Vướng vì khó dồn điền, đổi thửa

Kinh tế - Ngày đăng : 07:10, 04/03/2011

(HNM) - Hiện nay, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của huyện Thạch Thất còn rất ít, nên chủ trương của huyện là chuyển đổi sang xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa cho hiệu quả cao. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện địa phương đang vấp phải những khó khăn như hạ tầng cơ sở kém, tích tụ ruộng đất chậm…


Còn nhiều nan giải


Mô hình chuyển đổi từ thâm canh lúa sang trồng thanh long ruột đỏ ở xã Kim Quan cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Bá Hoạt


Phó phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Nguyễn Văn Toàn cho biết, do phần lớn diện tích đất sản xuất nông nghiệp của huyện đã được chuyển sang phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nên Thạch Thất khuyến khích nhân dân chuyển đổi sang các mô hình nông nghiệp hàng hóa đạt hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, trên địa bàn huyện đã xây dựng và chuyển đổi được khoảng 250 mô hình. Hiện nhiều mô hình sản xuất tập trung được hình thành như vùng sản xuất lúa chất lượng cao ở Đại Đồng, Dị Nậu, Thạch Xá; chuyển đổi 138ha cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản với 200 trang trại cho thu nhập từ 150 đến 200 triệu đồng/ha tại các xã Đại Đồng, Cẩm Yên, Phú Kim, Lại Thượng… Huyện đang triển khai 3 dự án lớn như rau an toàn (RAT) ở xã Hương Ngải 55ha, dự án trồng hoa chất lượng cao tại xã Yên Bình với diện tích 30ha; dự án trồng cây thanh long ruột đỏ với quy mô 35ha ở xã Bình Yên và Kim Quan. Các dự án này đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt và chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong khi chờ kinh phí của TP, huyện đã hỗ trợ nông dân ở xã Hương Ngải thực hiện trồng 3ha mô hình RAT, xã Yên Bình 3ha mô hình trồng hoa chất lượng cao, gần 6ha thanh long ruột đỏ ở Bình Yên và Kim Quan. Đến nay, các mô hình đều phát huy hiệu quả tốt, "đầu ra" bảo đảm… Tuy nhiên, việc thực hiện các mô hình chuyển đổi trên địa bàn huyện đều vướng do công tác dồn điền, đổi thửa khó khăn, nông dân có đất không muốn cho các chủ trang trại thuê. Cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất còn thiếu và yếu kém, hiện tại hầu hết đường giao thông kết nối các mô hình chuyển đổi đều là đường đất. Ông Nguyễn Văn Hoa, Chủ tịch UBND xã Hương Ngải cho biết, từ năm 2007 xã đã làm xong quy hoạch xây dựng mô hình sản xuất 55ha RAT và đã được TP phê duyệt. Hiện xã đã thực hiện thí điểm 3ha RAT, nhìn chung "đầu ra" bảo đảm, nhưng để mở rộng mô hình còn nhiều khó khăn do tâm lý của nông dân không muốn dồn điền, đổi thửa và sợ mất đất vì mô hình RAT do HTX nông nghiệp đứng ra sản xuất và tiêu thụ, thuê nông dân làm. Cơ sở hạ tầng như đường điện, đường giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi chưa được đầu tư nhiều, gây khó khăn trong sản xuất cũng như đi lại của bà con.

Bên cạnh đó, sản phẩm hàng hóa sản xuất ra ở các mô hình còn nhỏ lẻ, chất lượng chưa cao. Sự gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ còn gặp nhiều trở ngại. Đầu tư vào các trang trại nhìn chung còn thấp và dàn trải, phần lớn là vốn vay và vốn tự có của nông dân; các mô hình đều phát triển mang tính tự phát, quy mô nhỏ, phân tán, chưa hình thành được vùng sản xuất hàng hóa. Một số xã chưa thực sự quan tâm hoàn thiện hồ sơ chuyển đổi cũng như công tác quản lý đất đai còn bị buông lỏng nên có mô hình đã vi phạm các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp và sử dụng sai mục đích.

Cần đầu tư đồng bộ

Ông Nguyễn Văn Toàn cho rằng, để từng bước giải quyết những vướng mắc trong chuyển đổi các mô hình cần phải tiến hành quy hoạch sản xuất nông nghiệp theo vùng để phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng của các xã. Mặt khác phải đầu tư đồng bộ từ hỗ trợ cơ sở hạ tầng đến tiêu thụ sản phẩm để phát triển ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện theo hướng sản xuất hàng hóa. Trong đó, chú trọng phát triển các cây màu có giá trị, hoa chất lượng cao, tăng nhanh tỷ trọng cơ cấu ngành chăn nuôi. Ngoài ra, chính quyền các xã, thị trấn phải củng cố ban chỉ đạo, tổ chức kiểm tra rà soát toàn bộ các mô hình chuyển đổi có vi phạm để xây dựng phương án xử lý dứt điểm. Đối với mô hình chuyển đổi đủ điều kiện được phê duyệt bao gồm các mô hình nằm trong kế hoạch sử dụng đất, không vi phạm, không làm ảnh hưởng đến sản xuất, đi lại và môi trường xung quanh, sử dụng đúng mục đích của dự án thì phân công cán bộ hướng dẫn các hộ làm thủ tục theo đúng quy định.

Để khuyến khích sản xuất đạt hiệu quả cao, những năm tới huyện Thạch Thất sẽ ưu tiên đầu tư xây dựng công trình thủy lợi, đường giao thông, đường điện tại các mô hình chuyển đổi có hiệu quả kinh tế cao, thu hút nhiều lao động để từng bước hiện đại hóa cơ sở hạ tầng nông thôn. Đẩy mạnh chuyển giao khoa học công nghệ, ứng dụng giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao. Tuyên truyền vận động nông dân dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng mô hình nông thôn mới và dự án phát triển ngành nghề để nâng cao mức sống của người dân ở khu vực nông thôn.

Quỳnh Dung