Ấm tình quân dân

Chính trị - Ngày đăng : 07:06, 05/03/2011

(HNM) - Về Bộ Tư lệnh dự tọa đàm nhân Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng, rẽ thăm bạn bè ở Báo Hànộimới kết nghĩa, kể về sự hy sinh của Trung úy Trần Văn Duẩn, Đại úy Đinh Văn Lào, Chính trị viên phó Đồn 267 (Đồn Biên phòng A Mú Sung) ngậm ngùi chia sẻ, bất cứ ai khi đến thăm đồn đều dừng chân trước đài tưởng niệm, thắp nén nhang thơm tưởng nhớ các CBCS của đồn đã hy sinh.

"Bất chấp gian khổ, thiệt thòi, mất mát và cả sự hy sinh, lớp lớp CBCS của Đồn 267 luôn sắt son một ý chí, bảo vệ an toàn vùng biên, giúp dân có cuộc sống hạnh phúc, no ấm" - Đại úy Đinh Văn Lào khẳng định.


Giao lưu văn nghệ giữa Đoàn Thanh niên Báo Hànộimới và Đồn Biên phòng A Mú Sung. Ảnh: Đình Chiến


Trung tá Đồn trưởng Đồn 267 Phạm Ngọc Xướng cho biết, Đồn 267 đảm trách 27,5km đường biên, với 14km dọc sông Hồng và 13,5km dọc suối Lũng Pô, biết bao ẩn họa và sự nguy hiểm đe dọa. Chỉ cần mỗi ngày đi tuần tra biên giới một lần thôi cũng đủ thấy người lính biên phòng ở đây vất vả thế nào. Thiếu tá Vũ Anh Điệp, Tổ trưởng Tổ Công tác biên phòng Lũng Pô cho biết, tổ có 3 người, nhưng không thể cùng tuần tra 13,5km với nhau được, vì còn nhiều nhiệm vụ khác. Đi xe máy cũng chỉ được một phần đoạn đường. Hằng ngày, người chiến sĩ phải mài giày trên dốc đá với bao hiểm nguy rình rập, bất ngờ. Lực lượng mỏng, nhưng anh em đã biết dựa vào dân để quản lý chặt đường biên, đồng thời làm tốt công tác đối ngoại biên phòng, bảo vệ biên giới và đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Hai xã thuộc địa bàn quản lý của Đồn 267 là A Mú Sung và Nậm Chạc có 830 hộ dân với 4.392 nhân khẩu. Cư dân thưa thớt, chất phác và thiếu thốn đủ bề, đời sống kinh tế và văn hóa đều nghèo. Không chỉ giữ đất biên thùy, người lính biên phòng còn phải bám dân, quan tâm, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Đồn trưởng Phạm Ngọc Xướng còn nhớ, một hôm đang giờ giao ban, một thiếu phụ người Mông gày gò, ốm yếu đến đồn và yêu cầu cán bộ "giải quyết" việc chị liên tục bị chồng đánh vì tội không... chiều chồng "chuyện ấy". Vừa chỉ cho cán bộ biên phòng xem những vết thâm tím trên mặt, chân tay và cả người, chị vừa khóc và đòi… bỏ chồng! Mới hơn 30 tuổi mà có tới 3 đứa con lít nhít, sức khỏe không tốt, làm lụng vất vả, chị không thể đáp ứng nổi nhu cầu của chồng. Mỗi khi từ chối, chị đều bị chồng đánh đập rất đau. "Nếu cán bộ không giải quyết, tao cứ ở lại đồn, không về nhà nữa!" - người phụ nữ khốn khổ khẳng định. Thế là phải cử cán bộ xuống tận bản làm "quan tòa". Giải thích cặn kẽ, anh thanh niên không biết chữ ấy phải cam kết không đánh vợ nữa.

Chuyện vợ chồng nhà nọ chỉ là một trong số rất nhiều chuyện mà lính biên phòng phải cùng dân tháo gỡ. Bò của hai nhà húc nhau, một con lăn ra chết, thế là cũng lên đồn "kiện". Rồi là con nhà khó không có điều kiện học hành, chuyện nhu cầu văn hóa, chuyện làm ăn… không chuyện gì mà dân không tìm đến với cán bộ, chiến sĩ biên phòng, mong được chia sẻ. Trong điều kiện dân trí và mặt bằng cuộc sống của người dân vùng biên như vậy, mọi phương pháp sách vở cứng nhắc không thể giúp người lính biên phòng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Họ phải lăn lộn, sống chung, nghĩ chung và làm mọi việc vì người dân. Phó Chủ tịch UBND xã A Mú Sung Thào A Chơ cho biết, thực hiện chỉ đạo của cấp trên, bộ đội biên phòng cùng với xã vận động các hộ dân bám trụ địa bàn 2 thôn mới sát đường biên thuộc khu vực Lũng Pô. Mỗi hộ được hỗ trợ 25 triệu đồng mua vật liệu dựng nhà. Cũng không khó khăn gì vì người dân ở đây rất tin cán bộ. Đã có 17 hộ dân dựng nhà trên đất mới. Nhưng cái khó hiện hữu là về lâu dài, dân sẽ sinh sống bằng gì khi đất trồng trọt không đủ và không dễ trồng cây lương thực. Rồi còn trường lớp, trạm xá, nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng...

Hôm chúng tôi lên Lũng Pô, nhiều ngôi nhà mới chỉ có mái lợp, chưa có ván thưng xung quanh, gió chiều hun hút thổi như cứa vào người. Vậy mà bữa cơm chiều vẫn có bát canh khoai núi bở tơi, thơm thảo của bà con mang cho. Ấm lòng rồi lại thấy cái khó ở A Mú Sung phải được hóa giải bằng trách nhiệm của nhiều người, ở mọi miền, không thể chỉ trông đợi riêng vào bộ đội biên phòng và người dân vùng phên dậu này.

Thái Hà - Lê Hương