Hà Nội xem xét xây dựng hầm đường bộ qua sông Hồng
Xã hội - Ngày đăng : 15:37, 25/02/2011
(HNMO) – Sáng 25/2, Thường trực UBND TP Hà Nội do Phó Chủ tịch Thường trực Phí Thái Bình chủ trì đã họp để xem xét phương án đề xuất đầu tư xây dựng đường hầm qua sông Hồng (theo hình thức hợp đồng BT) – công trình có tính chất phức tạp, quy mô lớn, dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thực tế, việc đầu tư xây dựng đường hầm qua sông Hồng tại vị trí cuối đường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm đi ngầm qua sông Hồng và kết nối với mạng lưới giao thông bên phía quận Long Biên đã nêu ý tưởng trong một vài năm gần đây. Tại cuộc họp Ban Thường vụ Thành ủy ngày 27/1/2010, Ban cán sự Đảng UBND TP đã báo cáo đề xuất đầu tư cấp bách một số tuyến đường trên cao và nút giao thông khác cốt khu vực trung tâm thành phố hiện nay nhằm giải quyết tình trạng ách tắc giao thông, trong đó có nội dung về đầu tư đường hầm qua sông Hồng, với dự kiến dài khoảng 1,5km, 4 làn xe, rộng khoảng 18-20m.
Bên cạnh đó, về quy hoạch, trong các quy hoạch đã được duyệt trước đây (Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg, Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 90/2008/QĐ-TTg ngày 9/7/2008) chưa đề cập đến phương án hầm qua sông Hồng. Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 hiện đang được trình duyệt, có quy hoạch phương án hầm qua sông Hồng tại vị trí bắt đầu từ cuối đường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, đi ngầm qua sông Hồng, kết nối với mạng lưới đường giao thông trên địa bàn quận Long Biên.
Mặt khác, UBND TP cũng đã nhận được văn bản đề nghị đầu tư xây dựng hầm qua sông Hồng theo hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT) của 2 đơn vị. Đó là, Công ty CP VinGroup (văn bản số 15/2010/CV-DA- VinGroup JSC ngày 4/8/2010) xây dựng đường hầm sông Hồng theo hình thức hợp đồng BT và khai thác quỹ đất bờ tả sông Hồng, đoạn từ đường hầm nối đến cầu Thanh Trì, huyện Gia Lâm để hoàn vốn đầu tư công trình.
Hai là, Công ty Trường An – Bộ Quốc phòng (Văn bản số 292/CV-TA ngày 30/8/2010 gửi Thủ tướng Chính phủ và Văn phòng Chính phủ có văn bản số 6345/VPCP-KTN ngày 9/9/2010 đề nghị các Bộ liên quan và UBND TP Hà Nội cho ý kiến): Hợp tác đầu tư với một số đối tác: Ngân hàng cổ phần Liên Việt, Tổng công ty CP thương mại xây dựng – Bộ Giao thông Vận tải, Công ty xây dựng 319 – Bộ Quốc phòng, Công ty cổ phần Him Lam Hạ tầng theo phương thức liên danh các nhà đầu tư để đầu tư theo hình thức hợp đồng BT; và khai thác thu hồi vốn đầu tư BT tại các quỹ đất…
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Phí Thái Bình yêu cầu các sở, ngành phải làm rõ việc vì sao phải xây dựng hầm đường bộ mà không phải cầu nổi, hiệu quả của dự án này?
Tham luận tại cuộc họp ý kiến từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, Sở Giao thông Vận tải đều đề xuất việc cần thiết xây dựng hầm đường bộ qua sông Hồng. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cần làm rõ hơn giải pháp công nghệ xây dựng hầm đường bộ này. Hầm qua sông Hồng sẽ khác với hầm Thủ Thiêm vì khoảng cách vượt sông lên tới 1km, tính cả đường nối hai bên bờ lên tới 3km. Ông Hùng cũng quan ngại việc tổ chức kết nối hầm với hệ thống giao thông khu vực đường Trần Hưng Đạo sẽ khó khăn, dễ bị tắc…
Về việc cần phải xây dựng hầm đường bộ chứ không phải cầu, bà Lã Thị Kim Ngân – Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội phân tích: Việc làm cầu nổi sẽ rất khó khăn, tốn kém vì phải giải phóng mặt bằng hai bên đầu cầu. Hơn nữa, làm hầm đường bộ sẽ không có các mố cầu như cầu nổi nên sẽ không ảnh hưởng đến hành lang thoát lũ trên sông Hồng hiện đang rất hẹp. Ngoài ra, khu vực sân bay Gia Lâm nằm đúng tuyến dự định đặt cầu, nếu chuyển đổi chức năng của sân bay mới làm được cầu nổi, còn nếu không đặt hầm đường bộ sẽ thuận lợi hơn.
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình thống nhất về việc cần thiết xây dựng thêm tuyến giao thông nối bờ Nam với bờ Bắc sông Hồng, để giảm ùn tắc giao thông cho cầu Chương Dương và đẩy mạnh phát triển kinh tế cho khu vực phía Bắc thành phố. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch yêu cầu Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội cần đưa ra các minh chứng thuyết phục hơn về việc vì sao xây dựng hầm đường bộ qua sông Hồng (yếu tố để thuận tiện hơn cho việc thoát lũ chưa đủ sức nặng). Bên cạnh đó, Viện cũng cần phân tích kỹ hiệu quả giữa xây dựng hầm đường bộ và cầu nổi khác nhau ở chỗ nào?
Phó Chủ tịch cũng giao cho nhà đầu tư làm việc với Bộ Quốc phòng để xem sân bay Gia Lâm có chuyển đổi chức năng không, có đồng ý giao đất để thực hiện làm BT cho dự án này không? Bên cạnh đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng thẩm định kỹ thêm năng lực của chủ đầu tư; trình dự án này sang Thường trực Thành ủy Hà Nội để xin chủ trương.
Ở cuối cuộc họp, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi – người phụ trách về giao thông của thành phố đề xuất, khi thành phố có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xem xét dự án này, nên để mở cả phương án xây dựng hầm đường bộ qua sông Hồng và xây dựng cầu, phân tích hiệu quả kinh tế xã hội của từng phương án, để Thủ tướng Chính phủ có quyết sách cuối cùng.