Vẫn còn tâm lý “găm” vàng, giữ USD
Kinh tế - Ngày đăng : 07:29, 04/03/2011
Cần có một chính sách tiền tệ hợp lý để thị trường vàng và ngoại hối không biến động nhiều như thời gian vừa qua. Ảnh: Đàm Duy
Không còn xảy ra tình trạng người dân đổ xô mua vàng, USD như nhiều thời điểm trước, người dân đã bình tĩnh hơn trước những biến động của hai kênh đầu tư này, song vẫn chưa thoát khỏi tâm lý "găm" giữ. Thực tế là ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng để các ngân hàng thương mại (NHTM) có thể đẩy tỷ giá USD/VND sát với thị trường tự do, thay vì bình tĩnh suy xét, nhiều người dân đã đến các đại lý thu đổi ngoại tệ để mua USD, chủ yếu là tích trữ, khiến cầu với loại ngoại tệ này tăng đột biến trong khi nguồn cung có hạn. Thêm vào đó, một số kẻ đầu cơ đã lợi dụng tình hình này để đẩy giá USD leo cao, có lúc đạt đến 22.500 VND/USD (vượt qua giá niêm yết của NHTM tới hơn 1.500 VND/USD). Tuy nhiên, giá USD "chợ đen" không "leo cao" trong thời gian dài mà sớm "hạ nhiệt". Từ 22.500 VND/USD, USD "rơi" xuống 22.250 VND/USD, rồi 22.100 VND/USD. Chiều 1-3, tại hầu hết đại lý thu đổi ngoại tệ trên phố Hà Trung, giá USD
được giao dịch ở mức 21.580 VND/USD (mua vào) - 21.680 VND/USD (bán ra). Tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank), USD mua vào 20.865 VND/USD, bán ra 20.875 VND/USD. Như vậy, giá USD "chợ đen" không còn quá chênh với giá trên thị trường chính thức. Lượng người mua USD đã thưa hơn.
Giá vàng trong nước phụ thuộc chủ yếu vào giá vàng thế giới, bởi nước ta phải nhập khẩu vàng, nên giá USD biến động đã ảnh hưởng đến giá vàng. Trong những ngày giá USD leo thang, vàng cũng không ngừng tăng giá, có lúc chệch khỏi quỹ đạo của giá vàng thế giới, tức là bất chấp giá thế giới giảm, trong nước vẫn tăng cao. Có thời điểm, giá vàng vượt qua kỷ lục cũ để lập "đỉnh" gần 38,5 triệu đồng/lượng. Lý giải nguyên nhân này, chủ một cửa hàng vàng trên phố Trần Nhân Tông cho biết, thông thường giá vàng trong nước diễn biến theo giá thế giới, nhưng có những khi người dân đổ xô đi mua vàng, khiến cầu vượt cung, nên giá vàng trong nước diễn biến ngược chiều với thế giới. Song, ngay sau khi giá USD "tự do" giảm, thị trường vàng đã ổn định. Ngày 1-3, giá vàng giao dịch phổ biến ở mức 37,25 triệu đồng/lượng (mua vào) - 37,45 triệu đồng/lượng (bán ra). Lượng người giao dịch không còn quá nhiều, nhưng số người mua vẫn chiếm phần lớn, chủ yếu để tích trữ.
Cũng không phải không có lý khi nhiều người chọn vàng, USD để bảo toàn nguồn tiền của mình, bởi USD vẫn được coi là loại ngoại tệ mạnh, còn vàng luôn được coi là kênh đầu tư an toàn. Đó là chưa kể niềm tin với VND bị giảm, nên thay vì tích trữ VND, nhiều người chuyển sang tích trữ vàng, USD. Vấn đề mà nhiều người quan tâm nhất lúc này là làm thế nào để tăng vị thế của VND. Phải thừa nhận một thực tế, nền kinh tế nước ta có một thời gian dài bị "đô la hóa", nên tâm lý coi trọng USD là không thể tránh khỏi. Trong khi đó, cứ mỗi năm, VND lại bị giảm giá, ngay cả khi lãi suất VND được điều chỉnh tăng, nhiều người vẫn tìm cách chuyển tiền sang USD để tích trữ, bảo toàn giá trị. Nhiều chuyên gia cho rằng, để nâng cao giá trị VND, không còn cách nào khác là tăng lãi suất huy động ngân hàng, nhưng tăng lãi suất nếu không tính toán lại làm khó doanh nghiệp, gây tác động không tốt cho nền kinh tế. Bài toán về chính sách tiền tệ như thế nào để vừa tạo niềm tin cho dân chúng, nhưng lại giúp nền kinh tế tăng trưởng lại một lần nữa khiến cơ quan chức năng đau đầu. Tuy nhiên, nếu muốn tăng giá trị VND thì phải làm giảm giá trị của các đồng tiền khác, tức là phải dần dần chấm dứt tình trạng "đô la hóa" đang tồn tại. Ngoài ra, cần phải có biện pháp để người dân không còn muốn găm giữ vàng mà mang vàng bán ra thị trường hay người dân không còn tâm lý mua vàng để tích trữ, từ đó doanh nghiệp sẽ hạn chế phải nhập khẩu vàng và USD không còn phải "chảy" quá nhiều sang các nước khác, gây ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối. Vì thế, vẫn cần một chính sách tiền tệ hợp lý để thị trường ngoại hối, vàng không còn bị xáo động…