Thêm nhiều mái ấm nơi biên cương

Đời sống - Ngày đăng : 07:22, 03/03/2011

(HNM) - Sau hơn 3 năm triển khai (từ tháng 10-2008 đến nay) hơn 270 tỷ đồng đã được huy động, 6.650 ngôi nhà dột nát được xóa, 253 công trình dân sinh được hoàn thành... Đó là những dấu ấn rất nhân văn từ Chương trình


Những cuộc "hồi sinh"


Bộ đội biên phòng giúp dân sản xuất nông nghiệp.


Cách đây chưa đầy 2 năm, bản Là Si của người La Hủ ở xã Thu Lũm, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu chỉ là một thung lũng um tùm cây cối và gai góc giữa những quả đồi hoang vắng. Giờ đây, Là Si đã san sát những mái nhà lợp tôn vững chãi. Những bước chân du cư nay đây mai đó nơi hẻm núi, góc rừng giờ đã dừng lại. Bà con người La Hủ đã định canh, định cư bên những ngôi nhà do BĐBP xây tặng. Dưới sự hướng dẫn của BĐBP, người La Hủ đã bắt đầu học cách trồng lúa, trồng ngô, chăm sóc rau màu.

Đại tá Nguyễn Đông Tùng, Trưởng phòng Vận động quần chúng, Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh BĐBP cho biết: "Người La Hủ chuyên sống du canh, du cư nên đời sống rất khó khăn. BĐBP đang cùng với các cơ quan chức năng làm hết sức mình để bảo tồn bền vững tộc người này, từng bước giúp đỡ để họ quen dần với cuộc sống định canh, định cư…".

Nằm cách thành phố Vinh chừng 150km, tộc người Đan Lai ẩn mình nơi thượng nguồn sông Giăng vẫn còn giữ những hủ tục lạc hậu, ngàn đời nay vẫn quay quắt trong cái đói, cái nghèo và thất học. Hy vọng đã bừng lên khi Chính phủ triển khai Đề án "Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai" tại vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Để thực hiện đề án năm 2009, BĐBP tỉnh Nghệ An phối hợp với Đồn BP Môn Sơn xây dựng trạm xá xã quân dân y kết hợp ngay tại bản Cò Pạt, Tổng Công ty Khai thác, Thăm dò dầu khí Việt Nam hỗ trợ công trình 300 triệu đồng, Bộ Tư lệnh Quân khu IV hỗ trợ 700 triệu đồng để cấp phát chăn, màn cho các hộ dân Đan Lai tại Cò Pạt, Khe Búng…

Đây là 2 mô hình trong Chương trình "Mái ấm biên cương", do BĐBP các tỉnh Lai Châu, Nghệ An xây dựng và thực hiện. Sự xuất hiện của người lính BP đã làm hồi sinh các tộc người này. Nhờ có BĐBP mà người dân nơi đây từ chỗ chưa biết đồng tiền, chưa biết đến hàng hóa, ốm đau chưa biết uống thuốc, chưa biết chữ thì nay đã từng bước tiếp cận với đời sống văn minh hơn.

Ấm lòng từ sự sẻ chia

CBCS Đồn BP Na Hình (Lạng Sơn) vẫn chưa quên hình ảnh xúc động của mẹ liệt sỹ Bế Thị Phân, 55 tuổi ở xã Thanh Long trong ngày nhận nhà mới. Việc xây nhà cho mẹ Phân gặp khó khăn nhất so với các ngôi nhà khác trong suốt cuộc vận động. Gia đình mẹ sống ở bản Còn Slung trong căn nhà cũ nát chênh vênh bên sườn đồi. Bộ Chỉ huy BĐBP Lạng Sơn chỉ đạo Phòng Hậu cần kỹ thuật khảo sát và thiết kế chi tiết ngôi nhà. Chi đoàn Thanh niên đồn dành hầu hết các ngày "Thứ bảy tình nguyện" để tổ chức cho đoàn viên, thanh niên tìm kiếm vật liệu, giúp đỡ vận chuyển và xây dựng. Để vận chuyển nguyên liệu, CBCS Đồn BP Na Hình phải sửa một con đường nhỏ dài mấy cây số từ đường liên xã vào nhà mẹ Phân. Phương tiện chuyên chở là xe máy và gùi, vác nhưng chỉ có thể đi được vào những hôm trời nắng ráo.

Còn với CBCS BĐBP tỉnh Quảng Trị thì câu nói của ông Hồ Văn Trường ở bản Ka Tiêng, xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa khi được về ở trong ngôi nhà mới do BĐBP tỉnh xây tặng chắc sẽ theo họ suốt hành trình công tác: "BĐBP mới đi tuần tra đường biên về, mồ hôi chưa kịp khô đã làm cho tui cái nhà ni. Tình cảm của BĐBP sáng hơn cái bóng điện ni đó".

"Chất keo" gắn kết nhân dân và BĐBP

Mục tiêu ban đầu của chương trình là sẽ vận động các nguồn tài trợ xây dựng 1.000 căn nhà Đại đoàn kết cho đồng bào nơi biên giới. Sau gần 3 năm phát động, đã có 6.650 nhà Đại đoàn kết được xây, gấp hơn 6 lần kế hoạch dự kiến, trung bình mỗi căn nhà có giá trị từ 25-35 triệu đồng. Ngoài ra còn có các công trình dân sinh, gồm trạm quân dân y kết hợp, trường học, nhà văn hóa cộng đồng, cầu, đường giao thông, sân chơi cho thiếu nhi, thủy điện nhỏ và mô hình sản xuất. Trung tướng Võ Trọng Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Chính ủy BĐBP chia sẻ: "Cuộc vận động không chỉ là xây dựng những căn nhà mà đây chính là công trình của tình quân dân, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần nâng cao niềm tin của dân đối với Đảng. Việc làm này một lần nữa đã góp phần làm tỏa sáng hình ảnh bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân".

Hiền Phương