Điều gì đang xảy ra ở Bắc Phi và Trung Đông?
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:40, 09/03/2011
Diễn biến tình hình
Ngày 17-1-2011, Mohamed Bouazzi, công dân Tunisia 26 tuổi, do bị cảnh sát tịch thu gánh hàng rong, vì quá phẫn uất, đã tự thiêu. Hình ảnh đó được ghi lại bằng máy quay phim, bằng điện thoại di động, được tung lên các trang mạng xã hội Facebook, Twitter, YouTube… Ngay sau đó, nhiều cuộc biểu tình, bạo loạn liên tiếp nổ ra ở Sidi Bouzid và các tỉnh, thành phố khác của Tunisia. Qua các cuộc xô xát, trấn áp, phản kháng, đã có hàng chục người chết, hàng trăm người bị thương. Trước sức ép của phe đối lập và các lực lượng biểu tình, ngày 14-2, Tổng thống Ben Ali cùng gia đình đã phải trốn chạy khỏi Tunisia.
Lực lượng chống đối ở Libya tải đạn để chuẩn bị giao tranh với quân đội Chính phủ. |
Biến động chính trị dữ dội ở Tunisia được thế giới khoác cho một cái tên mỹ miều - “cuộc cách mạng hoa nhài”, nhanh chóng tác động, lây lan, xô đẩy nhiều nước khác ở Bắc Phi, Trung Đông. Ở Algeria, trong các ngày từ 6 đến 8-1, biểu tình, bạo loạn cũng bùng phát ở trên 20 tỉnh, thành phố, đến nay, tình hình tuy có dịu xuống nhưng trên 80 người đã thiệt mạng, hàng trăm người bị thương.
Ở đất nước có hơn 80 triệu dân Ai Cập, bằng khẩu hiệu “Một ngày nổi dậy” đòi Tổng thống Hosni Mubarak từ chức truyền đi qua điện thoại di động, qua Facebook, qua báo chí và mạng internet, nhiều cuộc biểu tình, bạo động chính trị quy mô lớn, thu hút sự tham gia của hàng chục ngàn người đã nổ ra tại thủ đô Cairo, thành phố cảng Alechxandria, vùng kênh đào Suez… Không thể có con đường nào khác, lúc 19h15 (GMT) ngày 11-2, Phó Tổng thống Ai Cập Omar Suleiman phát biểu trên truyền hình tuyên bố Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak “đã quyết định từ chức”, kết thúc 32 năm cầm quyền liên tục ở đất nước đông dân nhất thế giới Arập. Hội đồng Tối cao các lực lượng vũ trang Ai Cập (do Bộ trưởng Quốc phòng Mohammed Hussein Tantawi đứng đầu) thay thế Tổng thống điều hành đất nước. Cuộc bầu cử Tổng thống dự kiến diễn ra vào tháng 9-2011. Quân đội Ai Cập tuyên bố sẽ nghiên cứu các biện pháp cần thiết để thực hiện những mong đợi của người dân, không bãi bỏ các quyền dân sự và tiếp tục kiểm soát đất nước trong thời kỳ quá độ. Việc Hosni Mubarak từ chức là do áp lực của người dân Ai Cập bất mãn trước phát biểu ngày 10-2 của ông này, trong đó, ông Mubarak chưa chịu chuyển giao quyền lực và muốn tiếp tục tại vị cho đến tháng 9-2011 (là thời điểm tổ chức cuộc bầu cử Tổng thống mới). Sau tuyên bố này, hàng trăm nghìn người dân Ai Cập đã đổ về Quảng trường Tahrir đòi ông phải ra đi.
Năm 1952, bằng phong trào Free Officers (Sỹ quan tự do), Đại tá Abdel Nasser làm cuộc đảo chính quân sự hạ bệ chế độ quân chủ Ai Cập, tạo dựng chính phủ mới dựa vào thế lực của Quân đội. Khi Abdel Nasser chết Anwar Sadat lên thay. Khi A. Sadat bị ám sát, Hosni Mubarak lên nắm quyền.
Ai Cập là quốc gia có 80 triệu dân, nguồn thu ngoại tệ chính từ du lịch, bán dầu mỏ, khí đốt, phí qua kênh đào Suez, gia công hàng hóa, lao động xuất khẩu. Từ chỗ là vựa lúa mì của khu vực Địa Trung Hải, nay Ai Cập là một trong những nước nhập khẩu lương thực lớn của thế giới.
Việc Phó Tổng thống Omar Suleiman tuyên bố Tổng thống Hosni Mubarak từ chức được Mỹ, các nước phương Tây cùng các phương tiện thông tin đại chúng tung hô “là những thành công trong việc sử dụng sức mạnh đường phố” để thay đổi chế độ. Tuy nhiên, việc từ chức của Tổng thống Hosni Mubarak còn có nhiều vấn đề chưa được sáng tỏ, khiến người ta liên tưởng đến một cuộc đảo chính quân sự:
- Trước đó, ngày 10-2, phát biểu trên truyền hình, ông Hosni Mubarak vẫn kiên định lập trường không chuyển giao quyền lực, nhưng chỉ một ngày sau đó lại thay đổi.
- Cùng ngày, Hội đồng Quân sự tối cao Ai Cập (gồm Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang, Tổng Tham mưu trưởng, Tổng Chỉ huy tác chiến, các tư lệnh binh chủng lục quân, hải quân và không quân) đã họp khẩn cấp để thống nhất các chi tiết cho quá trình chuyển tiếp chính trị đất nước.
- Việc tuyên bố từ chức không được Tổng thống phát biểu chính thức mà được Phó tổng thống tuyên bố.
- Theo quy định của Hiến pháp Ai Cập, nếu Tổng thống Hosni Mubarak từ chức thì quyền lực phải được trao cho Chủ tịch Quốc hội chứ không phải trao cho lãnh đạo quân đội.
- Bối cảnh tuyên bố diễn ra từ chức không được công bố cụ thể. Dẫu sao, sự việc đã an bài !?
Tình hình căng thẳng với nhiều cuộc biểu tình, bạo động chính trị cũng xảy ra ở các nước lân cận như Libya, Yemen, Barain, Sudan, Iran, Kuwait, Oman, Jordania, Gibuti… Ở Yemen, từ cuối tháng 2 đến nay, phe đối lập đang gây sức ép bằng nhiều cách để buộc Tổng thống Apdullah Saleh từ chức trước cuối năm nay. Ông Apdullah Saleh không ngần ngại lên án Mỹ và nhiều nước phương Tây đứng sau những âm mưu đó. Tình hình Libya bi đát hơn nhiều, một cuộc nội chiến ngày càng khốc liệt, thảm họa nhân đạo làm đau đầu nhiều quốc gia có công dân đang cư trú, làm việc tại đây. Cuộc nổi dậy của lực lượng chống ông Gaddafi bắt đầu nổ ra tại Benghazi, nằm ở phía bắc khu vực dầu mỏ lớn nhất của Libya, gần với nhà máy lọc dầu, cảng khí hóa lỏng và các đường ống dẫn dầu, dẫn khí đốt của nước này. Ngày 1-3, Liên hợp quốc thông qua một nghị quyết chưa từng có: đình chỉ tư cách thành viên của Libya tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Mỹ và nhiều nước phương Tây thực hiện lệnh cấm vận, phong tỏa tài sản của Libya và gia đình ông Gaddafi. Ngày 2-3, Mỹ điều 2 tàu chiến băng qua kênh đào Suez để “hỗ trợ nhân đạo” và không giấu giếm ý đồ can thiệp bằng quân sự. 25 năm trước, năm 1986, Mỹ từng không kích vào thủ đô Tripoli và vùng đất Benghazi đã nói trên, làm hơn 60 người thiệt mạng, trong đó có con gái của Gaddafi. Và ở thời điểm này, sự tồn tại của chính quyền M.Gaddafi là ngàn cân treo sợi tóc.
Việc gì đang xảy ra ở các nước MENA? Những nguyên nhân nào đưa đến biểu tình, bạo loạn? Câu trả lời đang dần hé lộ.
Nguyên nhân
Phải kể đến các nguyên nhân bên trong, nguyên nhân trực tiếp, dễ thấy. Thứ nhất, đó là việc các nước này lệ thuộc quá nhiều vào nước ngoài, cả về chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao, nhất là sự lệ thuộc về kinh tế. Khi kinh tế toàn cầu suy giảm, nền tài chính, tiền tệ thế giới rơi vào khủng hoảng, chính các nước này bị tác động sớm và mạnh mẽ nhất. Thứ hai, là đường lối chính trị, là cách thức lãnh đạo, điều hành đất nước sai lầm của nhà cầm quyền. Tình trạng độc đoán, chuyên quyền, gia đình trị, tham nhũng kéo dài, tạo nên sự bất bình ngày càng gia tăng của các giai tầng trong xã hội. Khi các đảng phái đối lập, các nhóm Hồi giáo cực đoan trỗi dậy, nêu chiêu bài “dân chủ”, “chống tham nhũng”, “chống độc quyền, gia đình trị”…, rất dễ tranh thủ sự ủng hộ, đi theo của người dân. Thứ ba, là tình trạng đói nghèo, thất nghiệp, mù chữ, tội phạm và tệ nạn xã hội gia tăng, khoảng cách giàu nghèo ngày càng bị khoét sâu, tạo nên mâu thuẫn xã hội sâu sắc. Từ ba nguyên nhân trên, dẫn đến nguyên nhân thứ tư là, nhà cầm quyền không nhận được sự trung thành, ủng hộ thật lòng của quân đội và lực lượng cảnh sát, khi xảy ra nguy biến, rốt cuộc, các lực lượng này phản ứng yếu ớt, thậm chí buông xuôi. Có thể có thêm một vài nguyên nhân nội tại khác nữa.
Tuy nhiên, có những nguyên nhân từ bên ngoài (mà không nên gọi là khách quan), về thực chất, đã nhúng tay, lúc thô bạo, lúc tinh vi, xảo quyệt. Xin ngược dòng thời gian và nhớ lại.
Tháng 6-2004, chính quyền G.Bush đã vạch ra chiến lược Đại Trung Đông nhằm “thúc đẩy dân chủ” ở các nước Arập. Tháng 3-2005, Quốc hội Mỹ thông qua bộ luật Thúc đẩy dân chủ ở các nước Arập, trong đó có điều khoản yêu cầu Bộ Ngoại giao nước này thành lập các trang website, mạng xã hội để liên kết, hỗ trợ “các phong trào dân chủ”; tài trợ tiền bạc cho các tổ chức phi chính phủ (NGO) thuộc khối Arập… Mạng xã hội Twitter ra đời từ chính sách đó và đã thể hiện rất rõ sự lợi hại trong thời gian vừa qua. Mỹ cũng cho lập Quỹ quốc gia Hỗ trợ dân chủ (NED), Ngôi nhà tự do (FH), tài trợ cho hơn 1.000 NGO ở hơn 90 quốc gia trên thế giới, trong đó có 33 NGO ở Ai Cập. Tổ chức USAID của Mỹ hằng năm tài trợ trên 70 triệu USD cho các “hoạt động xã hội dân sự” tại Ai Cập… Tháng 8-2010, Tổng thống Mỹ B.Obama lệnh cho các cố vấn an ninh soạn thảo một báo cáo mật, trong đó chỉ rõ những nơi nào trong thế giới Arập có khả năng xảy ra biến động, bạo động chính trị. Trước đó, ngày 4-6-2009, trong một bài phát biểu tại Cairo, khi mà quan hệ giữa Mỹ và chính quyền Ai Cập đang khá mặn nồng (ít nhất là bề ngoài), Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đưa ra thông điệp mà sau này, buộc nhiều người phải ngẫm ngợi: “Tôi có một niềm tin chắc chắn rằng, tất cả mọi người đều khao khát có thể phát biểu suy nghĩ của mình, cũng như đóng góp ý kiến về cách thức được cai trị; lòng tin vào quyền lực của luật pháp và sự thực thi công lý bình đẳng; một chính phủ minh bạch và không tham nhũng của dân; được tự do sống theo ý mình”. Trước khi ông H.Mubarak buộc phải ra đi 11 ngày, trả lời phỏng vấn báo chí về tình hình Ai Cập, Ngoại trưởng Mỹ H.Clinton kêu gọi Ai Cập cần “chuyển tiếp trong trật tự”.
Cùng quan điểm với Mỹ, nói đúng hơn là đi theo Mỹ trong vấn đề Ai Cập, Bắc Phi, Trung Đông, còn có nhiều nhân vật, tổ chức ở khu vực này và các nước phương Tây lộ diện dần trong màn khói hư ảo. Rõ nhất là lãnh tụ phe đối lập, ông Mohamed El Baradei - nguyên Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế, người Ai Cập. Ông này đã thốt lên: “Quốc gia tự do”, “cuộc sống đã bắt đầu trở lại” với tất cả người dân Ai Cập. Tổ chức anh em Hồi giáo cũng hoan nghênh “quân đội đã giữ cam kết” cho cuộc đấu tranh của người dân Ai Cập. Chính phủ các nước Mỹ, Anh, Pháp, Đức và EU cho rằng đây là “thời khắc lịch sử”.
(Còn nữa)