Nhật Bản: “Cú sốc” chính trường
Thế giới - Ngày đăng : 06:56, 08/03/2011
Tuyên bố từ chức của Ngoại trưởng S.Maehara (48 tuổi) không chỉ là "cú sốc" trên chính trường xứ Phù Tang mà còn là một đòn giáng mạnh vào nội các Nhật Bản giữa lúc liên minh cầm quyền chịu nhiều áp lực từ phe đối lập đòi giải tán Hạ viện để tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn.
Ngoại trưởng Nhật Bản Seiji Maehara tuyên bố từ chức. |
Được nhìn nhận là một nhân vật sáng giá trong nội các khi giải quyết khôn khéo một loạt vấn đề của Nhật Bản liên quan đến tranh chấp chủ quyền biển đảo thời gian gần đây với Nga và Trung Quốc, thế nhưng Ngoại trưởng S.Maehara lại trở thành bộ trưởng đầu tiên phải từ chức kể từ khi Thủ tướng N.Kan cải tổ nội các tháng Giêng vừa qua. Quyết định từ chức chóng vánh của "ngôi sao" đang lên sau chưa đầy 6 tháng tại nhiệm không chỉ gây khó khăn với đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) cầm quyền của Thủ tướng N.Kan, mà trên bình diện ngoại giao còn có thể ảnh hưởng tới quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật, nhất là tiến trình tái bố trí căn cứ quân sự Futenma của Mỹ trên đất Nhật Bản. Trên bình diện đối ngoại hiện nay, Ngoại trưởng S.Maehara được nhìn nhận là người thể hiện được tinh thần "coi trọng quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ" như Thủ tướng N.Kan từng khẳng định khi nhậm chức vào tháng 9 năm ngoái. Vì thế, sự kiện xáo trộn nội các Nhật Bản, đặc biệt là việc người đứng đầu Bộ Ngoại giao phải từ chức khiến đồng minh bên kia Thái Bình Dương không khỏi quan ngại.
Với quyết tâm giành lại vị thế nền kinh tế số 2 thế giới từ tay Trung Quốc cũng như thúc đẩy cải thiện hệ thống an sinh xã hội, Thủ tướng N.Kan đã chứng tỏ được khả năng chèo lái con thuyền kinh tế Nhật Bản đang trong cơn sóng dữ khi thúc đẩy được Hạ viện nước này thông qua dự thảo ngân sách kỷ lục trị giá hơn 92.40 tỷ yen (ngày 1-3 vừa qua) cho năm tài khóa 2011 bắt đầu từ ngày 1-4, bất chấp sự phản đối kịch liệt của phe đối lập. Dẫu vậy, cuộc bỏ phiếu về ngân sách cũng đã làm bộc lộ thêm bất đồng trong nội các DPJ cầm quyền khi có tới 16 nghị sỹ thân cựu Chủ tịch Ichiro Ozawa - những người từng nộp đơn xin rút khỏi nhóm nghị sỹ của DPJ trước đó tại Quốc hội bỏ phiếu trắng với dự thảo ngân sách để phản đối cách điều hành của chính phủ.
Dù có đủ số phiếu cần thiết để thông qua dự thảo ngân sách tài khóa 2011 tại Hạ viện, nhưng DPJ cầm quyền vẫn cần nhận được sự ủng hộ của Thượng viện để thông qua các dự luật liên quan gồm: cải cách thuế và phát hành trái phiếu bù đắp thâm hụt ngân sách. Trong bối cảnh nhiều khả năng đảng Dân chủ Tự do (LDP ) và các đảng đối lập sẽ bỏ phiếu chống hầu hết các dự luật liên quan đến ngân sách, sự ra đi của Ngoại trưởng S.Maehara khiến thách thức càng gia tăng đối với nội các Thủ tướng N.Kan. Một trong những thách thức đó là: nếu dự luật phát hành trái phiếu chính phủ bị phủ quyết tại Thượng viện, Thủ tướng N.Kan sẽ không thể phát hành trái phiếu để bù đắp khoản thâm hụt trị giá 38.200 tỷ yen trong gói ngân sách kỷ lục vừa được thông qua. Kịch bản tồi tệ nhất được dự báo là một số cơ quan Chính phủ Nhật Bản có thể sẽ phải ngừng hoạt động trong vài tháng. Cùng với đó, nếu tín nhiệm nợ của Nhật Bản tiếp tục bị xuống hạng, sẽ khó tránh khỏi khả năng Thủ tướng N.Kan phải từ chức hoặc giải tán Quốc hội và tổ chức cuộc bầu cử sớm để phá vỡ thế bế tắc.
Hơn 600 USD là khoản tiền không lớn nhưng nó vẫn đủ để các đảng đối lập gây sức ép buộc Ngoại trưởng S.Maehara từ chức cho thấy luật pháp Nhật Bản sẽ trừng phạt chính trị gia nhận bất cứ khoản tiền ủng hộ, quyên góp nào từ các cá nhân và tổ chức nước ngoài. Thủ tướng N.Kan (ngày 7-3) đã cử Chánh Văn phòng Nội các Yukio Edano tạm kiêm chức Ngoại trưởng. Sự cố chính trị gia nhận tiền ở xứ Phù Tang khẳng định tính nghiêm minh của luật pháp Nhật Bản cũng như "văn hóa từ chức" ở xứ Mặt trời mọc. Song điều quan trọng hơn mà Ngoại trưởng S.Maehara muốn xin lỗi toàn thể người dân, đó là phải biết xây dựng niềm tin khi muốn theo đuổi "sự nghiệp chính trị sạch sẽ".