Rút hết lao động khỏi Libya trong 2-3 ngày tới

Đời sống - Ngày đăng : 15:04, 03/03/2011

Dự kiến, toàn bộ lao động Việt Nam sẽ rời khỏi lãnh thổ Libya sang các cửa khẩu biên giới trong vài ngày tới.


Đại sứ quán Việt Nam tại Thủ đô Tripoli và các ban ngành, công ty đang nỗ lực phối hợp để sớm đưa toàn bộ lao động ta về nước. Để có thêm thông tin về vấn đề này, đêm 2/3,  chúng tôi đã liên lạc được với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước ta tại Libya Đào Duy Tiến.


PV:
Thưa ông, hiện nay đã có bao nhiêu lao động Việt Nam rút khỏi Libya ?

Đại sứ Đào Duy Tiến: Đến ngày 2/3, có khoảng hơn 9.000 lao động Việt Nam được sơ tán khỏi Libya hoặc đến khu vực biên giới Tunisia và Libya

PV:Như vậy còn lại bao nhiêu lao động Việt Nam trên đất Libya, thưa ông?

Đại sứ Đào Duy Tiến:
Con số lao động chúng tôi nắm được còn lại là khoảng trên 800 người. Trong nhóm này, có một số khó khăn.

Có 19 công nhân Việt Nam làm việc cho Công ty Nalítco của Thổ Nhĩ Kỳ tại thành phố Surt đêm 1/3 được bạn đưa ra sân bay nhưng do công nhân Việt Nam ở Tripoli không có hộ chiếu nên không đi được. Tình hình Surt tương đối yên ổn nhưng để di chuyển đi các nơi là khó.

Một số công nhân còn ở thành phố Miṣrātah, nơi tình hình khá căng thẳng, số công nhân này chúng tôi đang cố gắng cử cán bộ đi xe ngoại giao xuống và thuê xe dẫn bằng đường bộ lên biên giới Tunisia-Libya.

PV:
Số lao động còn lại tập trung đông nhất ở khu vực nào và khu vực nào hiện nay nguy hiểm nhất, thưa ông?

Đại sứ Đào Duy Tiến: Ở Benghazi có một công ty còn khoảng 65 lao động.

Khu vực nguy hiểm nhất ở Libya có lao động Việt Nam là Misratah, hiện còn khoảng trên 200. Một số khác nằm rải rác ở Sabha và khu vực quanh Tripoli.

PV:Tình hình Libya căng thẳng như vậy liệu những lao động này có được đảm bảo an toàn không, thưa ông?

Đại sứ Đào Duy Tiến: Đến giờ phút này lao động Việt Nam vẫn an toàn, nhưng do thời gian nghỉ việc chờ đợi hoặc một số chủ sử dụng lao động huy động anh em ở lại, đang gặp khó khăn về lương thực và nước uống.

PV: Đại sứ quán Việt Nam gặp khó khăn gì trong việc phối hợp với trong nước và giúp người lao động đi sơ tán?

Đại sứ Đào Duy Tiến
: Khó khăn là không tránh khỏi bởi Việt Nam có số lượng lao động lớn nằm rải rác khắp Libya. Chúng tôi đã chủ động ngay từ khi có chỉ đạo trong nước và phối hợp chặt chẽ với các chủ sử dụng lao động nên đã đưa được nhiều lao động sơ tán.

Một khó khăn nữa là do cách quản lý nên hộ chiếu của người lao động thường nằm ở các trụ sở chính của công ty ở Tripoli. Khi xảy ra chiến sự, những lao động ở khu vực xa không kịp lấy hộ chiếu. Nhiều người khi lên máy bay hoặc tàu thuỷ không có hộ chiếu nên bị ách lại.

Việc sơ tán lao động tại sân bay hay cảng Tripoli hoặc trên đường lên biên giới Tunisia, nước bạn thường yêu cầu Đại sứ quán phải có người ra để hỗ trợ, nhất là đối với các xe đi bằng đường bộ lên biên giới. Tuy ít người nhưng chúng tôi vẫn phải căng ra để làm.

Hơn một ngày qua chúng tôi không có điện thoại cố định, Internet cũng không, điện thoại di động thì mạng 091 của Đại sứ và Tham tán cũng bị cắt đường gửi đi, đường nhận vào cũng trục trặc. Về mặt thông tin cũng gặp nhiều khó khăn. Anh em chỉ biết động viên nhau để khẩn trương di chuyển lao động.

PV: Đại sứ quán và các ban ngành đã có giải pháp nào để những người còn mắc kẹt sớm ra khỏi lãnh thổ Libya, thưa ông ?

Đại sứ Đào Duy Tiến
: Chúng tôi đang tích cực phối hợp với các chủ lao động để đưa nốt số lao động chưa ra khỏi Libya.

Tình hình tại Libya mỗi nơi một khác, có nơi vẫn muốn lao động tiếp tục đi làm. Nhưng đã có chỉ đạo phải đưa hết lao động về nước nên chúng tôi yêu cầu chủ sử dụng lao động phải có biện pháp sơ tán số lao động này.

Những chỗ khó khăn, không phối hợp được với chủ lao động, chúng tôi tự tìm cách để sơ tán anh em, nếu không có xe phải thuê xe.

PV: Theo ông, bao giờ ta có thể rút hết lao động ra khỏi lãnh thổ Libya và về nước?

Đại sứ Đào Duy Tiến:
Về cơ bản, trong vòng 2 đến 3 ngày tới, chúng ta có thể rút hết lao động khỏi Libya. Số lượng còn lại cũng không nhiều lắm.

PV:
Vâng, xin cảm ơn ông./.

Theo VOV