Vùng ngoại ô xao động vì... Libya

Đời sống - Ngày đăng : 07:33, 06/03/2011

(HNM) - Hương Ngải, Thạch Thất (Hà Nội) là một trong những xã hiện có số người đi xuất khẩu lao động nhiều nhất nhì huyện với trên 700 người. Đối với những người phụ nữ có chồng con đang lao động tại Libya thì món quà ý nghĩa nhất đối với họ trong ngày 8-3 không phải là hoa hồng và những món quà đắt tiền mà là sự trở về bình yên của chồng, của con.

Xã Hương Ngải suốt tuần qua trở nên sôi động lạ thường. Từ trong nhà ra đến ngoài đồng, ở đâu, người ta cũng hỏi nhau: "Đã về chưa? Có an toàn không?". Trong tổng số hơn 700 người đi xuất khẩu lao động thì có hơn 200 người làm việc tại Libya, nay mới có chưa đầy chục người được về an toàn... Chưa bao giờ người dân Hương Ngải lại phải sống trong cảnh phấp phỏng lo âu như những ngày vừa qua. Từ khi được tin bạo động tại Libya, cuộc sống của hàng trăm gia đình có chồng, con làm việc tại đất nước Bắc Phi này như bị đảo lộn.

Niềm vui của người trở về.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà đơn sơ, chị Nguyễn Thị Thim, xóm Ngoại, người phụ nữ có dáng vất vả càng như hom hem hơn sau mấy ngày mất ăn, mất ngủ vì lo lắng cho chồng. Sau khi nhận được tin có bạo động, chị mất liên lạc với chồng là anh Nguyễn Hữu Tường. Trong thời gian đó, cả nhà chị ai nấy như ngồi trên đống lửa. Chị Thim ngậm ngùi: "Gia đình vay mượn mãi, mới gom góp để cho anh đi xuất khẩu lao động. Những tưởng từ đó sẽ đổi thay cuộc sống khó khăn. Thế mà đi được hơn 4 tháng thì lại có chuyện. Nợ nần còn đó, nhưng giờ chỉ cần anh về nhà an toàn là tôi mừng rồi. Còn người còn của". Để biết về tình hình của bố, ngày nào, hai đứa con chị Thim đi học về là sang nhà hàng xóm mở internet, tối đến chờ xem chương trình thời sự, hoặc sang mấy nhà bên cạnh, nơi có người trở về từ Libya để hỏi thêm thông tin.

Gia đình chị Thim chỉ là một trong nhiều hộ gia đình ở Hương Ngải có người thân đi xuất khẩu lao động ở Libya. Số tiền mà gia đình gom góp để anh Tường đi xuất khẩu phải vay mượn, lãi suất lên đến 20%/năm, nó trở thành gánh nặng của gia đình.

Trái ngược với tâm trạng lo lắng của các gia đình có thân nhân chưa trở về là niềm vui của nhiều hộ gia đình có người thân từ Libya may mắn đoàn tụ sớm sau những ngày loạn lạc, xa cách. Gia đình anh Nguyễn Hữu Tiến, chị Đỗ Thị Hà xóm Ngoại mấy ngày này lúc nào cũng nườm nượp người ra vào. Ai đến cũng hỏi thăm về cuộc sống bên ấy, về người thân của họ, về chính sách hỗ trợ. Thôi thì đủ cả. Anh Tiến mới sang Libya được 4 tháng, làm công việc nấu ăn cho một công ty của Thổ Nhĩ Kỳ. Lương được khoảng 11 triệu đồng/tháng, cứ đà này thì sau 5 tháng anh hoàn được khoản nợ lúc đi. Ai ngờ sự cố xảy ra. "Cũng may là phía công ty cũng đã giúp đỡ nhiều về phương tiện, chỗ ở khi sơ tán. Ngày 25-2, tôi được đưa sang Ai Cập, rồi bay sang Nga để trở về nước. Trên chuyến xe từ Mỹ Đình về Thạch Thất, cả đoàn người cứ hát suốt. Giống như từ cõi chết trở về vậy…". Vui nhất, có lẽ là các con anh Tiến, chúng cứ ríu rít với bố và nằng nặc không cho bố đi đâu nữa. Chị Hà, vợ anh cũng không giấu được nỗi niềm khi kể về những ngày vừa qua. Ngay khi anh Tiến gọi về thông báo tình hình, chị đứng ngồi không yên. Chị bỏ hết việc đồng áng, chỉ ở nhà chờ tin chồng. "Từ nhỏ đến giờ, chưa bao giờ tôi xem chương trình thời sự chăm chỉ như vậy. Qua tin tức thời sự để còn biết tình hình của chồng mà chủ động liên lạc. Giờ về rồi, đói nghèo cũng được, miễn là có nhau. Nghĩ về mấy ngày đó, tôi vẫn còn sợ".

Chia sẻ về chuyện xuất ngoại trong xã, ông Nguyễn Văn Hoa, Chủ tịch UBND xã Hương Ngải cho biết, người dân đi xuất khẩu lao động tại Libya, chủ yếu tập trung ở xóm Ngoại và xóm Bẩy Nghẹo. Tất cả đều là nam giới, độ tuổi từ 18 đến 40, nghề nghiệp chủ yếu là làm công nhân xây dựng, dệt, gỗ… Chi phí tầm khoảng 2.000 USD (40 triệu đồng), nhưng số người có lương như anh Tường, anh Tiến (10-11 triệu đồng/tháng) không nhiều. Những người đi đều là có khó khăn về kinh tế và trong số đó có tới 20% đi để thoát nghèo, còn 80% đi để cải thiện cuộc sống.

Tạm biệt Hương Ngải, chúng tôi vẫn còn nghe người dân kể nhiều thêm nữa về chuyến xuất ngoại đáng nhớ, về niềm mơ ước thoát nghèo chưa thành, về nỗi mong chờ, vui mừng gặp lại sau tháng ngày xa cách và về tình người trong hoạn nạn vẫn có nhau. Và hẳn ở bên kia bán cầu, những người chồng những người con còn lại cũng đang mong ngóng ngày trở về.

Bạch Thanh