Có bột mới gột nên hồ
Đời sống - Ngày đăng : 07:00, 04/03/2011
Những "bông hoa đẹp"
Công nghệ cao (CNC) được áp dụng trong nông nghiệp nước ta và bước đầu đạt thành tựu nhất định. Trong đó, lĩnh vực đang ƯDCNC khá hiệu quả trong sản xuất là ngành trồng hoa.
Trồng hoa lan trong khu thí nghiệm tại Viện Nghiên cứu và Phát triển sinh học thuộc Đại học Cần Thơ.Ảnh: TTXVN
Đi đầu trong việc ƯDCNC trong chọn, lai tạo giống, chuyển giao công nghệ đến với người dân là các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu rau quả. Đơn vị này đã thành công với mô hình trồng lan CNC thông qua việc đầu tư thiết bị nhà lưới hiện đại dạng kín, tạo điều kiện cho cây sinh trưởng và phát triển thuận lợi. Với quy mô khoảng 4.400m2, Viện cung cấp khoảng 131.000 cây, đáp ứng 21% nhu cầu về giống lan Hồ Điệp của thị trường và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Lãi thu được từ sản xuất lan Hồ Điệp đạt khoảng 280-540 triệu/1.000m2. Đặc biệt, một số mô hình cho lãi từ 700 triệu - 1 tỷ đồng/1.000m2 như Công ty Cửu Long, Trung tâm Ứng dụng công nghệ cao Quảng Ninh…
Hà Nội cũng là địa phương đi đầu trong triển khai mô hình trồng hoa CNC, từng bước tạo dựng thương hiệu trên thị trường hoa cao cấp. Một trong số đó là Công ty TNHH Flora Việt Nam. Đến nay, đơn vị này đã có khu sản xuất rộng 10.000m2, gồm hệ thống nhà kính, nhà lưới, máy móc bảo đảm trồng được nhiều loại hoa. Bà Bùi Bích Hường, Giám đốc công ty cho biết, trồng hoa CNC là hướng đi khá mới ở nước ta. Mỗi năm, Flora Việt Nam đưa ra thị trường hàng triệu cành hoa lan Hồ Điệp, lan Vũ nữ và hàng chục vạn bông ly, loa kèn, đem lại doanh thu khoảng 10 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho 100 lao động thường xuyên.
Ngoài Hà Nội, Đà Lạt (Lâm Đồng), TP Hồ Chí Minh hiện cũng có tới 1.663ha trồng rau an toàn ứng dụng CNC, sản lượng đạt khoảng 30.000 tấn/năm. Trong số đó, diện tích rau sản xuất trong nhà lưới cho giá trị sản lượng 120-150 triệu đồng/ha; hơn 700ha trồng hoa và cây cảnh. Các hộ áp dụng CNC trong sản xuất hoa, cây cảnh đem lại thu nhập 600 triệu - 1 tỷ đồng/ha/năm.
Tạo bước đi phù hợp
Những mô hình trên cho thấy ƯDCNC trong nông nghiệp là hướng đi phù hợp trong điều kiện sản xuất của Việt Nam những năm sắp tới. Tuy nhiên, để nhân rộng được nhiều hơn nữa những "bông hoa đẹp" đó, nông nghiệp nước ta cần vượt qua nhiều điểm yếu cố hữu. Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Thắng cho rằng, ngoài tập quán sản xuất nhỏ, manh mún, quy hoạch cũng là giải pháp quan trọng cần được đầu tư để từ đó có được những ngành phụ trợ khác phục vụ cho nông nghiệp CNC.
Đề án tổng thể phát triển nông nghiệp ƯDCNC đến năm 2020 đặt mục tiêu đến năm 2015, mỗi tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm xây dựng được từ 3 đến 5 doanh nghiệp và 2-3 vùng sản xuất nông nghiệp ƯDCNC. Giai đoạn 2016-2020 sẽ đẩy mạnh phát triển toàn diện nông nghiệp ƯDCNC. Đến năm 2020, mỗi tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm xây dựng 7-10 doanh nghiệp, 5-7 vùng sản xuất nông nghiệp ƯDCNC. Những hướng được Nhà nước ưu tiên đầu tư là sản xuất thâm canh lúa chất lượng, lúa đặc sản, sản xuất rau, chè, cây ăn quả giá trị cao.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng, để nông nghiệp phát triển bền vững, trong đó nông nghiệp ƯDCNC là hướng ưu tiên, Bộ NN&PTNT cần tránh tình trạng định hướng chung chung. Ngoài ra, còn phải tính đến mô hình tổ chức sản xuất liên kết, đầu tư có tiêu chí cụ thể và giải pháp đồng bộ để có được sản phẩm nông nghiệp CNC.
Thực tế cho thấy, phát triển nông nghiệp CNC không thể thực hiện một cách nóng vội nhất là khi cơ chế, chính sách huy động vốn cho nông nghiệp CNC hiện vẫn chưa thuyết phục được nhiều nhà đầu tư. Để phát triển nông nghiệp ƯDCNC đạt hiệu quả, cần xây dựng mô hình điểm sinh động, đặc biệt quan tâm đến việc nhân rộng mô hình, chuyển giao công nghệ cho nông dân. Ngoài ra, cần phải giải được bài toán liên kết, hợp tác trong nông dân và giữa nông dân với doanh nghiệp... Cần có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ với mức cao cho công tác nghiên cứu khoa học để phát triển việc ƯDCNC trong nông nghiệp. Có như thế mới hy vọng nền nông nghiệp nước nhà khởi sắc và phát triển bền vững.