Mấu chốt là đầu tư hạ tầng
Đời sống - Ngày đăng : 07:25, 07/03/2011
Tỷ lệ hộ nghèo chiếm 21%
Mô hình chăn nuôi gà, hướng thoát nghèo ở xã Thanh Bình.
Xã Thanh Bình có dân số hơn 7.000 người, trong đó sản xuất nông nghiệp chiếm tới 60%. Là xã vùng đồi gò bán sơn địa, khó khăn trong sản xuất nông nghiệp. Năng suất cây trồng thấp, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp chưa phát triển. Hiện trên địa bàn xã chỉ có duy nhất nghề mây tre, giang đan xuất khẩu nhưng chủ yếu làm thuê cho các doanh nghiệp ở các xã lân cận. Trong 2 năm trở lại đây, nghề mây tre, giang đan lại rơi vào hoàn cảnh khó khăn nên ngày công lao động của nông dân không cao khoảng 30.000 đồng/ngày/người. Mặc dù nông nghiệp chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu phát triển kinh tế của xã, nhưng các sản phẩm sản xuất từ nông nghiệp trên địa bàn lại khó tiêu thụ. Việc giao lưu thương mại hàng hóa của bà con bị kìm hãm vì không có chợ. Đường giao thông nông thôn khó khăn, toàn xã mới bê tông hóa được khoảng 50%, còn lại chủ yếu là đường cấp phối không thuận lợi cho việc đi lại cũng như phát triển kinh tế của người dân. Đến nay, Thanh Bình vẫn là một trong 4 xã nghèo của huyện Chương Mỹ với số hộ nghèo (còn hơn 300 hộ) chiếm tỷ lệ trên 21%.
Chăn nuôi tập trung - hướng thoát nghèo
Chủ tịch UBND xã Nguyễn Hữu Sáng cho biết, đồng đất ở Thanh Bình manh mún, bình quân mỗi hộ có từ 10 ô thửa trở lên, điều kiện canh tác gặp nhiều khó khăn, bà con nông dân một nắng hai sương với đồng ruộng nhưng hiệu quả sản xuất nông nghiệp vẫn thấp. Để khắc phục tình trạng này và tạo bước đột phá trong sản xuất, lãnh đạo địa phương tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về đổi mới phương thức canh tác, từng bước thay đổi thói quen canh tác lạc hậu. Nhằm khai thác thế mạnh vùng gò đồi đất rộng, chăn nuôi quy mô lớn được coi là một nguồn thu nhập quan trọng để cải thiện và nâng cao đời sống người dân. Với phương châm "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau", nhiều cán bộ, lãnh đạo tại địa phương mạnh dạn đi đầu trong phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn. Một số cán bộ xã năng động đầu tư xây dựng các trang trại chăn nuôi gà, lợn khép kín, đạt tiêu chuẩn, bảo đảm an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường. Từ các mô hình chăn nuôi an toàn, khép kín hiệu quả, xã đã xây dựng khu chuyển đổi ở thôn Thanh Lê với diện tích 25ha chuyên chăn nuôi lợn và gà theo hướng công nghiệp. Chị Lê Thị Hương ở thôn Thanh Lê cho biết, trước kia cuộc sống của gia đình chị gặp nhiều khó khăn, nhưng từ khi xã có chủ trương chuyển đổi các khu đất đồi cao, khó khăn trong trồng lúa sang chăn nuôi. Gia đình chị đã thuê lại của người dân trên địa bàn xã 3.000m2 để chăn nuôi. Hiện với 2 trang trại chăn nuôi gà công nghiệp với số lượng 1 vạn con, mỗi năm cho thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Trước kia toàn xã chăn nuôi chỉ có 70.000 con gia cầm, hầu hết nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư không những dịch bệnh thường xuyên xảy ra, người chăn nuôi bị thiệt hại về kinh tế mà còn ô nhiễm môi trường. Nhưng từ khi quy hoạch thành khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư với 50 trang trại chuyên chăn nuôi gà công nghiệp và lợn, tổng đàn gia cầm và lợn đã tăng lên 10-15 lần so với trước kia. Hiện số gia cầm trên địa bàn xã là 825.000 con; 3.000 con lợn. Các trang trại (TT) chăn nuôi theo hình thức công nghiệp vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường và bán sản phẩm cho công ty CP Group nên đầu ra được ổn định; bình quân các TT đều đạt khoảng 200 triệu đồng/ha. Ngoài phát triển khu chăn nuôi tập trung, xã đã quy hoạch 35ha đất trũng cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản.
Chủ tịch UBND xã Nguyễn Hữu Sáng khẳng định, bước đầu mô hình chăn nuôi trên địa bàn xã đã đạt hiệu quả, nhưng để mở rộng quy mô hơn nữa còn nhiều nan giải. Hiện cơ sở hạ tầng như đường giao thông vào khu chuyển đổi khó khăn, vẫn chủ yếu là đường đất lầy lội, không thuận lợi cho việc giao lưu hàng hóa. Hầu hết các TT chăn nuôi trên địa bàn xã đều nuôi và bán cho Công ty cổ phần chăn nuôi CP Group, đầu ra cơ bản được bảo đảm, nhưng công ty chỉ mua với số lượng nhất định. Người dân muốn chăn nuôi thêm để tăng thu nhập nhưng lại khó tiêu thụ, trên địa bàn xã không có bất kỳ một chợ nông thôn nào, việc giao lưu hàng hóa của bà con gặp trở ngại. Do đó, mong muốn lớn nhất của người dân Thanh Bình là Nhà nước quan tâm đầu tư hạ tầng khi mở rộng khu chăn nuôi trên địa bàn xã như hỗ trợ đường điện, xây dựng đường giao thông nông thôn, xây dựng chợ… Nếu được thành phố quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng tốt, nông dân Thanh Bình mạnh dạn đầu tư, mở rộng mô hình chăn nuôi an toàn, khép kín, con đường thoát nghèo sẽ rộng mở phía trước.