Libya - Điểm nóng về nhân đạo
Thế giới - Ngày đăng : 06:35, 06/03/2011
Lao động nhập cư chật cứng tại biên giới Libya - Tunisia. |
Tuy nhiên, ngay cả động thái này cũng không thể ngăn dòng người lao động nhập cư từ nhiều quốc gia tìm cách tháo thân khỏi một đất nước đang chìm trong bạo lực. Các cửa khẩu biên giới giữa Libya - Tunisia - Ai Cập luôn trong cảnh chật cứng người di tản khiến cộng đồng quốc tế không ngừng cảnh báo về nguy cơ bùng nổ một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất trong nhiều năm qua tại những khu vực cửa mở ra thế giới bên ngoài của quốc gia Bắc Phi.
Mối lo ngại xuất phát từ những số liệu của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), mỗi ngày có khoảng 10.000 người hoảng loạn đổ về các vùng biên giới, những mong có thể tháo chạy khỏi chiến sự bằng đường bộ. Ước tính hơn 140.000 người đã sang được lãnh thổ Tunisia, Ai Cập và Malta… bằng đường bộ và đường thủy kể từ khi niềm hy vọng đổi đời của nhiều người trong số họ tan vỡ tại một đất nước chìm trong bạo lực. Nhưng đó chưa phải là con số cuối cùng, hàng chục ngàn người vẫn đang kẹt cứng tại các vùng biên giới do không vượt qua được hàng rào binh sĩ Libya và các quốc gia láng giềng đang được tăng cường để canh giữ biên giới. Hoàn cảnh khó khăn của những người này trên những vùng cát sỏi trải dài đang là mối quan tâm khẩn thiết hàng đầu của không chỉ các cơ quan nhân đạo Liên hợp quốc, các chính phủ cử nhân công đi làm mà còn với cả chính gia đình họ. Vì sau lưng họ là tiếng súng do giao tranh trong khi phía trước là những ngày nằm ngoài trời dưới cái lạnh của mùa Đông miền sa mạc, là ăn đói, mặc rét… và chưa biết đến ngày nào mới được giải thoát. UNHCR đang nỗ lực đàm phán với các quốc gia liên quan để cửa khẩu biên giới được nới rộng hơn nữa như một ưu tiên khẩn cấp nhằm hỗ trợ người tị nạn khỏi vùng đất đang có giao tranh hoặc những nơi bạo lực có thể bùng nổ bất cứ lúc nào.
Hiện nay, bên kia đường biên giới của Libya đang hình thành nhiều khu lều tị nạn tạm thời bằng vải và ngày càng tăng thêm nhằm tiếp tục nhận dòng người di tản đang hoặc đã đến và chờ được đưa về nước. Song do thường xuyên trong tình trạng quá tải suốt những ngày qua, lại ở khu vực ít thường dân sinh sống, cơ sở hạ tầng hầu như không có nên điều kiện sinh hoạt của người tị nạn vô cùng khó khăn. Đáng ngại là việc nhanh chóng giải tỏa áp lực tại vùng biên, biện pháp hàng đầu để tránh khủng hoảng nhân đạo vẫn chỉ như muối bỏ bể khi các phương tiện vận tải cực kỳ thiếu thốn và dòng người vẫn ùn ùn trốn chạy khỏi Libya.
Chiến sự càng có dấu hiệu leo thang mạnh hơn ở đất nước bên bờ Địa Trung Hải thì viễn cảnh về một thảm họa nhân đạo càng hiện hữu. Khẳng định sức mạnh quân sự đáng kể, chính quyền của Tổng thống M.Gaddafi ngày 4-3 đã tấn công dữ dội vào thành phố Zawiya cách thủ đô Tripoli 50km. Tuy nhiên, khi lực lượng trung thành với chính phủ vừa tuyên bố chiếm lại được một phần thành phố gần Tripoli nhất thì phe đối lập cũng lập tức phát tin vừa mở rộng thêm bản đồ lãnh thổ do lực lượng này kiểm soát với việc chiếm giữ thành phố dầu mỏ ven biển... Cuộc giằng co chiếm giữ các thành phố quan trọng giữa lực lượng trung thành với chính phủ và phe đối lập không chỉ làm gia tăng căng thẳng ở Libya mà còn là chỉ báo về nguy cơ quốc gia Bắc Phi bị phân chia thành hai nửa ngày càng lộ rõ. Kịch bản nội chiến tồi tệ đang đến rất gần khi các cuộc giao tranh có chiều hướng gia tăng và dữ dội hơn. Nhà lãnh đạo 42 năm nắm giữ quyền lực M.Gaddafi nhận thức được rằng, giữ được vùng phía tây, đặc biệt là thủ đô Tripoli là nhiệm vụ sống còn; trong khi đó phe nổi dậy cũng kiên quyết bám trụ phía đông đang được xem là đại bản doanh của "chính quyền" mới.
Niềm hy vọng gửi gắm vào kế hoạch hòa bình được cho là không dễ gì được lực lượng đối lập chấp nhận. Thế nhưng, không có gì lý tưởng hơn nếu một kế hoạch hòa bình cho Libya thành hiện thực. Đất nước Libya yên bình trở lại không chỉ có ý nghĩa với gần 6 triệu người dân bản địa, mà còn là mong muốn của khoảng 2,7 triệu người thuộc nhiều quốc tịch khác nhau đang bất ngờ lâm vào khốn khó do cuộc rối loạn chính trị tại đây. Chương trình viện trợ khẩn cấp trị giá 38,7 triệu USD của Chương trình Lương thực thế giới (WFP) và chương trình giúp những người dân rời khỏi Libya trị giá gần 26 triệu USD của Hội Chữ thập đỏ quốc tế là những con số phát đi trong tuần này là điều không tưởng với Libya cách đây ít ngày. Điều này cho thấy mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng tại Libya đang gây ra với không chỉ người dân nơi đây mà còn khiến hàng chục quốc gia có người làm việc tại đất nước này phải chịu hệ lụy. Trong điều kiện các kho lương thực đã cạn kiệt và mạng lưới cung ứng quốc gia bị phá vỡ, các phe phái Libya đang đứng trước ngã rẽ nhạy cảm giữa một bên là cuộc khủng hoảng nhân đạo với cả dân sở tại lẫn người nhập cư do nội chiến và bên kia là sự hòa giải để chấm dứt bế tắc thông qua đối thoại. Sự lựa chọn trong những giờ tới có ý nghĩa quyết định với tương lai quốc gia được xem là giàu có nhất Bắc Phi này.