Tác động tâm lý

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:41, 26/02/2011

(HNM) - Có thể nói, đứng đầu trong các "từ khóa" kể từ sau Tết Nguyên đán Tân Mão đến nay chắc chắn là "tăng giá". Ở đây, xin không đề cập thứ nào tăng, cái gì giảm, nhưng dễ thấy rằng đây là vấn đề đang được dư luận hết sức quan tâm.



Đặc biệt sau thông tin điều chỉnh tỷ giá USD, tăng giá điện, xăng, giá cả rất nhiều mặt hàng đã và đang có xu hướng nhấp nhổm tăng theo. Đây cũng chính là điều mà nhân dân lo lắng.

Sự thật là các mặt hàng có đáng phải tăng đến như thế hay không? Dễ thấy yếu tố tâm lý đã tác động quá mạnh trên thị trường hiện nay, cộng vào đó là việc đang có quá nhiều nguồn thông tin (chưa thể kiểm chứng) làm ảnh hưởng đến việc quản lý, điều tiết thị trường. Giả dụ, trên thị trường vàng, những thông tin trải qua một số ngày sốt nóng khiến dư luận cứ như sôi lên, thậm chí có tin đồn giá vàng sẽ lên 40 triệu đồng/lượng và giá USD sẽ chạm mốc 25 ngàn đồng/USD ngay trong quý I này đã như "đánh trống" vào tâm lý người dân. Tức là tác động tâm lý đang rất lớn và đây có thể là nguyên nhân chính của sự tăng giá nhiều mặt hàng trong thời gian qua. Đáng nói là lợi dụng tâm lý của người tiêu dùng mà nhiều lĩnh vực đã xuất hiện dạng kinh doanh chụp giật, áp đặt một mức giá không tương xứng với giá trị hàng hóa, dịch vụ.

Dĩ nhiên, với người quản lý thì trách nhiệm phải làm sao để giảm thiểu các tác động từ dư luận. Nhưng thực tế chúng ta đã làm được điều ấy chưa? Một khi công cụ quản lý chưa làm tròn vai trò thì với sự nhạy cảm như hiện nay của thị trường sẽ chính là đất tốt cho những kiểu tăng giá tùy tiện. Nói cách khác là khi cơ chế kiểm soát, trấn áp những tác động mặt trái của cơ chế thị trường chưa đủ mạnh, thì việc bình ổn thị trường sẽ không đơn giản.

Mục tiêu của Chính phủ năm 2011 là duy trì lạm phát ở mức 7% và ổn định kinh tế vĩ mô. Ngày 24-2, Chính phủ đã có nghị quyết nêu rõ những giải pháp chủ yếu là tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội trong năm 2011, trong đó yêu cầu chính là tập trung ưu tiên kiềm chế lạm phát. Đây là chủ trương đúng, cần kíp vào lúc này. Tuy nhiên, phải khẳng định ngay là dù với bất cứ lý do nào, thì Chính phủ cũng như các cơ quan quản lý, điều hành trực tiếp ở từng lĩnh vực cần có thông điệp hết sức mạnh mẽ nhằm cắt ngay "cơn sốt" tăng giá, trước tiên là với vàng, USD và lãi suất. Xa hơn một chút, các chính sách về giá đối với các sản phẩm than, điện, xăng… sau này cũng cần minh bạch. Tức là thông tin đến người dân phải rõ ràng, tăng hay giảm và khi nào sẽ thực hiện. Chẳng hạn như vừa qua, trong lúc dư luận ồn ào việc giá điện sẽ tăng thêm hơn chục phần trăm, hay một số dự báo được đưa ra là giá vàng sẽ vượt ngưỡng bốn mươi triệu đồng/lượng, rồi giá xăng cũng sẽ sớm điều chỉnh lên. Khi tăng thực thì chưa đến, nhưng những dự báo ấy không được xác nhận dẫn đến hoang mang trong dư luận. Hay nói cách khác là lẽ ra ảnh hưởng của việc tăng giá các mặt hàng này tới lạm phát có thể ít hơn, nhưng tác động tâm lý đã rất lớn, gây áp lực tăng giá.

Điều chỉnh giá cả hàng hóa theo cơ chế thị trường là việc làm tất yếu và cần thiết. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát được tác động tâm lý thì mỗi lần điều chỉnh ta lại một lần nữa vất vả lo đối phó…

Nữ Quỳnh