Vn-Index mất điểm vào cuối phiên
Tài chính - Ngày đăng : 12:14, 28/02/2011
Theo Công ty Chứng khoán VNDirect, trong phiên cuối tuần qua, cho dù thị trường có một phiên giao dịch khá tích cực về mặt điểm số nhưng các chỉ số kỹ thật chưa cho tín hiệu rõ nét về xu hướng phục hồi của thị trường. Việc thị trường tăng điểm sau chuỗi ngày giảm chỉ được coi là sự điều chỉnh. Hệ lụy của những vấn đề tỷ giá, lạm phát, giá xăng, điện tăng… sẽ vẫn tồn tại trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và còn tiếp tục tác động không nhỏ đến thị trường.
Trở lại phiên hôm nay (28/2), ở đợt khớp lệnh đầu, Vn-Index tăng nhẹ 0,16 điểm, tương đương 0,03%, lên mức 467,12 điểm. Khối lượng giao dịch đạt mức thấp với 807.070 cổ phiếu, tương ứng giá trị trên 19 tỷ đồng.
Vn-Index và HNX-Index đảo chiều mất điểm trong phiên đầu tuần. Ảnh minh họa |
Sang đợt khớp lệnh liên tục, lúc đầu chỉ số chung giảm nhẹ nhưng sau đó có thời điểm tăng tới gần 7 điểm nhờ một số mã có vốn hóa lớn tăng kịch trần. Tuy nhiên đến cuối đợt này VN-Index chỉ còn tăng 0,51 điểm, đạt 467,47 điểm. Về cuối phiên, lực bán ra được tăng cường tại các cổ phiếu lớn, vì thế Vn-Index giảm 5,59 điểm, tương đương 1,2%, còn 461,37 điểm.
Cổ phiếu giảm giá chiếm áp đảo trong phiên này với 152 mã đi xuống, 73 mã đi lên và 60 mã giữ giá tham chiếu. Nhóm cổ phiếu lớn đua nhau giảm giá: DIG, STB hạ 300 đồng/cổ phiếu; DPM, SSI mất 800 đồng/cổ phiếu; EIB, GMD hạ 200 đồng/cổ phiếu; FPT, REE giảm 500 đồng/cổ phiếu; HAG mất 1.200 đồng/cổ phiếu; HPG hạ 1.300 đồng/cổ phiếu; ITA giảm 600 đồng/cổ phiếu; OGC giảm 400 đồng/cổ phiếu; VIC hạ 1.000 đồng/cổ phiếu. Đáng chú ý là BVH giảm hết biên độ 3.500 đồng xuống mức 71.500 đồng/cổ phiếu; KBC giảm hết mức cho phép 1.500 đồng còn 30.300 đồng/cổ phiếu; PVF giảm kịch sàn 1.100 đồng xuống mức 21.000 đồng/cổ phiếu. Mặc dù CTG tăng kịch trần 1.200 đồng lên 26.500 đồng/cổ phiếu và MSN tăng hết biên độ 3.500 đồng, đạt 83.000 đồng/cổ phiếu, rồi VCB ghi 200 đồng/cổ phiếu, VPL tăng 500 đồng/cổ phiếu nhưng cũng không giúp nhiều cho thị trường trong phiên này.
Khối lượng giao dịch tăng so với phiên trước nhưng vẫn ở mức thấp. Điều này cho thấy, dòng tiền chưa chảy vào thị trường. Đây là nỗi lo ngại trên thị trường hiện nay. Tính cả giao dịch thỏa thuận toàn thị trường hôm nay có trên 34,263 triệu đơn vị được chyyển nhượng, giá trị đạt 768,582 tỷ đồng.
SSI là mã có tính thanh khoản tốt nhất thị trường, chiếm 7,82%, tương đương với trên 2,307 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng. Tiếp đến là CTG với 2,280 triệu cổ phiếu. Các vị trí tiếp theo thuộc về ITA (gần 1,5 triệu cổ phiếu), ITC (hơn 1 triệu cổ phiếu). Các mã còn lại đều đạt khối lượng dưới 1 triệu đơn vị.
Cùng chiều với sàn Tp.HCM, trên sàn Hà Nội, HNX-Index mất 1,49 điểm, tương đương 1,53%, HNX-Index còn 95,87 điểm. Toàn thị trường có gần 32 triệu cổ phiếu được sang tay, giá trị xấp xỉ 500 tỷ đồng.
Trái ngược với hai sàn chính thức, trên sàn dành cho cổ phiếu chưa niêm yết UPCoM-Index tạm dừng ở mức 40,23 điểm khi đóng cửa phiên buổi sáng, tăng 0,62 điểm (+1,57%). Giao dịch ở mức thấp với 126.200 cổ phiếu được chuyển nhượng, tương ứng giá trị 1,675 tỷ đồng.