Phương Tây tăng sức ép hòng can thiệp vào Libya
Thế giới - Ngày đăng : 16:03, 08/03/2011
Lực lượng nổi dậy chuẩn bị đạn chống tăng tại một trạm kiểm soát ở ngoại ô Ras Lanuf ngày 6/3. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Lực lượng không quân của chính phủ đã giành ưu thế hoàn toàn trong việc kiểm soát không phận tại một số thành phố và thị trấn ở miền Đông, đẩy lực lượng chống đối vào tình thế khó khăn, phải tháo chạy khỏi một số khu vực.
Theo các nguồn thạo tin, các tay súng của lực lượng chống đối đang tìm cách lập đường vận chuyển vũ khí, thực phẩm từ thành phố Bengazi đến những vùng đang xảy ra giao tranh.
Ngoài việc liên tục gia tăng áp lực, Mỹ và các đồng minh phương Tây cũng đã công khai tuyên bố đang tìm cách hỗ trợ cho lực lượng nổi dậy ở miền Đông Libya.
Tại Washington, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney cho biết Mỹ và các đối tác đang cân nhắc nhiều phương án trong khả năng dùng giải pháp quân sự đối với Libya, trong đó có phương án cung cấp vũ khí cho lực lượng chống Tổng thống Gadhafi.
Một nguồn tin của lực lượng chống chính phủ cho biết thủ lĩnh cái gọi là "Hội đồng quốc gia" Mustafa Abdul Jalil đã có cuộc gặp với đại diện một số nước châu Âu, để thảo luận về khả năng áp đặt vùng cấm bay tại Libya hoặc phương Tây sẽ không kích vào các căn cứ mà lực lượng của ông Gadhafi phát động tấn công. Địa điểm cuộc gặp cũng như các quốc gia châu Âu tham dự cuộc gặp không được tiết lộ.
Phản ứng trước thông tin trên, ngày 7/3 Ngoại trưởng Libya Musa Kusa cáo buộc Anh, Pháp và Mỹ đang tìm cách chia cắt Libya bằng việc liên hệ với các lực lượng chống chính phủ ở khu vực miền Đông.
Ông Kusa cảnh báo khoảng 300 tay súng thuộc nhóm khủng bố quốc tế Al-Qaeda, một số từng là tù nhân tại Guantanamo, đang hỗ trợ lực lượng nổi dậy tại Libya.
Liên quan tới tình tiết này, Tổng thống Gadhafi tuyên bố Libya là đối tác quan trọng của phương Tây trong việc kiềm chế mạng lưới khủng bố Al-Qaeda và những người di cư bất hợp pháp sang châu Âu.
Với ý đồ gia tăng sức ép đối với Tổng thống Muammar Gaddafi, ngày 7/3 NATO đã quyết định tăng thời gian giám sát không phận Libya từ 10 giờ/ngày lên 24 giờ/ngày.
Đại sứ Mỹ tại NATO Ivo Daalder cho biết việc NATO giám sát không phận Libya suốt ngày đêm sẽ giúp cho các nhà hoạch định quân sự nắm được chi tiết các hoạt động trên mặt đất của các lực lượng trung thành với ông Gadhafi.
Tuy nhiên, Tổng thư ký NATO Ander Fogh Rasmussen một lần nữa khẳng định NATO sẽ chỉ can thiệp quân sự vào Libya khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ra nghị quyết cho phép việc này.
Các nguồn tin ngoại giao tại Liên hợp quốc cho biết Anh và Pháp đã dự thảo một nghị quyết về việc áp đặt vùng cấm bay tại Libya, và sẽ trình lên Hội đồng bảo an trong tuần này. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố việc thiết lập vùng cấm bay tại Libya là không cần thiết.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ xác định phương án lập vùng cấm bay tại Libya là một hành động chiến tranh, vì nó đòi hỏi trước hết phải tiến hành một chiến dịch không kích ồ ạt nhằm vô hiệu hóa hệ thống phòng không của Libya.
Trong trường hợp phát động tấn công Libya, Mỹ có nguy cơ lại sa lầy vào một cuộc chiến mới, trong khi 150.000 quân Mỹ vẫn đang mắc kẹt tại hai chiến trường là Afghanistan và Iraq trong nhiều năm qua.
Ngày 7/3, phái đoàn tìm hiểu sự thật của Liên minh châu Âu (EU) đã tới thủ đô Tripoli của Libya. Trước đó một ngày, bà Catherine Ashton, Đại diện phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh EU, cho biết nhiệm vụ của phái đoàn tìm hiểu sự thật là cung cấp những thông tin chính xác về tình hình Libya trước khi bà tham dự cuộc họp bất thường của Hội đồng châu Âu vào ngày 11/3.
Các nguồn tin ngoại giao cho biết Liên minh châu Âu (EU) ngày 7/3 đã chuẩn bị các lệnh trừng phạt mới đối với chế độ của nhà lãnh đạo Gadhafi, tập trung vào năm "thực thể" kinh tế, trong đó có Cơ quan Đầu tư Libya (LIA).