Bình đẳng giới - việc không dễ

Chính trị - Ngày đăng : 07:21, 07/03/2011

(HNM) - Ngày 29-7-1980, Việt Nam là nước thứ 6 ký Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ - CEDAW. Sau 2 thập kỷ, bình đẳng giới ở Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, tuy nhiên cuộc trò chuyện cùng Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Tâm (Viện Gia đình và Giới) cho thấy vẫn còn nhiều vấn đề đáng quan tâm.


- Ở nước ngoài, chuyện chồng giúp vợ làm việc nhà là điều đương nhiên. Còn ở ta, dù nam giới công nhận phụ nữ được bình đẳng nhưng họ rất ít khi giúp vợ việc gia đình. Bà nghĩ sao về điều này?


Trong gia đình, người chồng có trách nhiệm chia sẻ với vợ mọi công việc, từ việc nhà đến việc nuôi dạy con cái. Ảnh: Bảo Lâm


- Tôi xin kể một câu chuyện. Khi còn học ở Thụy Điển, một lần, đến thăm nhà cô giáo, thấy đến giờ nấu cơm, tôi xin phép đi về thì cô bảo, cô chỉ chịu trách nhiệm việc giặt giũ, lau chùi nhà cửa, còn chồng cô đi chợ, nấu cơm. Tôi hỏi, đó có phải là do phân công không. Cô trả lời, "phân công rất rõ ràng, nếu chồng tôi nấu cơm, tôi rửa bát hoặc ngược lại". Thế đấy, còn ở Việt Nam, người ta có thể nói rất hay về sự thông cảm nhưng chia sẻ thì rất khó. Ví dụ, ở nông thôn, một người con trai rửa bát thì sẽ bị người xung quanh bảo là làm việc của đàn bà. Tuy nhiên, thế hệ trẻ ở nông thôn hiện nay đã chia sẻ rất nhiều việc bếp núc với phụ nữ chứ không còn như thế hệ trước. Ở đô thị, việc nam giới nấu cơm, rửa bát dần phổ biến hơn.

- Hiện nay phụ nữ phải hoàn thành công việc ngoài xã hội như nam giới, khi về nhà lại lo việc nhà… và điều này được xem là đương nhiên, là thiên chức của phụ nữ. Bà thấy như vậy có hợp lý không?

- Cũng như nam giới, phụ nữ chỉ có từng ấy thời gian, sức lực thì có khi còn kém hơn, nhưng lại phải gánh vác cả hai vai. Điều này là không công bằng. Cũng nên sử dụng cụm từ "thiên chức của người phụ nữ" một cách đúng mực. Trong xã hội phong kiến, kiếm tiền là việc của đàn ông, chăm sóc gia đình là việc của phụ nữ thì làm việc nhà, chăm con mới là "thiên chức". Còn bây giờ, phụ nữ vừa làm kinh tế, vừa lao động trong gia đình là tốt, nhưng không có nghĩa việc nhà mặc nhiên là của riêng họ, mà là của chung các thành viên trong gia đình thì mới công bằng. Truyền thống cũng phải thay đổi theo thời đại.

- Bất bình đẳng giới còn được thể hiện ở quan niệm thích sinh con trai hơn con gái. Như thế là ngay từ khi còn trong bụng mẹ, bé gái đã chịu sự phân biệt đối xử. Bà nghĩ sao về vấn đề này?

- Hiện nay, đâu đâu người ta cũng nói về bình đẳng giới nhưng hiểu đúng về bình đẳng giới không thì lại là một vấn đề khác. Trên thực tế, ở nhiều nơi, không chỉ ở nông thôn mà ở cả đô thị, nhiều người cũng không biết bình đẳng giới là gì. Khi đã không nhận thức đúng thì việc thực hiện sẽ rất khó khăn. Về việc sinh con trai, nhiều phụ nữ muốn thế để làm vui lòng chồng. Cũng còn lý do, đẻ con trai để sau này có người phụng dưỡng, hương khói. Còn khi người đàn ông muốn sinh con trai, có cái gì đó như là sự chứng tỏ bản tính nam giới. Ở nông thôn, nhiều phụ nữ phải sinh 5, sinh 7 con chỉ vì muốn có một đứa con trai. Để xóa bỏ sự phân biệt nam nữ thì phải có nhiều biện pháp, trong đó có chính sách phúc lợi xã hội. Chúng ta lo cho người già như thế nào để người ta không phải hy vọng đứa con trai là người chăm lo duy nhất cho họ.

- Để đạt được bình đẳng giới, cả hai giới phải làm gì, thưa bà?

- Trước tiên, phụ nữ phải nhận thức được quyền của mình. Người phụ nữ, dù có thể sống độc lập nhưng vẫn cần có sự hỗ trợ của người chồng. Nam giới cũng phải biết rằng, khi xây dựng gia đình thì tất cả công việc gia đình, kể cả nội trợ, người chồng phải có trách nhiệm chia sẻ, giúp đỡ vợ. Thứ hai, người chồng phải biết rằng, phụ nữ cần một chỗ nương tựa. Cho nên, nếu người chồng không có sự chia sẻ, giúp đỡ thì bình đẳng giới rất khó đạt được. Về mặt xã hội, ngoài hàng rào pháp lý, tức Luật Bình đẳng giới, thì phải làm cho mọi người nhận thức được rằng nam nữ bình đẳng là một điều tất nhiên trong cuộc sống.

- Không chỉ không được bình đẳng trong trách nhiệm với gia đình và xã hội, nhiều phụ nữ còn phải chịu nạn bạo hành. Liệu có cách nào để chị em không phải chịu cảnh bị chồng "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" không, thưa bà?

- Khi chúng tôi điều tra ở một phường trung tâm của TP Hồ Chí Minh về nạn bạo hành, một cộng tác viên đã lý giải về việc tại sao có người phụ nữ, gia đình sống gần công an phường mà vẫn bị bạo hành như sau: mỗi khi gia đình mâu thuẫn, chị em có báo cáo lên cơ quan chức năng thì họ trả lời rằng, chưa đến mức phải xử lý, gia đình phải tự thu xếp. Tổ chức, đoàn thể có thể giải quyết khúc mắc ban đầu, nhưng khi đàn ông đã dùng vũ lực thì cơ quan chức năng phải vào cuộc. Song, muốn công an xem xét, giải quyết thì thương tích phải "đủ" tỷ lệ nhất định. Đấy là một điều rất bất cập về mặt luật pháp. Để giảm nạn bạo hành, ngoài nhận thức của nam giới và phụ nữ, pháp luật phải sửa đổi, chính quyền cơ sở cũng phải hợp tác tích cực hơn.

- Xin cảm ơn bà!

Lâm Vũ