Lộ rõ bất cập trong quản lý, trùng tu di tích
Xã hội - Ngày đăng : 07:36, 02/03/2011
Tường thành cổ Sơn Tây trước khi cải tạo. Ảnh: Thanh Tâm |
Dự án vẫn đang triển khai
Dự án cải tạo, chỉnh trang tường Thành cổ Sơn Tây vẫn đang được triển khai. Theo báo cáo của đơn vị thi công, đến hết tháng 2, đơn vị này đã hoàn thành việc phát lộ toàn bộ tường thành, xếp thêm đá ong mới vào những đoạn tường thành bị mất từ cổng Bắc đến cổng Đông và cổng Nam với tổng chiều dài khoảng 654m. Đoạn đã hoàn thành được làm theo phương án: Giữ nguyên tường thành cũ, xếp đá ong mới cao 1,3-1,5m, thụt vào 3-5cm (bằng phương pháp thủ công) so với tường thành cũ để có thể phân biệt được đâu là tường thành cũ, đâu là phần mới lắp dựng. Phía trong tường đắp đất theo kiểu thoải chân đê, trồng cỏ lên và làm cống thoát nước bên dưới. Toàn bộ cây cổ thụ, cây quý trên mặt tường thành được giữ nguyên, chỉ chặt bỏ cây dại gây hại cho di tích.
Theo lý giải của đơn vị thi công thì chiều cao 1,3-1,5m là phù hợp với tầm nhìn của người Việt Nam và không gian cảnh quan của di tích. Phần lớn người dân thị xã Sơn Tây khi được hỏi đều rất hài lòng với cách làm này. Bác Lê Thị Lan, trú ở khu tập thể Biên Phòng (phường Lê Lợi) chia sẻ: “Tòa thành trước đây như một khu rừng, là địa điểm cho tệ nạn mại dâm, ma túy hoạt động. Giờ thì lộ rõ tòa thành quân sự, giống như một công viên, trong có thể nhìn ra, ngoài có thể nhìn vào, rất đẹp”.
Các nhà chuyên môn trước sau đều thống nhất khẳng định: Việc cải tạo, chỉnh trang tường thành là cần thiết, phương án mà thị xã Sơn Tây đang triển khai không làm ảnh hưởng tới yếu tố gốc của di tích. Song, văn bản số 18, ngày 11-1-2011 của Cục Di sản Văn hóa thông báo Kết luận của Hội đồng khoa học về việc chỉnh trang hạng mục tường Thành cổ Sơn Tây lại yêu cầu thị xã tìm kiếm thêm tư liệu, điều chỉnh phương án chỉnh trang tường thành trước khi đưa ra phương án cuối cùng. Vì thế, việc thị xã Sơn Tây vẫn đang triển khai dự án theo phương án cũ là không đúng với Kết luận của Hội đồng khoa học.
Lộ rõ bất cập
Như Hànộimới đã thông tin, dự án cải tạo, chỉnh trang tường Thành cổ Sơn Tây đã được Bộ VH,TT&DL thỏa thuận tại Công văn số 1699/BVHTTDL-DSVH ngày 21-5-2010 và lưu ý: “Tu bổ, bảo tồn nguyên trạng các góc tường thành cũ và không xây phục hồi tường thành mới mà chỉ tái định vị, lắp đặt các viên gạch đá ong gốc bị bong, lở trên các đoạn tường thành này… Đối với các đoạn tường thành bị mất hoàn toàn thì trồng cây thành hàng rào…”. Sau khi phát lộ thí điểm 117,5m tường thành, thị xã Sơn Tây thấy phương án của Bộ đưa ra chưa thực sự khả thi nên tiếp tục có văn bản số 952, ngày 7-10-2010 xin phép Cục Di sản Văn hóa cho tu bổ đoạn tường thành đã phát lộ với chiều cao 1,5m.
Đề nghị này của Sơn Tây không được Cục Di sản văn hóa phúc đáp, trong khi thị xã Sơn Tây, với kinh nghiệm nhiều năm quản lý Thành cổ, lại cho rằng phương án Bộ VH,TT&DL đưa ra không hợp lý nên đã triển khai dự án theo đề xuất của các cơ quan chuyên môn. Cách làm này bị dư luận cho là “vượt rào”, phá hoại di tích, còn Cục Di sản văn hóa yêu cầu “Dừng ngay việc thi công, tiếp tục việc phát lộ...” (ngày 19-11-2010). Quan điểm này được bảo lưu trong cuộc họp lấy ý kiến các nhà khoa học vào ngày 25-11-2010, nhưng đến cuộc họp tương tự vào ngày 28-12-2010 thì cục diện lại thay đổi bởi các nhà khoa học cho rằng thị xã Sơn Tây “cần tiếp tục sưu tầm thêm tư liệu, hình ảnh và phim lịch sử… để làm cơ sở tư liệu phục vụ việc chỉnh trang, phục hồi tường thành. Đối với những đoạn tường thành cũ, lộ trên mặt đất, căn cứ vào độ cao của đất tường thành, có thể xếp thêm một số lớp đá ong mới với kích thước tương tự như đá ong cũ... Đối với những đoạn tường thành bị mất chỉ còn móng, có thể xếp bổ sung đá ong mới cao hơn mặt đất vài ba hàng đá ong để khách tham quan có thể hình dung về quy mô của tường thành và phục vụ việc chắn đất tường thành sạt lở” (Văn bản số 18/DSVH-DT ngày 11-1-2011 thông báo Kết luận của Hội đồng khoa học ngày 28-12-2010).
Như vậy, các cơ quan quản lý cũng như các nhà khoa học đều khẳng định: Để bảo vệ di tích gốc tường Thành cổ Sơn Tây thì không thể không phát lộ, không thể không xếp thêm đá ong lên tường thành. Vậy thì câu hỏi đặt ra là việc “Cần tiếp tục sưu tầm thêm tư liệu, hình ảnh và phim lịch sử” có thực sự cần thiết trong điều kiện hiện nay hay không? Khoảng thời gian tìm kiếm tư liệu là bao lâu, trong thời gian đó có bao nhiêu trận mưa lớn xảy ra, làm ảnh hưởng đến di tích gốc, thiệt hại ra sao? Hơn thế, việc xếp thêm “một số lớp đá ong mới với kích thước tương tự như đá ong cũ lên trên các đoạn tường thành hiện còn” hay “có thể xếp bổ sung đá ong mới cao hơn mặt đất vài ba hàng” lên những đoạn chỉ còn móng sẽ có chiều cao là bao nhiêu, liệu có phải là 1,5m như đề xuất hay không? Chưa hết, trước khi có thông báo Kết luận của Hội đồng khoa học với một số nội dung như trên, ngày 7-1-2011, Cục Di sản văn hóa đã có văn bản số 09 gửi UBND thị xã Sơn Tây, yêu cầu “Đối với những đoạn tường thành cũ lộ trên mặt đất, có thể xếp thêm một đến hai hàng đá ong lên trên các đoạn tường thành hiện còn theo nguyên tắc đặt lùi vào so với tường đá ong cũ để bảo vệ. Đối với những đoạn tường thành bị mất chỉ còn móng, có thể xếp bổ sung đá ong mới cao hơn mặt đất tối đa ba hàng”…
Rõ ràng, việc thị xã Sơn Tây tiếp tục triển khai dự án là làm trái Kết luận của Hội đồng khoa học, thế nhưng, giải pháp mà Cục Di sản văn hóa đưa ra không rõ ràng, cụ thể ở đây là ngay cả trong hệ thống văn bản gửi thị xã Sơn Tây cũng chưa có sự thống nhất… Điều này khiến cơ sở lúng túng trong thực hiện. Điều đó một lần nữa cho thấy công tác quản lý, tu bổ di tích hiện nay còn rất nhiều bất cập, cần sớm được khắc phục.