng Yên tham dự.

Khép lại vòng chung kết vào tối 6-3 vừa qua, GS. TSKH Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật đánh giá, liên hoan có chất lượng cao. Điều đáng kể là ý thức giữ gìn và phát triển dân ca ở nhiều địa phương và sự tham dự khá đông đảo của lớp trẻ.

Theo đạo diễn, tác giả kịch hát dân tộc Lương Tử Đức - Phòng Sân khấu Đài THVN, liên hoan năm nay dường như có xu hướng "tâm linh hóa" với nhiều tiết mục hướng vào các nội dung sinh hoạt tín ngưỡng dân gian. Phong cách biểu diễn của các diễn viên cũng thể hiện sự nghiêm cẩn, ngay ngắn hơn.

Hướng về những vòng chung kết khu vực tiếp theo, nhiều người mong muốn được thấy sự xuất hiện của nhiều làn điệu, bài ca chưa từng hoặc còn ít được biết đến. GS Tô Ngọc Thanh đặt câu hỏi: Liệu chúng ta có thể được nghe gửi thư, nhịp ba cung bắc, hát dô, múa hát Bài bông, cùng những bài hát sang trọng của xoan, ghẹo, quan họ? Vốn dân ca không phải vô tận nhưng ngay cả những gì ta đang có vẫn chưa được khai thác hết.

Vòng chung kết khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc bộ lần này cũng đặt ra vấn đề về sự tham gia tranh tài của các diễn viên chuyên nghiệp với những tiết mục, cách trình diễn có sự "gia cố", có yếu tố dàn dựng khá rõ. GS Tô Ngọc Thanh hoan nghênh nhưng cũng có ý nhắc nhở: Có thể có sáng tạo, có nhiều cái mới nhưng cái gốc của ông cha vẫn cần phải giữ. Ông cũng cho rằng, liên hoan đón chào các diễn viên chuyên nghiệp, nhưng nên coi đó là sự quay về nguồn chứ không phải là hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa dân ca của ông cha…

Đêm chung kết Liên hoan Dân ca các tỉnh phía Bắc sẽ diễn ra vào ngày 20-3.

Tại vòng chung kết khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc bộ, tiết mục ca trù của đoàn Hà Nội và hát văn của đoàn Nam Định giành giải A. Ngoài ra, còn có 4 tiết mục đoạt giải B, 6 tiết mục giải C, 9 tiết mục nhận giải khuyến khích.

Hoàng Hoa