Cần giải pháp tăng cường nền quản trị toàn cầu

Thế giới - Ngày đăng : 20:02, 01/03/2011

Ngày 28/2, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Pascal Lamy đã kêu gọi cộng đồng thế giới tìm các giải pháp thực tiễn để tăng cường nền quản trị toàn cầu nhằm xử lý tốt hơn các vấn đề toàn cầu của thế giới đương đại.

Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Pascal Lamy. (Nguồn: Reuters)


Phát biểu tại Viện Đại học châu Âu ở thành phố Florence, Italy, ông Lamy nhấn mạnh quản trị toàn cầu là vấn đề phức tạp vì trên thực tế đó là quá trình toàn cầu hóa các nền quản trị địa phương.

Thách thức đối với thế giới đương đại về quản trị toàn cầu là khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn đã cản trở việc thiết lập các tổ chức quốc tế có hiệu quả để đảm bảo thực thi một đường lối cố kết nhằm giải quyết những vấn đề thế giới đương đại.

Trong bối cảnh này, thế giới cần nỗ lực hành động nhằm thu hẹp khoảng cách trên để thiết lập những "cây cầu pháp lý" nối kết giữa các tổ chức toàn cầu.

Tổng Giám đốc WTO cho rằng có ba nhân tố cần thiết phải thúc đẩy để tăng cường hiệu quả quản trị toàn cầu. Một là sự lãnh đạo chính trị mà biểu hiện là tầm nhìn về xu thế phát triển. Hai là tính hợp pháp để đảm bảo quyền ra các quyết định định hướng những sự cải tổ. Ba là tính hiệu quả nhằm đưa các lợi ích của phát triển đến người dân với chi phí hợp lý.

Cộng đồng thế giới cần tìm ra phương thức mới để nối kết tốt hơn 3 nhân tố này của quản trị toàn cầu thông qua "tam giác cố kết" bao gồm Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi G20, Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế.

Tam giác cố kết của quản trị toàn cầu này đang nổi lên với các "cầu" nối kết G20 với các tổ chức quốc tế và Liên hợp quốc đã bắt đầu được xây dựng. Hiệu quả của quản trị toàn cầu đang được cải thiện thông qua việc thiết lập cơ chế hợp tác giữa các tổ chức quốc tế mà tổ chức hàng đầu là Liên hợp quốc.

Ông Lamy khẳng định công nghệ thông tin hiện đại có thể giúp nhân loại đạt được những chuyển đổi thành công tiến tới một nhận thức chung thống nhất. Tuy nhiên, nhân loại còn cần "đầu vào" nhiều hơn từ khoa học xã hội, không chỉ kinh tế, luật pháp, hay khoa học chính trị mà còn cần xã hội học, tâm lý học và nhân loại học.

Thế giới cần được thúc đẩy bởi những ý tưởng chứ không phải bản năng và quản trị toàn cầu cần phát triển theo hướng địa phương hóa các vấn đề toàn cầu./.

Theo TTXVN/Vietnam+