Người khám phá lịch sử bằng thơ

Văn hóa - Ngày đăng : 07:54, 27/02/2011

(HNM) - Một kiến trúc sư (KTS) thuộc lứa trẻ nhất của thế hệ 7X đã dành gần 10 năm  để nghĩ suy và viết hơn 3 vạn câu thơ về lịch sử và văn hóa nước nhà. Sau 3 tập truyện thơ


Đi dọc chiều dài đất nước
Ra trường, ai cũng hăm hở đi tìm việc, mà có việc ở Thủ đô thì càng tốt. Nhưng chàng trai Hà Nội Nguyễn Khánh Toàn lại khoác ba lô đi thực tế ở  nhiều vùng miền. Đi kiểu "ta ba lô" để trải nghiệm cuộc sống. Vừa đi, vừa làm việc để có tiền đi tiếp. Trên con tàu lắc lư dọc chiều dài đất nước, dường như anh cảm nhận sâu sắc hơn những lớp lang của lịch sử văn hóa nước nhà. Động lực ấy là từ nghề nghiệp, đi để lý giải bản sắc kiến trúc đất nước mình. Nhìn khắp những gì mà cha ông để lại, đâu đâu cũng đọc thấy ẩn số người xưa gửi đến mai sau… Vài năm rong ruổi, Hà Nội là chốn dừng sau mỗi bận đi về. Nguyễn Khánh Toàn nhớ lại: "Đi để mà biết chứ còn chuyện viết lách thì lúc đó chưa hề có khái niệm gì".

Những chuyến đi đã thôi thúc những con chữ trong Toàn không thôi xao động. 6 chương với 16 hồi của phần I bộ truyện thơ "Con Hồng cháu Lạc" đã ra đời (năm 2004, NXB Văn hóa Thông tin), bao quát những câu chuyện lịch sử dân tộc từ thuở hồng hoang cho tới thời Bà Triệu. Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử ngỡ ngàng…, trong đó nhà sử học Nguyễn Hải Kế thốt lên: "Tôi đọc trong xúc động!".

Hình như người trẻ nào cũng giấu trong mình nhiều nỗi băn khoăn về bản thân, rộng hơn là xã hội. Khi những gì trong sách vở chưa thỏa mãn được nỗi băn khoăn đó, họ lại dấn thân vào cuộc đời. KTS Nguyễn Khánh Toàn chọn hướng ra nước ngoài sau khi đã trải qua nhiều môi trường làm việc. Những tháng ngày đó anh càng có dịp nhận rõ hơn bản sắc văn hóa Việt Nam.

Bộ truyện thơ hay niềm tự hào dân tộc
Nguyễn Khánh Toàn cảm nhận những rung động đầu tiên về lịch sử qua chương trình học bình thường như bao người khác, nhưng có lẽ vì đam mê hay vì "sứ mệnh" nào đó, Toàn đã xông xáo vào địa hạt rộng lớn này. Toàn nói đã tham khảo những tài liệu như "Lịch sử Việt Nam", "Lịch sử Việt Nam bằng tranh", "Bản sắc văn hóa Việt Nam", "Bàn về văn hiến Việt Nam", "Việt sử giai thoại", "Lịch sử Trung Quốc"… và còn nhiều nhiều nữa. Song, kiến thức là một chuyện, sáng tác bằng bút pháp cổ điển như thể thơ song thất lục bát không dễ chút nào. Rồi vốn từ vựng, rồi cách đối thoại mang màu sắc cổ điển, Toàn chia sẻ, đã tìm thấy từ các thể diễn xướng tiêu biểu của dân tộc như tuồng, chèo, dân ca, hò, vè, cải lương,  từ những tác phẩm kinh điển đã thành khuôn vàng thước ngọc biểu thị cho tâm hồn, cốt cách Việt Nam.

Ngần ấy có thể còn chưa đủ để tạo nên một tác phẩm thi ca, trong mỗi câu chữ phải là một tâm hồn nhạy cảm và một trí tưởng tượng không giới hạn trên nền cảm hứng về lòng tự hào dân tộc.

Sau phần II (từ Vạn Xuân - Lý Nam Đế cho tới Đại Cồ Việt - Đinh Tiên Hoàng), Nguyễn Khánh Toàn tiếp tục trình làng phần III (năm 2010) dày dặn với 5 chương từ thời vua Lê Đại Hành đến khi nhà Lý suy vong. Ba tập sách, trải biết bao triều đại với bao biến cố, thăng trầm... nhưng Nguyễn Khánh Toàn, với cách tư duy rất riêng của mình, đã tìm trong bức tranh tổng quát của lịch sử ấy là những số phận con người. Từ những nhân vật huyền thoại Thánh Gióng, Mai An Tiêm… đến những nhân vật lịch sử như Mỵ Châu, Hai Bà Trưng,        Bà Triệu, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Ỷ Lan… tất cả đều hiện lên sinh động, gần gũi, với những suy tư và trăn trở về nhân tình thế thái…

"Trí tưởng tượng đã giúp tôi hóa thân vào từng nhân vật, tôi sống với những nỗi niềm mà họ mang theo" - Toàn nói.

Ba tập sách của anh đều nhận được sự chia sẻ của nhiều nhà sử học. Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: "Đây là cuốn sách không kén chọn người đọc" và nhà sử học Lê Văn Lan coi đây là bộ "Trường thiên Sử ca". Tại sân thơ hiện đại (Ngày thơ Việt Nam 2011), thi quán Nguyễn Khánh Toàn cũng gây bất ngờ cho người đọc nhiều thế hệ.

Say mê và bền bỉ, Toàn "quyết theo cuộc chơi cho đến 70 tuổi". Câu nói vui, nhưng không phải là không có ý, dường như anh không chỉ làm thơ mà còn ấp ủ một điều gì đó lớn hơn.

Nội lực văn hóa
Bạn đọc sẽ hiểu hơn về sự ra đời hàng vạn câu thơ lịch sử trên khi biết Nguyễn Khánh Toàn đã sáng tạo nên Triết lý Cộng sinh đầy nhân bản, trên cơ sở tìm hiểu về văn hóa Việt Nam. Ở tuổi 32 (năm 2008), Nguyễn Khánh Toàn đã ngẫm "Văn hóa, kinh tế và chính trị là ba chân kiềng tạo nên nền móng quốc gia, giữa chúng luôn có quan hệ qua lại, tác động lẫn nhau không thể tách rời. Tuy nhiên, chỉ khi nào văn hóa làm kẻ tiên phong dẫn đường cho kinh tế và chính trị thì lúc đó dân tộc ấy mới thực sự trở nên hùng cường và thịnh vượng" (tác phẩm "Xã hội cộng sinh"). Trở lại bộ "Con Hồng cháu Lạc", Nguyễn Khánh Toàn cho biết lúc đầu viết ra không dám chia sẻ cùng ai, bởi vấn đề dường như to tát quá. Nhưng càng viết càng thấy mình "say". Ngẫm xung quanh thấy những nước làm kinh tế giỏi đều nhờ vào việc phát huy nội lực văn hóa mà thành. "Nước ta có cả một hệ thống các giá trị văn hóa còn tiềm ẩn, hà cớ gì lại không hưng thịnh hơn?".

Anh quan niệm, trong mỗi người đều có một "chủng tử"- (mầm) và khi được kích hoạt nó sẽ tìm được sợi dây liên hệ với quá khứ, làm chỗ dựa cho nội tại để hướng đến tương lai.

Câu chuyện của Toàn khiến ta không thể không kết nối tới nhiều chân dung những người trẻ tuổi khác như nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai (nhóm "Chắp cánh ước mơ"), như Nguyễn Quang Thạch (mô hình đưa sách về nông thôn)… Nguyễn Khánh Toàn là một hiện tượng thú vị, nhưng hòa chung trong dòng chảy mạnh mẽ của những người ở độ tuổi thanh xuân, có tâm và có tầm vì sự hưng thịnh của quốc gia.

Thi Thi