Xuất khẩu lao động vẫn là hướng làm giàu cho nông dân
Đời sống - Ngày đăng : 16:10, 27/02/2011
Nhà cao tầng mọc lên san sát. |
Yên tâm vì có Đảng và Nhà nước:
“Dân chúng tôi đổi đời được cũng là nhờ đi xuất khẩu lao động, vài năm trở lại đây, cơ sở hạ tầng của xã được khang trang thế này cũng nhờ nhiều vào tiền đóng góp của các hộ gia đình có người đi làm ở nước ngoài”- anh Nguyễn Đình Hải, Bí thư Đảng bộ xã Châu Sơn tâm sự. Theo anh Hải, tính đến đầu năm 2011, xã anh có 240 người đi xuất khẩu lao động, trung bình cứ khoảng 4 hộ thì có 1 hộ có người đi lao động nước ngoài. Thị trường chính là các nước Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ả Rập, Libya... Hỏi anh về tình hình căng thẳng đang diễn ra tại Libya, anh nói “lo thì chẳng tránh khỏi, nhưng người xã mình không ở các thành phố có chiến sự. Vả lại trong tình huống không may thì cũng nên lạc quan vì Đảng và Nhà nước luôn có phương án bảo vệ công dân nước mình, nếu không an toàn chắc chắn người lao động sẽ được đưa về nước”.
Chị Mai (29 tuổi) có chồng là anh Tuân đi xuất khẩu lao động tại Libya tâm sự, “chồng tôi đi cũng được 4 năm, anh làm công nhân chế biến nông sản, mỗi tháng cũng gửi về cho gia đình được 8 triệu”. Hỏi chị có biết tình hình chiến sự đang diễn ra tại Libya không, chị nói biết nhưng vì anh Tuân gọi điện về dặn cả nhà yên tâm vì nơi anh ở cách xa chỗ có chiến sự nên “gia đình cũng yên tâm hơn. Hơn nữa, mấy ngày nay chúng tôi cũng theo dõi tình hình thời sự trong nước thấy các chương trình liên tục nói về chuyện lo đưa người lao động Việt Nam ở Libya về nước hoặc sơ tán ra nơi an toàn”.
Đổi đời vì kinh tế khởi sắc:
Chẳng riêng gì anh Hải, bác Nguyễn Khắc Nhụm, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh của xã cũng rất tự hào “Đời sống dân xã Châu Sơn chúng tôi đã khá lên trông thấy, các anh chị đi đâu trong xã cũng sẽ nhìn thấy những ngôi nhà cao tầng, xây rất đẹp”.
Xã Châu Sơn vốn là một địa phương thuần nông, thuộc vùng xa của xã Ba Vì (nhất là so với Thủ đô Hà Nội). Cách đây 10 năm, kinh tế xã rất nghèo, người dân chủ yếu sống bằng nghề làm ruộng nên phần lớn các gia đình đều rơi vào tình trạng thiếu đói. Và ngay cả bây giờ, nhà làm nông giỏi cũng chỉ có thu nhập từ 10 đến 12 triệu một năm. Từ ngày có phong trào đi xuất khẩu lao động, mỗi tháng gia đình ở nhà cũng nhận được từ 4 đến 7 triệu đồng một tháng từ người thân bên nước ngoài. Vì thế mà kinh tế khá lên trông thấy. Trái với hình ảnh cách đây 10 năm nghèo đói, xã Châu Sơn ngày nay hiện lên với nhiều nhà tầng khang trang, hiện đại mà khó có thể thấy ở các vùng nông thôn khác.
Chị Hải Yến vui vẻ chia sẻ. |
Nhạy bén, nắm bắt thời cơ:
Xã Châu Sơn là đơn vị đi đầu trong công tác xuất khẩu lao động trong toàn thành phố Hà Nội. Nếu như Đề án Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020 của Chính Phủ mới thực hiện được 2 năm thì tại xã Châu Sơn, công tác xuất khẩu lao động đã triển khai được 10 năm. Nhờ có sự giúp đỡ của anh Tô Văn Hải, công an tỉnh (Hà Tây cũ) giới thiệu những địa chỉ môi giới có uy tín mà có đến khoảng 2000 lượt đi xuất khẩu lao động thành công trong những năm qua. Đến được với những cơ sở uy tín, tìm hiểu thông tin tuyển dụng kỹ càng, thăm dò thị trường các quốc gia có nhu cầu tuyển lao động, đó chính là những kinh nghiệm của xã Châu Sơn nói riêng và người dân các nơi nói chung.
Chiến sự tại Libya khá căng thẳng khiến nhiều người lo ngại đi xuất khẩu lao động không chỉ ở Libya mà cả những quốc gia khác. Tuy nhiên, với những con người nơi đây, điều đó không phải là điều đáng ngại. Vấn đề chỉ là ở bản thân có quyết tâm ra đi để thay đổi cuộc sống khó khăn của gia đình hay không. Vì phong trào xuất khẩu lao động ở đây đã có từ rất lâu, cộng thêm vô vàn các tấm gương thay đổi bộ mặt kinh tế hộ gia đình khiến người dân Châu Sơn vẫn giữ vững nhiệt huyết.
Đâu đó có những mặt trái của việc xuất khẩu lao động như bị lừa đảo, gia đình lục đục hay bị tai nạn nghề nghiệp... Nhưng những điều đó là do bản thân người tham gia xuất khẩu lao động không có sự chuẩn bị kĩ càng về kiến thức và tinh thần, người đi làm và người ở nhà không giữ vững được lập trường, niềm tin hay điều kiện sức khoẻ không đủ điều kiện.
Tình hình bất ổn an ninh tại các quốc gia có người Việt lao động là những tình huống hi hữu. Khi người lao động Việt Nam có nguy cơ phải chịu ảnh hưởng, Đảng và Nhà nước sẽ có sự quan tâm và giúp đỡ. Vì thế, cách nghĩ và hành động của người dân Châu Sơn là hoàn toàn có cơ sở, không có gì quý hơn việc thay đổi bộ mặt kinh tế gia đình dưới sự giúp đỡ hết mình của Đảng và Nhà nước.