Quyền lợi của người lao động khi chấm dứt hợp đồng
Xã hội - Ngày đăng : 07:57, 05/03/2011
Chúng tôi là công nhân làm việc theo hợp đồng tại một công ty cổ phần. Sau một thời gian, chúng tôi làm đơn đề nghị và công ty đã ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đối với chúng tôi. Theo quy định của pháp luật, chúng tôi có được công ty hỗ trợ khoản tiền nào không? Nếu được, nhưng công ty không chi trả, chúng tôi phải làm gì để đòi hỏi quyền lợi của mình?
(Nguyễn Thu Hồng và một số công nhân Công ty CP May Sơn Hà)
Luật gia Trần Việt Dân (Chi hội Luật gia Công ty Luật số 5 Quốc gia, website: www.luatsuvietnam.vn) trả lời:
Theo trình bày của bạn Nguyễn Thu Hồng và đồng nghiệp, chúng tôi chưa biết rõ thời gian các bạn đã làm việc tại Công ty cổ phần May Sơn Hà được bao lâu. Tuy nhiên, căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động hiện hành (Bộ luật Lao động năm 1994; sửa đổi, bổ sung năm 2002): Khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động đã làm việc thường xuyên trong doanh nghiệp từ một năm trở lên, người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc, cứ mỗi năm làm việc là nửa tháng lương, cộng với phụ cấp lương, nếu có. Điều 43 Bộ luật Lao động quy định: Kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, trường hợp đặc biệt có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.
Vậy để được hưởng trợ cấp thôi việc theo quy định, bạn Nguyễn Thu Hồng và các đồng nghiệp cần làm việc trực tiếp với người đại diện trước pháp luật của công ty hoặc người được người đại diện trước pháp luật của công ty ủy quyền (điều lệ mỗi công ty có thể quy định khác nhau về người đại diện trước pháp luật: chủ tịch hội đồng quản trị; tổng giám đốc hoặc giám đốc). Trường hợp không được công ty đáp ứng quyền lợi, các bạn có quyền khởi kiện lên tòa án nhân dân cấp quận, huyện, thị xã, nơi công ty có trụ sở chính, để đề nghị xem xét, giải quyết. Người lao động được miễn án phí trong các hoạt động tố tụng khi đòi tiền lương, tiền bảo hiểm, tiền bồi thường… (Điều 166 Bộ luật Lao động).