Sức hút của hip-hop

Giải trí - Ngày đăng : 07:40, 05/03/2011

(HNM) - Khi vở kịch hip-hop


Cảnh trong vở “Nhiều mặt”.Ảnh: Tiến Thành


Ra mắt công chúng vào năm 2008 với sự hợp tác của Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội và Viện Goethe Việt Nam, vở kịch hip-hop "Nhiều mặt", do Raphel Hillebrand (Đức) và Sebastien Ramirez (Pháp) dàn dựng với sự biểu diễn của 9 nghệ sĩ hip-hop Việt Nam đã thực sự cuốn hút khán giả. Năm 2011, Viện Goethe Việt Nam dựng lại vở giới thiệu ở hai TP lớn trước khi đưa sang lưu diễn ở Paris (Pháp) và Berlin (Đức).

Khi "Nhiều mặt" mở màn, sân khấu hiện ra 9 chiếc mặt nạ, được treo thành hình cánh cung với 9 diễn viên - vũ công ẩn mình phía sau. Mỗi mặt nạ mang một hình thù: Đức Phật Di lặc, quỷ dữ, ông Địa, nhà sư… Như thế để người xem cảm nhận rằng, phải chăng con người đang khoác lên mình quá nhiều mặt nạ để che đi bộ mặt thật của mình. Rồi các vũ công dần dần trút bỏ chiếc mặt nạ và thực hiện những động tác hip-hop điêu luyện, họ kể lại câu chuyện của mình bằng ngôn ngữ của hip-hop. Vở rất kiệm lời thoại. Đôi khi chỉ là một từ được thốt lên: "Yếu đuối", "Hoang mang", "Hạnh phúc", "Tự tin", "Đau khổ", "Bất lực"… như nhấn mạnh thêm cho động tác cơ thể. Xem "Nhiều mặt", có cảm giác đây là câu chuyện của những người yêu hip-hop, những bạn trẻ cùng chung niềm đam mê với môn nghệ thuật đường phố này. Ở cảnh 2, sau khi đã tìm thấy niềm đam mê, họ lại khát khao hòa nhập muốn nhảy hip-hop. Và những cảnh sau đó, hip-hop đã chinh phục được tất cả.

Có một số thay đổi về diễn viên trong lần dàn dựng này so với 2 năm trước, song họ đều là những vũ công hàng đầu trong giới hip-hop Việt. Là Viết Thành "lão làng" trưởng nhóm Big Toe, Hoàng Kỳ Anh - vô địch thế giới ở nội dung toe - air flare, Minh Kiên - người tiên phong trong nghệ thuật beatbox Việt… 9 diễn viên đến từ những nhóm nhảy khác nhau, cùng hòa chung tình yêu dành cho môn nghệ thuật sôi động này. Khi thể hiện nội dung vở kịch, các biên đạo đã khéo dàn dựng những đoạn nhảy chung và phần trình diễn cá nhân để diễn viên vừa thể hiện được sở trường của từng người, vừa tạo nên những màn trình diễn tập thể hài hòa, đẹp mắt. Điều ngạc nhiên nhất của "Nhiều mặt" là các vũ công không nhảy trên những bản nhạc thu sẵn, họ diễn với "nhạc sống", bản hòa âm của đàn T'rưng, đàn thập lục, đàn bầu, bộ gõ… Mỗi lần vở diễn kết thúc, khán giả lại được lên sân khấu, hòa cùng vũ công nhảy những điệu mà họ yêu thích. Màn trình diễn ngẫu hứng, sôi động này đã nói lên tất cả sức hút của hip-hop trong đời sống giới trẻ.

Sự kết hợp của hip-hop, môn nghệ thuật hiện đại với âm nhạc truyền thống cho thấy dụng ý của những người thực hiện. Rằng chúng ta luôn ý thức bảo tồn các giá trị truyền thống nhưng cũng năng động, biết cách hòa nhập. Vở kịch đưa ra một thông điệp, phải chăng có nhiều cách để lưu giữ các giá trị truyền thống và chuyển giao cho thế hệ trẻ.

Ngọc Đại