Ngành chăn nuôi có thể lâm nguy vì dịch bệnh trên GSGC

Đời sống - Ngày đăng : 20:45, 08/03/2011

(HNMO)- Dịch bệnh trên gia súc, gia cầm (GSGC) đang diễn biến rất phức tạp và có dấu hiệu ngày càng lây lan, bùng phát trên diện rộng. Cả nước hiện có 33 tỉnh, thành phố có dịch bệnh trên GSGC. Trước tình hình đó, chiều nay 8-3, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát đã có cuộc họp khẩn cấp với Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống cúm gia cầm nhằm tìm biện pháp ngăn chặn dịch.

Hiện nay, rất đáng lo ngại là tình hình dịch lở mồm long móng (LMLM) trên đàn gia súc. Báo cáo của cục Thú y cho thấy, ngay từ cuối năm 2010 kéo dài sang đến nay, dịch LMLM đã bùng phát mạnh và ngày càng có những diễn biến phức tạp, ngoài sự kiểm soát của chính quyền địa phương và thú y cơ sở. Tính đến ngày hôm nay 8-3, cả nước đã có 25 tỉnh xuất hiện dịch LMLM. Hơn thế, tính riêng từ đầu năm 2011 đến nay, dịch bệnh đã làm 60.000 con gia súc nhiễm bệnh, trong đó, 75% số lợn nhiễm bệnh bị chết. Ông Hoàng Văn Năm, Cục trưởng cục Thú y đánh giá, diễn biến của dịch LMLM năm nay rất phức tạp, độc lực của vi rút mạnh hơn, lây lan nhanh hơn nhiều năm trước. Ông Năm nhấn mạnh: “Qua phân tích cho thấy, loại vi rút gây LMLM ở Việt Nam năm nay vẫn thuộc type O nhưng thuộc chủng vi rút lưu hành ở Malaysia năm 1998. Độc lực cao, đặc biệt tỷ lệ lợn nhiễm bệnh chết rất cao”.


Ngành chăn nuôi đang bị đe dọa vì dịch bệnh trên GSGC đang có nguy cơ lây lan và bùng phát ra diện rộng


Trước diễn biến bất thường của dịch bệnh trên gia súc, nhiều chuyên gia tỏ ý lo ngại ngành chăn nuôi sẽ bị ảnh hưởng lớn. Bởi, theo chu kỳ hàng năm, từ tháng 3 đến tháng 4, dịch tai xanh sẽ tái xuất hiện. Bằng chứng là vừa qua tại tỉnh Hà Tĩnh đã xuất hiện dịch tai xanh trên đàn lợn. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát lo lắng: “Nếu không dập tắt kịp thời dịch LMLM hiện nay, dịch tai xanh bùng phát sẽ tạo thành tổ hợp dịch bệnh gây ảnh hưởng rất lớn đến đàn lợn”. Tuy nhiên, biện pháp tiêm phòng vắc xin lại thiếu tính khả thi. Bởi, cả nước hiện có khoảng 22 triệu con lợn, trên 13 triệu con trâu, bò, hươu, sẽ không xuể khi dùng vắc xin để tiêm dập dịch.

Trong khi đó, tình hình chống dịch tại nhiều địa phương đã tỏ ra uể oải, lơ là. Lãnh đạo Viện Thú y cho biết, qua kiểm tra công tác phòng chống dịch ở nhiều địa phương cho thấy, chính quyền sở tại vẫn chưa vào cuộc. Đặc biệt, còn có tâm lý giấu dịch. “Các mẫu bệnh phẩm trực tiếp do cán bộ Viện lấy thì cho kết quả dương tính. Nhưng, các mẫu địa phương gửi lên lại không phát hiện bệnh. Chứng tỏ đã có sự can thiệp từ phía địa phương”, vị lãnh đạo này nhận định. Cũng theo vị lãnh đạo này, tại nhiều địa phương, lãnh đạo huyện, trạm thú y huyện vẫn còn mơ hồ về việc hỗ trợ của Chính phủ đối với việc tiêu hủy gia súc nhiễm bệnh.

Bên cạnh dịch LMLM trên gia súc, dịch cúm gia cầm sau một thời gian được khống chế thì cũng đã bắt đầu bùng phát rộng ra 8 tỉnh, thành phố, trong đó 7 tỉnh, thành phố thuộc miền Bắc. “Nhiều địa phương chưa vào cuộc chống dịch, ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp tỉnh, huyện thì gần như tạm ngừng”, là những nhận định từ Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống cúm gia cầm. Bộ trưởng Cao Đức Phát đánh giá: “Trong khi dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ với độc lực cao hơn, tốc độ lây lan mạnh hơn thì tinh thần chống dịch của chúng ta lại thấp đi. Tình hình dịch bệnh đang rất căng thẳng, nếu không dập được dịch thì ngành chăn nuôi lâm nguy”.


Các tỉnh có nguy cơ cao cần khẩn trương triển khai tiêm phòng vắc xin cho đàn GSGC


Để có thể dập tắt dịch bệnh trong thời gian sớm nhất, tránh tổn hại lớn cho ngành chăn nuôi, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị phải ngay lập tức “tung” vắc xin để tiêm phòng cho những tỉnh nguy cơ cao, những tỉnh chăn nuôi lớn. Đặc biệt, các tỉnh, thành phố phải siết chặt công tác giết mổ, vận chuyển, thực hiện nghiêm túc không qua loa, đại khái. Với những tỉnh có dấu hiệu dịch bệnh trên GSGC nhưng không công bố, nếu phát hiện cần xử lý nghiêm những người cố tình vi phạm, gây thiệt hại lớn.

Ông Hoàng Văn Năm cho biết, từ ngày mai 9-3, Cục Thú y sẽ thành lập các đoàn kiểm tra việc thực hiện pháp lệnh Thú y tại các tỉnh, thành phố.

Đ.H