Làng đàn bà đánh dậm
Xã hội - Ngày đăng : 07:31, 06/03/2011
"Thân cò" lặn lội
Sau nửa ngày dầm mình trong nước lạnh khắp các kênh mương để dậm tôm cá, bà Lương Hoa, 61 tuổi, nhà ở xóm Tân Hợp, thôn Võ Lao (còn gọi là làng Sào) lại vai vợt, tay giỏ, cuốc bộ bảy cây số về nhà. Hôm nay bà đánh được khá, nên về sớm để chiều còn đi cấy. Sau một thoáng bỡ ngỡ khi có người lạ hỏi về nghề, bà trải lòng tâm sự: "Đây là nghề truyền thống của phụ nữ quê tôi. Trong gia đình, tôi là đời thứ 5 đánh dậm. Ngày xưa khó khăn các cụ nhà tôi 70-80 tuổi vẫn đi đánh dậm". Bà Lương Hoa chỉ tay ra xa, nơi thấp thoáng có người đang mải miết đạp nước nói: "Chỉ cần thả dậm xuống mương, ruộng, dùng chân đạp mạnh cái đàm đạp, tôm, cá, cua, lươn nghe tiếng đạp nước oàm oạp sợ hãi sẽ rúc vào trong dậm. Lúc này thì nhấc dậm lên và nhặt tôm cua cá vào giỏ đeo quanh lưng".
Bà Lương Hoa, xóm Tân Hợp: Đây là nghề truyền thống của phụ nữ quê tôi. |
Cùng với thời gian, nguồn tôm, cá tự nhiên ở quê ngày càng cạn kiệt, người làng Sào phải đi đánh dậm xa hơn. Một ngày bắt đầu với người phụ nữ đánh dậm làng Sào từ 3 giờ sáng (nếu là mùa hè) và 4 giờ (nếu là mùa đông), các bà, các chị khoảng 2-3 người một nhóm đi bộ 5-7km, nhiều người có xe đạp thì đi xa hơn đến các huyện Mỹ Đức, Phú Xuyên, Hà Đông…thả dậm quanh các mương, nơi ngập nước. Đánh được bao nhiêu lại mang lên các chợ quê bán luôn sau đó mới về nhà. Cũng có người đi xa hơn, họ thuê nhà trọ đánh dậm khắp một vùng khi nào hết cá, tôm mới chuyển tới khu vực khác. Gần đây, một nhóm chị em còn ra cả phố để đánh dậm. Họ đánh ở ven khu vực Hồ Tây, lâu lâu lại "nhảy" xe buýt "về thăm" làng.
"Nếu chăm chỉ, mỗi ngày một người đánh dậm cũng kiếm được dăm bảy chục ngàn, có khi gặp may được cả trăm ngàn. Nhưng nghề này cực lắm, nắng mưa dãi dầm, quanh năm lội nước vì thế mà chân tay ai nấy đều thô kệch, tróc vảy. Trời nắng nóng đã vậy, những khi mưa to, giá rét phải dầm mình dưới nước thì quả là cực hình. Có lẽ vì thế mà người làm nghề này mười người thì cả mười đều gặp các bệnh phụ khoa, thấp khớp"…- chị Đỗ Thị Gái cho chúng tôi hay.
Không biết dậm, khó lấy chồng
Trời đã quá trưa, mưa phùn lấm đất. Theo chân các bà, các chị đi đánh dậm, chúng tôi về làng Sào. Con đường đất vượt cánh đồng về làng ngày mưa nhầy nhụa, trơn trượt. Làng Sào hiện lên trước mắt chúng tôi với những ngôi nhà nhỏ bé, tuềnh toàng cho thấy đời sống người dân nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn. Các cụ cao niên ở làng kể rằng, ngày trước trong làng có cây gạo cổ thụ cong cong hình con tôm. Một lần, có ông thầy người Tàu tình cờ qua đầu làng, chỉ vào cây gạo mà phán: “Chừng nào cây gạo còn thì làng này chưa hết nghề đánh dậm”. Không biết có phải vì lời nguyền đó hay vì lý do gì, mà hàng trăm năm nay, hầu hết phụ nữ làng Sào đều theo cái nghiệp dầm mình trong nước để kiếm cơm. Đã có thời cả làng không kể già, trẻ, gái, trai đều tham gia vào đội quân đánh dậm và nó được coi là "tiêu chí" chọn vợ của người làng Sào. Và nếu là gái làng Sào mà không biết đánh dậm thì khó mà lấy được chồng bởi nó tuy đơn giản nhưng lại thể hiện sự khéo léo, cần cù, chịu khó của người phụ nữ.
Theo ông Phan Văn Ổn, trưởng xóm Tân Hợp, thôn Võ Lao, khoảng những năm 1980 về trước, 100% số hộ dân ở làng Sào sống bằng nghề đánh dậm, nhưng nay số người theo "nghề" đã giảm nhiều. Người còn giữ nghề chủ yếu tập trung vào nhóm phụ nữ trung tuổi. Cả thôn hiện có 70 phụ nữ chuyên nghề đánh dậm, 100 người chuyên đi mò cua bắt ốc và khoảng 10 người đi bắt ếch. Khoảng 70% số hộ dân còn lại trong làng đã chuyển sang làm nón. Từ khi học làm nón phụ nữ có nhiều thời gian ở nhà với gia đình hơn, không như trước đây, đến làng Sào chỉ gặp đàn ông, người già hoặc trẻ con, còn phụ nữ đi đánh dậm cả ngày.
Chia tay chúng tôi, bà Lương Hoa nói: "Có lẽ tôi là đời cuối cùng của gia đình 5 đời đánh dậm vì hiện tại các con tôi không ai nối nghiệp mẹ. Kể cũng phải bởi cái nghề này vất vả, không hợp với lớp thanh niên". Tuy dù không có người "kế nghiệp" song trong ánh mắt bà Hoa lại ánh lên niềm vui bởi đây là nghề kiếm cơm quá đỗi nhọc nhằn và có phần không còn phù hợp với người phụ nữ năng động của thời hiện đại.