Chung tay vì sức khỏe cộng đồng

Đời sống - Ngày đăng : 06:53, 28/02/2011

(HNM) - Lễ hội Xuân Hồng do Viện Huyết học và Truyền máu TƯ phối hợp với Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện (HMTN) TP Hà Nội, Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội tổ chức mới đây đã thu hút 21.000 người tham gia, trong đó 12.000 người trực tiếp hiến hơn 5.600 đơn vị máu.

Tết Tân Mão 2011 vừa qua cũng là Tết đầu tiên các cơ sở y tế không bị thiếu máu điều trị. Mặc dù vậy, theo PGS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng, số lượng máu mà viện tiếp nhận mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu cấp cứu và điều trị của bệnh nhân trong năm.

ĐVTN thành phố Hà Nội hiến máu nhân đạo tại Viện Huyết học và Truyền máu TƯ. Ảnh: Linh Tâm


Cần có kho máu an toàn
Mặc dù có thuốc tốt, thầy thuốc giỏi nhưng mỗi năm vẫn có hàng trăm bệnh nhân rơi vào cảnh tuyệt vọng vì không có máu để cấp cứu. Lượng máu cung cấp so với nhu cầu điều trị như "muối bỏ bể". Năm 2010, cả nước thu gom được 670.435 đơn vị máu, trong đó 84,1% là từ người HMTN (tăng 26,1% so với năm 2009). Tuy vậy, ông Nguyễn Anh Trí cho biết, số máu này mới đủ đáp ứng cho nhu cầu điều trị, cấp cứu bình thường, còn điều trị kỹ thuật cao như ghép gan thì phải lâu nữa chúng ta mới đáp ứng được. Vì thế, tình trạng thiếu máu tại các bệnh viện vẫn luôn xảy ra. Trong khi đó, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), muốn bảo đảm an toàn truyền máu quốc gia thì mỗi năm cần lượng máu thu gom tối thiểu từ 2% dân số. Để đạt con số này, Việt Nam phải thu gom được ít nhất 1,7 triệu đơn vị máu mỗi năm và 100% nguồn máu phải từ những người HMTN - được cho là có tỷ lệ an toàn cao.

Theo các cán bộ huyết học, máu an toàn là máu phải được lấy từ người có lượng hemoglobin, số lượng bạch cầu, tiểu cầu, các chỉ số của tế bào máu... ở giới hạn bình thường; phải được sàng lọc các tác nhân lây qua đường truyền máu (hiện tại là phải sàng lọc HIV, viêm gan B, viêm gan C, giang mai, sốt rét), phải được bảo quản, phân phối đúng quy trình. Nhưng trong thực tế, chất lượng máu đang là vấn đề bức xúc hiện nay ở nước ta, bởi tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm các bệnh từ virút như HIV, viêm gan, sốt rét... do nhiều nguyên nhân, một trong số đó là phần lớn lượng máu thu được từ "đội quân" bán máu chuyên nghiệp, chất lượng máu chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Nguồn máu thu được từ người hiến tự nguyện thì khác, có độ an toàn rất cao.

Biến nhận thức thành hành động nhân đạo
Máu là phương thuốc đặc biệt và duy nhất có thể cứu sống người bệnh bị mất máu hoặc thiếu máu. Tại lễ hội Xuân Hồng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã đánh giá cao tấm lòng nhân ái của những người HMTN. Người hiến máu không chỉ là ân nhân mà thực sự là những người anh hùng đối với người bệnh cần máu. Một trong những tổ chức tập hợp, vận động hàng nghìn đối tượng HMTN được ghi nhận là Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội.

Thành lập từ ngày 24-1-1994, hội là tổ chức tình nguyện của thanh niên Thủ đô, là nòng cốt trong việc tuyên truyền, vận động cho phong trào hiến máu nhân đạo. Qua 17 năm hoạt động, hiện nay hội đã có 8 chi hội, 16 câu lạc bộ, 53 đội tuyên truyền với hơn 20.000 lượt hội viên, tuyên truyền viên. Lượng máu thu được nhờ sự tuyên truyền vận động của hội chiếm hơn 30% tổng lượng máu thu được trên toàn địa bàn thành phố Hà Nội. Tính riêng 10 tháng năm 2010, hội đã trực tiếp vận động HMTN được gần 19.000 đơn vị máu. Ngoài việc tham gia tuyên truyền vận động hiến máu, các cán bộ, hội viên, tuyên truyền viên của hội còn là lực lượng hiến máu chính trong những dịp khan hiếm máu như hè và Tết Nguyên đán. Chủ tịch Hội Ngô Mạnh Quân nhận định, đây thực sự là ngôi nhà chung của những tấm lòng nhân ái. Với nhiệt huyết tuổi trẻ, với tình yêu thương dành cho người bệnh, các cán bộ, tuyên truyền viên, hội viên sẽ tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa sức trẻ của mình vì sức khỏe cộng đồng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết, dự kiến năm 2011 các cơ sở y tế trên cả nước sẽ cần khoảng 740.000 đơn vị máu cho nhu cầu điều trị. Theo đó, Ban Chỉ đạo quốc gia vận động HMTN đề ra mục tiêu đạt 800.000 đơn vị máu. Vì thế, hoạt động hiến máu năm nay sẽ tiếp tục được đẩy mạnh với việc đa dạng hóa đối tượng HMTN, phân đoạn đơn vị tổ chức hiến máu theo thời điểm cụ thể. Tuy nhiên, để mục tiêu thành hiện thực, mỗi tổ chức, cá nhân cần hiểu rõ tầm quan trọng của việc hiến máu, từ đó biến nhận thức thành hành động nhân đạo. Có như vậy chúng ta mới bảo đảm có được nguồn cung cấp máu an toàn, bền vững.

Đức Trung