Nỗi ám ảnh toàn cầu
Thế giới - Ngày đăng : 06:11, 28/02/2011
Giá tiêu dùng leo thang khiến lạm phát tại châu Âu tăng cao. |
Cảnh báo của "ông trùm" hệ thống tài chính Lục địa già phát đi giữa lúc không chỉ châu Âu mà cả châu Á đang quay cuồng trong cơn bão lạm phát. Đây quả là bài toán khó tại nhiều quốc gia hiện nay trước mục tiêu hài hòa tăng trưởng và kiềm chế giá thời hậu suy thoái.
Cảnh báo tăng lương nêu trên chẳng khác nào gáo nước lạnh dội vào kế hoạch tăng lương được cho là không ảnh hưởng đến lạm phát mà Đức, Tây Ban Nha… đang ấp ủ như một phần của Hiệp ước Cạnh tranh mới. Với thực tế là lạm phát khu vực đồng euro đã lên mức 2,4%, cao hơn quy định trần 2% của ECB thì chương trình tăng lương của Thủ tướng Đức Angela Merkel và Bộ trưởng Kinh tế Rainer Bruederle có khả năng sẽ khiến "con ngựa" giá cả phi nước đại. Nói một cách khác, bơm thêm tiền vào thị trường đang bắt đầu dư thừa thanh khoản - dấu hiệu của lạm phát - tại châu Âu sẽ chỉ tạo thêm thách thức cho các nỗ lực bình ổn giá nhằm giữ vững đà hồi phục sau khủng hoảng. Quan điểm của ông chủ ECB là nếu chưa có phương cách hữu hiệu trước sự bùng nổ của giá nhiên liệu và hàng hóa như vừa diễn ra trong ít ngày qua thì hãy làm mọi cách để tránh một hiệu ứng vòng hai. Như thế, tăng lương vào lúc này được nhìn nhận như một kế sách giúp ổn định thị trường nói riêng và xã hội nói chung sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn là tăng sức hấp dẫn cho Eurozone đúng lúc cả khu vực chưa thật sự thoát khỏi vòng xoáy nợ công.
Sau một thời gian dài lao tâm khổ tứ đối phó với nguy cơ giảm phát, giờ đây, châu Âu cũng không nằm ngoài phạm vi tác động của "cơn bệnh" lạm phát trên quy mô toàn cầu đang được tiếp sức bởi giá các mặt hàng thiết yếu và dầu mỏ chưa có dấu hiệu dừng lại.
Trận chiến giá cả đang trở thành đề tài thời sự nhất; đồng thời là nỗi lo thường trực của người dân và chính phủ ở hầu hết các quốc gia. Trong đó, châu Á được xem là tâm bão. Không có chuyên gia nào nghi ngờ thực tế lạm phát đã trở thành mối đe dọa lớn nhất với tất cả các nền kinh tế trong châu lục. Các số liệu thống kê liên tục cho thấy những con số đáng quan ngại khi lạm phát tại Trung Quốc trong tháng 1 là 4,9%, Ấn Độ lên đến 8,2%, Indonesia duy trì 7% trong khi tại Singapore, chỉ số giá tiêu dùng đã vượt xa dự báo và tăng tới 5,5%... Các nhà phân tích chỉ ra rằng nguyên nhân khiến châu Á thành tuyến đầu của cuộc chiến lạm phát oái oăm thay lại là do châu lục này có mức độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới, vượt xa Mỹ và châu Âu trong thời gian vừa qua. Đây là tác động ngược của tình trạng phát triển quá nóng từ các nền kinh tế, nhất là Trung Quốc trong thời gian qua. Vào lúc này, ngoài sử dụng lãi suất để hạn chế dòng tiền trên thị trường, nhiều chính phủ các nước châu Á đã tăng các khoản trợ cấp để giảm sức ép giá cả lên đời sống của người dân; đồng thời làm giảm sức nóng của thị trường lương thực, thực phẩm... Tuy nhiên, liệu pháp tình thế này lại có mặt trái nguy hiểm của nó là có thể làm biến dạng nền kinh tế và tăng lạm phát hơn nữa do khuyến khích người tiêu dùng chi vượt khả năng tài chính của họ.
Vượt lên sự mất giá của các đồng tiền trên cả hai lục địa Á, Âu - được nhìn nhận như hệ quả tất yếu của lạm phát - nỗi ám ảnh lạm phát còn nặng nề hơn do giá hàng hóa vượt ngoài tầm kiểm soát từng tàn phá nền kinh tế thế giới gần 3 năm trước đây đang có cơ trở lại. Mối lo lắng này không thể sớm thuyên giảm khi những sóng gió mới từ vựa dầu của thế giới là Trung Đông và châu Phi chưa nguôi giữa lúc con tàu kinh tế thế giới vừa vượt qua giông tố. Đây thực sự là một thách thức lớn, đòi hỏi sự đồng lòng vượt qua khó khăn hiện nay của người dân cùng các chính phủ không chỉ tại khu vực được cho là ổn định về kinh tế như Eurozone mà còn với tất cả phần còn lại của thế giới.