Phải bảo đảm mục tiêu tiến độ
Đời sống - Ngày đăng : 07:28, 03/03/2011
Hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu
Cuộc sống ở bản tái định cư Nà Nhụng đã ổn định.Ảnh: Yến Ngọc
Trên địa bàn thị xã Mường Lay (Điện Biên) có 5 khu TĐC là Nậm Cản, Chi Luông, Đồi Cao, Cơ Khí và Lay Na, cơ bản đã hoàn thành việc di dời dân ra khỏi lòng hồ, bàn giao mặt bằng cho các hộ dân xây dựng nhà. Tuy nhiên, vẫn còn gần 200 hộ sau khi di chuyển đến nơi ở tạm vẫn chưa chuyển được về các khu TĐC theo quy hoạch, do phần đất giao cho các hộ dân có quá nhiều đá thải, khó xây được nhà. Mặt khác, do quỹ đất của thị xã Mường Lay hạn hẹp, nên người dân TĐC không có đất canh tác, không phát triển được nghề phụ.
Tại thị trấn Phiêng Lanh (Sơn La), việc di dân khỏi lòng hồ Thủy điện Sơn La đã cơ bản hoàn thành, song còn 400 hộ dân sau khi di chuyển đến nơi ở tạm vẫn chưa chuyển được về khu TĐC theo quy hoạch. Nguyên nhân là do chưa có mặt bằng để giao cho họ. Ngoài ra, đến thời điểm này, vẫn còn nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật như điện, cấp thoát nước tại các khu TĐC không bảo đảm tiến độ do thi công chồng chéo, thiếu vốn; đường giao thông khi mưa thì lầy lội, nắng lại rất bụi, gây không ít khó khăn cho người dân. Đặc biệt, công trình trụ sở UBND huyện Quỳnh Nhai nằm trên đồi đắp cao tiềm ẩn nguy cơ sụt, lún khi có mưa lớn kéo dài nhưng việc triển khai quan trắc lún công trình lại chậm. Trong khi đó, một số công trình đã hoàn thành, như Bệnh viện đa khoa huyện Quỳnh Nhai, trường THPT, trường nội trú chưa được chứng nhận đủ điều kiện an toàn chịu lực, chứng nhận phù hợp về chất lượng theo quy định trước khi đưa vào khai thác, sử dụng.
Kiểm tra thực tế mới đây, đoàn công tác của Bộ Xây dựng đã chỉ ra một số khiếm khuyết. Chẳng hạn, việc thực hiện các giải pháp chống sạt lở mái ta luy đào đắp cao tại các khu TĐC và việc kiên cố hóa mái dốc ta luy đường tránh ngập QL12 qua khu TĐC bị chậm. Đặc biệt, tại những khu sẽ bị ngập theo tiến độ tích nước hồ Thủy điện Sơn La chưa quan trắc lún, sụt; kiểm toán ổn định mái ta luy, làm ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án. Hiện tượng lún, nứt nhà dân tại một số khu TĐC, như Đồi Cao, Cơ Khí, Lay Na xuất hiện do nền đắp cao tới 27m, vật liệu đắp không đồng nhất, độ chặt không bảo đảm quy định và một số hộ dân tự ý xây nhà không theo hướng dẫn của cơ quan quản lý địa phương...
Chậm tiến độ do thiếu vốn
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Trưởng ban Chỉ đạo nhà nước dự án Thủy điện Sơn La, việc lập hồ sơ quyết toán vốn đầu tư cũng chưa đáp ứng tiến độ quy định do các đơn vị thi công chậm hoàn thiện. Phần dự án do Ban Quản lý dự án di dân TĐC Thủy điện Sơn La của tỉnh Điện Biên làm chủ đầu tư mới giải ngân được 661,995tỷ đồng/2.321 tỷ đồng (bằng 29%), trong khi phần dự án do UBND thị xã Mường Lay làm chủ đầu tư giải ngân được 197,33 tỷ đồng/323,83 tỷ đồng (bằng 61%). Với dự án trên địa bàn thị trấn Phiêng Lanh, phần do Ban Quản lý dự án tỉnh Sơn La làm chủ đầu tư đã giải ngân được 270 tỷ đồng/510 tỷ đồng (bằng 53%); còn phần do UBND huyện Quỳnh Nhai làm chủ đầu tư mới giải ngân được 160 tỷ đồng/339 tỷ đồng (bằng 47%). "Qua các nội dung trên có thể thấy, mặc dù địa phương và các cơ quan hữu quan đã có nhiều cố gắng, nhưng tiến độ nhiều hạng mục bị chậm, trong đó thiếu vốn là nguyên nhân chính làm cho việc triển khai gặp khó khăn" - tổ công tác nhận định.
Về giải pháp khắc phục, Bộ Xây dựng cho rằng, tỉnh Điện Biên, Sơn La có thể bổ sung, điều chỉnh dự án và áp dụng cơ chế được Chính phủ cho phép để tạo điều kiện cho các chủ đầu tư, nhà thầu thanh, quyết toán, thẩm định phê duyệt dự án thành phần kịp tiến độ. Địa phương phải đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng kỹ thuật để bảo đảm điều kiện thiết yếu về ăn ở, sinh hoạt, môi trường cho bà con khi TĐC; tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn để bảo đảm chất lượng công trình. Đối với các bộ, ngành liên quan, Bộ Xây dựng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT sớm thực hiện kiên cố hóa trên tuyến đường tránh ngập QL12 đoạn qua khu TĐC Thủy điện Sơn La (địa bàn thị xã Mường Lay) để bảo đảm an toàn cho các hộ dân và tiến độ chung của dự án. Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Bộ Tài chính bảo đảm nguồn vốn cho các dự án di dân TĐC; Bộ NN và PTNT điều chỉnh kéo dài thời gian hỗ trợ TĐC phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; Bộ Công thương nghiên cứu chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện sản xuất, việc làm đối với người dân TĐC chưa có mặt bằng sản xuất.