Siết chặt quản lý, giảm sức ép tăng giá lên đời sống

Đời sống - Ngày đăng : 07:44, 26/02/2011

Thông tin phải rõ ràng, minh bạch

Việc bình ổn giá sẽ giúp ổn định thị trường, giảm sức ép cho người dân và các doanh nghiệp. Ảnh: Trung Kiên

Bà Trần Thu Hồng (phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân):
Thông tin phải rõ ràng, minh bạch

Ngay sau khi tỷ giá USD được ngân hàng điều chỉnh tăng thêm 9,3%, vàng và ngoại tệ đã đua nhau tăng giá theo; tiếp đó là giá điện được Chính phủ phê duyệt tăng bình quân 165đ/kWh... Trước những sức ép như vậy, giá các mặt hàng thiết yếu tăng là điều không thể tránh khỏi. Nhà nước đã có nhiều biện pháp kịp thời nhằm bình ổn giá nhưng thực tế là chúng ta phải chấp nhận một mặt bằng giá mới. Để tránh tâm lý lo lắng thái quá, dẫn đến những phản ứng tiêu cực của xã hội, chúng ta cần thông tin rõ ràng, minh bạch, giải thích tác động cụ thể của việc điều chỉnh giá để giúp người dân có lòng tin vào các chính sách điều tiết kinh tế của Nhà nước.

Ông Phạm Phong Hải (xã Ninh Sở, huyện Thường Tín):
Xử phạt nghiêm các vi phạm về giá

Theo tôi, một trong những biện pháp bình ổn giá cả hiệu quả là cơ quan chức năng cần kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi kinh doanh gian lận, găm hàng, đầu cơ, lợi dụng tăng giá để "bắt chẹt" khách. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có các biện pháp vĩ mô để bình ổn giá như hạ lãi suất ngân hàng nhằm giảm chi phí sản xuất, nhất là vào những thời điểm "nhạy cảm", giảm thuế nhập khẩu cho những mặt hàng thiết yếu...

Chị Đỗ Thị Thu Hồng (Mộ Lao, Hà Đông):
Tạo điều kiện để các DN đẩy mạnh sản xuất

Trên Báo Hànộimới số ra gần đây có bài viết về đời sống của người công nhân thời "bão" giá, tôi thấy thật đồng cảm với họ. Là một công chức bình thường, thu nhập của vợ chồng tôi cũng phải dè xẻn cho một gia đình có 4 miệng ăn, nay lại thấy lo lắng gấp bội khi giá xăng dầu, vàng, đô la hằng ngày "nhảy múa"… Tôi chỉ mong muốn một điều đơn giản là Chính phủ phải làm thế nào để kích thích được các doanh nghiệp phát triển bền vững, loại trừ hẳn những doanh nghiệp "ma", những tập đoàn "rỗng"… Trong lúc khó khăn này, các doanh nghiệp rất cần được Nhà nước trao cho một cơ chế thích hợp để có thể ổn định và đi lên.

Tuankiet72@yahoo...:
Tránh việc nhiều mặt hàng đồng loạt tăng giá

Không thể phủ nhận rằng, động thái điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua đã tạo cơ hội tốt cho mục tiêu xuất khẩu, hạn chế nạn đầu cơ chợ đen… Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng, đó chỉ là giải pháp tình thế. Ngay sau khi việc này được báo chí thông tin, hàng loạt mặt hàng tiêu dùng thiết yếu và đặc biệt đã đồng loạt tăng giá, khiến tâm lý người tiêu dùng vô cùng bất an. Thiết nghĩ, để góp phần bình ổn thị trường, tạo sự ổn định trong dân, Nhà nước cần nhanh chóng đưa ra những biện pháp can thiệp mạnh vào thị trường như yêu cầu các ngành, đơn vị đưa ra một lộ trình tăng giá, tránh tình trạng tăng giá đột ngột, nhiều mặt hàng cùng đồng loạt tăng giá, gây áp lực lớn lên đời sống xã hội.

Ông Nguyễn Tiến Lộc (phường Kim Mã, quận Ba Đình):
Tạo thị trường cạnh tranh, dần loại bỏ độc quyền

Trong xu thế giá cả của nhiều mặt hàng lương thực, dầu mỏ trên thị trường thế giới tăng cao, việc điều chỉnh tăng giá điện, xăng dầu tại Việt Nam là điều khó tránh khỏi. Để tránh gây ra sức ép cho người dân và doanh nghiệp, Chính phủ phải kiểm soát tốt thị trường, dần tạo thị trường cạnh tranh lành mạnh, tránh độc quyền. Ví dụ điển hình là ngành viễn thông. Trước đây, khi chỉ có mạng Vinaphone, giá cước viễn thông mà người dân phải chịu đứng "top" đầu khu vực. Thế nhưng, với sự xuất hiện của các mạng khác như Viettel, HT Mobile..., các DN phải cạnh tranh để giành khách hàng nên giá cước viễn thông đã liên tục giảm.

Bà Phạm Minh Tâm (nhân viên văn phòng, Công ty TSC Việt Nam):
Chống tình trạng "té nước theo mưa"

Với việc điều chỉnh tỷ giá USD/VND, tăng giá xăng dầu và tăng giá điện, người dân phải thích ứng với mặt bằng giá cả mới là điều có thể tiên lượng trước. Tôi biết rằng, Chính phủ đặt mục tiêu chống lạm phát là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay. Song, có một thực tế là có việc tăng giá do tâm lý, tăng giá hàng hóa theo phong trào, "té nước theo mưa". Vì vậy, Chính phủ cần phải có cơ chế kiểm soát hiện tượng này, phải xử lý triệt để lợi dụng việc tăng giá của mặt hàng này để đẩy giá mặt hàng khác lên.

Ông Nguyễn Trí Đức (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ):
Tăng giá xăng là cần thiết

Từ 10h ngày 24-2, giá xăng A92 tăng từ 16.400 đồng lên 19.300 đồng một lít, vượt cả kỷ lục năm 2008 khiến không ít người "sốc". Nhưng nếu nhìn một cách toàn diện thì chuyện xăng dầu tăng giá là chuyện không thể đừng được. Trên thế giới, lần đầu tiên trong vòng hai năm rưỡi, ngày 23-2 vừa qua, giá dầu thô đã lên đến 100USD mỗi thùng. Còn tại thị trường trong nước nhiều ngày qua, các DN nhập khẩu đã chịu cảnh lỗ nặng. Cơ quan chức năng đã liên tục áp dụng các biện pháp giảm thuế nhập khẩu (TNK), bù lỗ bằng quỹ bình ổn nhưng đến thời điểm này TNK đã giảm đến mức thấp nhất 0% và quỹ bình ổn cũng dốc đến đồng cuối cùng. Trong khi đó, nạn đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá đã xuất hiện khắp nơi, gây tâm lý bất an cho người tiêu dùng. Thêm nữa, do mức chênh lệch giá bán xăng dầu của Việt Nam với các nước lân cận khá cao, khiến nạn xuất lậu xăng dầu diễn biến ngày càng phức tạp tại các vùng biên. Nếu giá xăng dầu bị kìm giữ trong thời gian dài, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển chung của nền kinh tế.

Bà Hoàng Thùy Liên (phường Định Công, quận Hoàng Mai):
Nhiều mặt hàng đã "ăn theo" giá xăng, giá điện

Sáng nay (25-2), tôi ra đầu ngõ gọi anh "xe ôm" đưa đến nhà con gái ở phố Thái Thịnh, Đống Đa. Hằng ngày, quãng đường này tiền công của anh xe ôm là 25.000 đồng nhưng hôm nay anh ta đòi 30.000 đồng, nguyên nhân cũng chỉ vì giá xăng tăng. Không chỉ có các dịch vụ vận tải, vận chuyển tăng giá, các mặt hàng thực phẩm ở chợ cũng đang nhích lên từng ngày. Rõ ràng, việc giá cả hàng hóa tăng hiện nay phần lớn là do tâm lý. Cứ đà này, người dân phải chấp nhận một mặt bằng giá mới ngay ở đầu tháng 3 trong khi đến tận tháng 5, lương cơ bản mới tăng. Điều này gây khó khăn không nhỏ cho cuộc sống hằng ngày của CB-CNVC. Đề nghị các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra và cập nhật thường xuyên tình hình giá cả các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn mình quản lý. Nếu phát hiện DN, cơ sở nào bán hàng tăng giá bất hợp lý, cần xử lý thật nghiêm.

Nhóm PV Bạn đọc