Giữ hồn quê
Nghị quyết và Cuộc sống - Ngày đăng : 07:23, 01/03/2011
Từ xưa, làng Đa Sỹ đã nổi tiếng với những đội múa rồng nghệ thuật, chuyên đi biểu diễn ở khắp nơi. Ngay từ hồi kháng chiến chống Pháp, ở làng đã xuất hiện nhiều nghệ nhân làm rồng "nức" thiên hạ. Theo thời gian, nghệ nhân lần lượt mất dần, nghề làm rồng cũng không còn được huy hoàng như trước, hiện nay làng chỉ còn duy nhất một đội múa rồng hoạt động. Đã có lúc, nghề làm rồng Đa Sỹ đứng trước nguy cơ mai một, bởi không còn mấy ai mặn mà với nghề này. Vậy mà ông Lê Ngọc Nguyện vẫn luôn trăn trở, biết nâng niu, quý trọng nghề làm rồng vải - cái nghề mà theo ông đã "được chắt lọc qua thời gian, với cả một công trình lao động nghệ thuật".
Khi còn ở tuổi thiếu niên, ông Lê Ngọc Nguyện đã rất say mê nghề làm rồng. Thuở ban đầu, "tài sản" trao cho ông là một con rồng có đầu được làm bằng sắt. Khi ấy, đội múa rồng phải vất vả lắm mới có thể thực hiện các động tác kỹ thuật với con rồng nặng gần 30kg này. Do đó, ông Lê Ngọc Nguyện đã có ý tưởng làm một con rồng nhẹ, đặc biệt là không thấm nước. Ông làm thử một con rồng đầu bằng mút, chỉ nặng 6kg: hàm, mang và sừng đều bằng mút, thân và đuôi làm từ vải lụa, mút và tre cật... Con rồng mới được làm thân dài uốn lượn vừa nhẹ nhàng, thanh thoát, vừa uyển chuyển và nhất là có thể múa được cả trong trời mưa - điều lâu nay không thể thực hiện được. Bởi vậy, con rồng "mới sinh ra" đã tạo được nét riêng "độc nhất vô nhị" lúc bấy giờ. Thế mà ông vẫn chưa bằng lòng, tự đặt câu hỏi: dùng vải lụa làm mình rồng được, vậy tại sao lại không dùng làm đầu? Đó mới chính là bước đột phá của ông Nguyện. Sau này, các con rồng do ông chế tác ra đều nhẹ nhàng "thả sức uốn lượn, vùng vẫy giữa trời mưa".
Không chỉ làm rồng để giải trí, ông còn cung cấp đi khắp các vùng trong nước và xuất ngoại. Hơn 10 năm trước, một người Mỹ tìm đến đặt mua một con rồng vải dài 18m vì biết ông là người làm được con rồng vải hoàn toàn thủ công. Sau đó, ông xuất được 3 con rồng sang quốc gia này, rồi sang CHLB Đức…
Thương hiệu "Rồng Đa Sỹ" không chỉ tỏa "tiếng thơm" đi bao miền quê nước Việt mà còn vươn tới những phương trời xa, điều này không phải nghệ nhân làm rồng nào ở Việt Nam cũng có được. Đó cũng là niềm tự hào của nghệ nhân Lê Ngọc Nguyện.
* Bài dự thi "Nét đẹp người Thủ đô" xin gửi về hộp thư điện tử:netdep@hanoimoi.com.vn