Chặn lạm phát, giữ mục tiêu tăng trưởng

Kinh tế - Ngày đăng : 06:56, 06/03/2011

(HNM) - Hôm qua 5-3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo chủ trì Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội năm 2011.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã dự và chỉ đạo. Với những kế hoạch khá toàn diện của các sở, ngành, địa phương, Hà Nội vẫn toát lên sự tự tin vào thành công của năm có tính chất bản lề này.

Chương trình hành động quyết liệt

Theo Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, UBND TP Hà Nội khẳng định sẽ phân công rõ trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu của cơ quan, đơn vị, quy định thời gian hoàn thành cụ thể; đồng thời, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai, tổ chức thực hiện. Chương trình hành động của TP có 5 nội dung tuân thủ chặt chẽ các giải pháp của Chính phủ, gồm: Thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng; tăng thu ngân sách, tiết kiệm chi tiêu, cắt giảm hoặc giãn tiến độ các dự án đầu tư công; đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và tiết kiệm năng lượng; bảo đảm an sinh xã hội và bảo đảm công tác thông tin, tuyên truyền.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Bá Hoạt

Đáng chú ý, TP sẽ rà soát để ngừng, hoãn, giãn tiến độ đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách chưa cấp thiết, kém hiệu quả, thực hiện chậm hoặc không có khả năng thực hiện năm 2011 hoặc khó thực hiện. Tập trung vốn cho các dự án, công trình cấp thiết về hạ tầng xã hội, phục vụ dân sinh bức xúc và lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Các tổng công ty nhà nước, các công ty TNHH nhà nước một thành viên cũng sẽ bị rà soát, kiểm tra để kịp thời ngừng các dự án đầu tư dàn trải, kém hiệu quả. Sở Kế hoạch - Đầu tư (KHĐT) chịu trách nhiệm chủ trì thực hiện nhiệm vụ này. Ông Nguyễn Văn Sửu, Giám đốc Sở KHĐT cho biết, từ ngày 15-3 đến ngày 25-3, các đoàn kiểm tra sẽ bắt đầu rà soát danh mục đầu tư của các đơn vị, sau đó sẽ kiểm tra điểm tại một số địa phương. Việc rà soát dự kiến có thể liên quan đến 273 dự án đang chuẩn bị đầu tư, 610 dự án giai đoạn thực hiện và hàng trăm dự án do quận, huyện, thị xã quản lý với tổng số vốn nhà nước liên quan lên đến trên 26.000 tỷ đồng.

Các sở, ngành, địa phương vào cuộc

Cùng với Sở KHĐT, các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã đều đã có kế hoạch triển khai Chương trình hành động của UBND TP một cách khá cụ thể, được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đánh giá cao. Bà Nguyễn Thị Mai Sương, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước TP Hà Nội cho biết, ngoài các giải pháp nhằm bảo đảm mức tăng trưởng tín dụng hợp lý, kiểm soát ngoại hối chặt chẽ, Chi nhánh sẽ tập trung mạnh cho công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các yêu cầu về điều hành chính sách tiền tệ, cũng như phối hợp với ngành công an kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật. Chi nhánh cũng đã sẵn sàng biện pháp xử phạt đối với các tổ chức tín dụng không tuân thủ các yêu cầu chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước như tăng dự trữ bắt buộc thêm 2%...

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hà Ninh, Giám đốc Sở Tài chính đã trình bày hướng dẫn công thức và cách thức tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên. Các đơn vị dự toán thụ hưởng ngân sách TP tạm dừng mua sắm ô tô, điều hòa nhiệt độ, tài sản có giá trị lớn, tạm dừng sửa chữa trụ sở làm việc; giảm tối đa số lượng, quy mô và kinh phí chi hội nghị, hội thảo, lễ hội, tổng kết, sơ kết, đón nhận huân chương, danh hiệu thi đua, kỷ niệm ngày thành lập… Trước ngày 10-3, các quận, huyện, thị xã phải báo cáo thực hiện cho Sở Tài chính. Số tiền tiết kiệm thêm 10% này sẽ được giữ lại, chưa được chi cho các nhiệm vụ khác. Đến quý III-2011, căn cứ tình hình thực tế sẽ xem xét, xử lý số tiết kiệm này theo quy định của Chính phủ. Ông Lưu Tiến Long, Giám đốc Sở Công thương trình bày 4 nhóm biện pháp, trong đó, Sở xác định sẽ giúp UBND TP làm đầu mối tổ chức giao ban, đối thoại, nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp. Đồng thời thiết lập đường dây nóng tại Sở để người dân, các tổ chức, đoàn thể, cơ quan báo chí phản ánh thông tin về tình hình cung cầu, giá cả hàng hóa.

Bình ổn giá, một trong những giải pháp kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế. Ảnh: Bá Hoạt

Sở LĐTB&XH cho biết sẽ phấn đấu dạy nghề cho khoảng 140.000 lượt người, hỗ trợ vay vốn ưu đãi cho trên 97.000 hộ nghèo, dạy nghề miễn phí cho khoảng 23.000 hộ nghèo. Ông Trần Xuân Việt, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, có hơn 4 triệu người Hà Nội đang sống và làm việc ở nông thôn, ngoại thành. Đây là một thị trường rất lớn nên phải tập trung tạo điều kiện phát triển thị trường hàng hóa ở địa bàn này, đồng thời tạo điều kiện ưu tiên về vốn phát triển cơ sở hạ tầng cho nông thôn, ngoại thành. Sở sẽ có những đề xuất cụ thể liên quan đến những vấn đề này. Đại diện Cục Thuế Hà Nội cho rằng, việc tăng giá điện và xăng dầu vừa qua chưa đủ bù đắp, nên các nguồn thu từ các ngành này đang giảm. Để bảo đảm nguồn thu, ngành thuế dự kiến sẽ triển khai kiểm tra, thanh tra về tình trạng lỗ giả của một số doanh nghiệp khối đầu tư nước ngoài để tăng thu từ khối này. Cục cũng sẽ làm việc với cơ quan Công an và báo chí để phối hợp giảm nợ đọng thuế, phấn đấu dưới 4%. Ngay trong tháng 3 này, Cục sẽ làm việc cụ thể với từng quận, huyện, thị xã để phối hợp chống lạm phát.

Đại tá Đinh Văn Toản, Phó Giám đốc Công an TP cho biết 2 phó giám đốc đã được phân công trực tiếp chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ. Trước tình hình hiện nay dễ xuất hiện các hiện tượng thao túng về giá, đặc biệt là thị trường vàng, Công an TP đã có kế hoạch chỉ đạo các phòng, CA các quận, huyện nắm tình hình, triển khai các biện pháp nghiệp vụ phát hiện và ngăn chặn kịp thời các trường hợp vi phạm. Hiện có 1.863 công ty, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vàng trên địa bàn TP đều có dấu hiệu thu đổi ngoại tệ trái phép. Công an TP sẽ rà soát trên danh sách tất cả các cơ sở vi phạm để xử lý.

Cũng tại Hội nghị, đại diện của 29 quận, huyện, thị xã, lãnh đạo quận Hoàn Kiếm và huyện Ba Vì đã trình bày kế hoạch và giải pháp thực hiện Nghị quyết 11 và Chương trình hành động của UBND TP.

Không vì lạm phát để "tuột" mục tiêu tăng trưởng

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị khẳng định, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội là ba mục tiêu cấp bách. Nếu không thống nhất cao về nhận thức và quyết tâm, hiệu quả thực hiện sẽ không cao. Trong việc thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị và Nghị quyết 11 của Chính phủ, Hà Nội xác định vai trò, trách nhiệm của mình là hết sức quan trọng. Với đóng góp tương đương 20% GDP cả nước, hiệu quả thực hiện của TP sẽ tác động rất lớn đến kết quả chung của cả nước. Bí thư Thành ủy yêu cầu nhận thức về tính cấp bách của vấn đề và vai trò, trách nhiệm của Thủ đô phải trở thành nhận thức riêng của từng cán bộ lãnh đạo, từ đó lan tỏa xuống từng cán bộ, đảng viên và người dân, làm sao để mỗi người đều có ý thức tham gia kiềm chế lạm phát. Muốn như vậy, các ngành, các cấp phải triển khai các biện pháp một cách rất cụ thể, dễ vận dụng và đem lại hiệu quả nhanh chóng. Về yêu cầu tiết kiệm chi thường xuyên, đồng chí chỉ đạo các ngành, các cấp phải thực hiện nghiêm túc, phấn đấu giảm từ 10% trở lên. Trong quá trình thực hiện phải làm tốt khâu phối hợp công tác giữa các cơ quan với nhau và phải quyết tâm thực hiện với tinh thần "Chủ trương một, biện pháp mười, quyết tâm phải hai mươi". Bí thư Thành ủy cũng yêu cầu phải hết sức chú trọng đến an sinh xã hội, đặc biệt là chăm lo cho người nghèo, thu nhập thấp, những đối tượng chịu tác động nặng nhất của lạm phát.

Đánh giá cao vai trò, vị trí, trách nhiệm và những thành quả của Hà Nội trong thực thi những biện pháp kinh tế của Chính phủ trong những năm qua, đặc biệt là thành tựu kinh tế năm 2010, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ vui mừng vì Hà Nội đã sớm triển khai một cách đồng bộ chủ trương, biện pháp của Chính phủ về kiềm chế lạm phát. Phó Thủ tướng khẳng định, đây là việc quan trọng, rất khó khăn, nhưng không có nghĩa là không làm được. "Nếu chúng ta làm thành công sẽ tác động rất lớn không chỉ trước mắt mà còn về lâu dài. Nền kinh tế sẽ ổn định, cơ cấu sẽ chuyển biến tích cực" - Phó Thủ tướng nhận định. Khẳng định vai trò, vị trí của Hà Nội trong nền kinh tế đất nước qua các con số, Phó Thủ tướng quả quyết: "Hà Nội có thị trường tài chính tiền tệ hàng đầu quốc gia, nên các đồng chí thành công thì cả nước thành công. Tôi rất mừng là trong thời gian ngắn, các đồng chí đã triển khai rất nhanh nhiệm vụ của Chính phủ". Phó Thủ tướng đề nghị, với thành công về tăng trưởng kinh tế năm 2010, Hà Nội cần quyết tâm cao hơn nữa thực hiện thành công các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội. "Đời sống đối với Hà Nội cũng rất hệ trọng. Ổn định đời sống, tư tưởng, tạo điều kiện cho nhân dân phấn khởi làm ăn và chung sức với Chính phủ cùng chống lạm phát, phát triển kinh tế mới có thể thành công trong năm nay" - Phó Thủ tướng nói.

Tiếp thu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực và Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo chỉ đạo, nhiệm vụ kiềm chế lạm phát theo Nghị quyết 11 là trọng tâm, cấp bách, đồng thời là nhiệm vụ tiên quyết, là tiền đề hoàn thành các nhiệm vụ khác. Các ngành, các cấp phải quyết tâm thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát nhưng đồng thời phải phấn đấu kiên trì với mục tiêu tăng trưởng. Không để vì kiềm chế lạm phát mà để "tuột" các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế đã đề ra. Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo yêu cầu Sở Ngoại vụ rà soát tất cả các chương trình đi nước ngoài để giảm chi ngân sách với phương châm chỉ các chương trình bức xúc nhất mới tổ chức đi. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, các cấp, ngành cần tạo sự thống nhất nhận thức và hành động, đẩy mạnh các phong trào thi đua, thực hiện cải cách hành chính, phối hợp công tác tốt để huy động sức mạnh tổng hợp, thực hiện các mục tiêu.

Những biện pháp cấp thiết

* Kiểm soát tăng trưởng tín dụng dưới 20%, tăng cường cho vay hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; hạn chế cho vay kinh doanh bất động sản, chứng khoán.

* Kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm trong lĩnh vực tiền tệ, giá cả, trong đó bao gồm cả trên 1.800 công ty, cơ sở kinh doanh vàng bạc có thu mua ngoại tệ trái phép.

* Tiết kiệm chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước ít nhất 10% trong 9 tháng còn lại. Không sử dụng số tiền được tiết kiệm cho đến quý III-2011.

* Bảo đảm cung ứng hàng hóa, bình ổn giá cả. Tăng cường đối thoại, lập đường dây nóng để tháo gỡ vướng mắc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm năng lượng.

* Rà soát khoảng 1.000 dự án có sử dụng vốn ngân sách để quyết định hoãn, ngừng các dự án chưa cấp thiết hoặc chậm triển khai.

* Tổ chức đào tạo nghề cho khoảng 140.000 lượt lao động, đào tạo nghề miễn phí cho khoảng 23.000 người, cho vay hỗ trợ trên 97.000 hộ nghèo.

Võ Lâm