Một góc nhìn về văn học Nhật đương đại
Văn hóa - Ngày đăng : 13:58, 08/03/2011
Masatsugu Ono, sau khi bảo vệ thành công luận văn Tiến sỹ tại Đại học Paris VIII, đã chăm chút cho sự nghiệp văn chương của mình một cách đều đặn trên các lĩnh vực sáng tác, dịch thuật, phê bình và thuyết giảng.
Là một nhà văn, giảng viên, đồng thời cũng là một nhà phê bình, Masatsugu Ono có khả năng nhìn nhận văn học ở nhiều góc khác nhau.Trong buổi thuyết trình của mình, anh đã đưa ra nhiều vấn đề nổi cộm trong văn học đương đại của Nhật Bản, mang đến những cái nhìn mới mẻ cho những người tham gia quan tâm và yêu thích văn học Nhật Bản.
Buổi hội thảo tập trung chủ yếu xoay quanh quan điểm, cách nhìn nhận, đánh giá của Ono về tài năng của nền văn học đương đại Nhật Bản: Murakami Haruki, tác giả của cuốn “Rừng Nauy” - cơn sốt trên thế giới lẫn ở Việt Nam.
“Rừng Nauy” của Murakami Haruki đã xuất bản 10 triệu cuốn trên khắp nước Nhật và toàn thế giới. Trung bình cứ 10 người Nhật lại có 1 người đọc tác phẩm này.
Lí giải về sức hấp dẫn trong văn học của Murakami, nhà văn trẻ thuộc thế hệ 7x cho hay: Murakami có thể coi là nhà văn trung tâm trong nền văn học đương đại Nhật Bản. Các tác phẩm của ông mang một kết cấu chặt chẽ, logic, cân bằng giữa văn học thuần túy và giải trí bởi những hình ảnh vừa cụ thể, vừa chứa đựng một ẩn dụ sâu sa buộc người xem phải chìm đắm trong suy tưởng.
Người viết văn không thể thờ ơ, đứng bên lề cuộc sống xã hội. Để có một tác phẩm chân thực, làm rung động lòng người, nhà văn cần phải “dấn thân”, đặt mình vào bối cảnh thực tế của xã hội, của câu chuyện.
Murakami là một trong số ít các nhà văn Nhật Bản đương đại đã làm được điều đó. Nếu như “Rừng Nauy” thể hiện cái nhìn về xã hội Nhật Bản của tác giả thông qua nhân vật Wanatabe 20 tuổi thì “1Q84” với bối cảnh Tokyo năm 1984 lại đề cập tới vấn nạn bạo lực gia đình, đánh đập con cái mà xã hội Nhật ngày nay đang phải hứng chịu.
Cũng tại buổi thuyết trình, nhiều câu hỏi xung quanh quan niệm nhận thức về tình dục trong văn học của Nhật Bản cũng như ở Việt Nam đã được đặt ra.
Tác phẩm văn học đầu tay ghi dấu sự khởi đầu trong sự nghiệp sáng tác của của Ono được xuất bản năm 2001 có tên gọi “Mizu ni Umoreru Haka”, đã giúp anh đạt được giải thưởng Asahi New Writer (Giải thưởng Cây bút mới của Asahi). Tác phẩm thứ hai có tên gọi “Nigiyakana Wan ni Seowareta Fune” (tạm dịch: Con tàu neo Vịnh xôn xao) cũng được vịnh dự nhận được giải thưởng MishimaYukio. Cho đến nay, Masatsugu Ono đã được hai lần đề của cho giải thưởng Akutagawa, một trong những giải thưởng văn học danh giá nhất ở Nhật Bản. Những bài phê bình sắc sảo về những nền văn học đương đại khác cũng xuất hiện thường xuyên trên các tờ báo, tạp chí và các trang tin điện tử. |