Còn nhiều bất cập

Công nghệ - Ngày đăng : 08:26, 25/02/2011

(HNM) - Việt Nam là quốc gia có giá trị hàng hóa nông sản xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn, nhiều mặt hàng như lúa gạo, cà phê, hạt tiêu, điều... được xếp vào hàng đầu thế giới. Dẫu vậy, nhìn dưới góc độ sản xuất hạt giống thì vẫn còn không ít những điều thể hiện sự phát triển chưa như mong đợi. Những phân tích bước đầu trong công tác tuyển chọn, lai tạo và sản xuất giống lúa gạo, ngô cho thấy điều đó.

700 giống lúa vẫn chỉ là "gạo trắng Việt Nam"

Theo các nhà khoa học, là cường quốc xuất khẩu gạo thứ 2 thế giới trong nhiều năm nhưng chất lượng gạo của nước ta không cao như một số nước khác. Hiện gạo xuất khẩu chỉ có một tên gọi là "Gạo trắng Việt Nam" và chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế như khi nói đến Khaodakmali là người ta nghĩ ngay đến gạo Thái Lan, nói đến Basmati là nghĩ đến gạo Ấn Độ, Pakistan... Một trong những nguyên nhân là công tác nghiên cứu giống lúa của nước ta còn nhiều hạn chế, dù rằng 10 năm gần đây, các nhà khoa học đã chọn tạo thành công được gần 170 giống lúa mới.

Xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới, nhưng chất lượng gạo của Việt Nam lại chưa ổn định. Ảnh: TTXVN

Theo TS. Nguyễn Văn Bộ (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam), mỗi địa phương đều có bộ giống riêng nên toàn quốc hiện có gần 700 giống lúa. Về mặt kỹ thuật, chất lượng hạt giống cũng chưa được quan tâm. Ngành công nghệ hạt giống gần như chưa có, thóc giống chủ yếu do người dân tự tích trữ. Vì thế, sau một vài năm, giống tốt cũng bị thoái hóa... Đặc biệt, với lúa lai, do điều kiện khí hậu để sản xuất hạt lai, nhất là lúa lai 3 dòng gặp khó khăn hơn nhiều so với Trung Quốc nên lượng giống nhập từ nước này khá cao. Hiện giống sản xuất trong nước mới đáp ứng khoảng từ 20% đến 25% nhu cầu. Riêng với lúa thuần, Việt Nam còn thiếu các giống chống chịu tốt với điều kiện bất thuận của thời tiết và kháng bệnh. Nhiều loại giống có phổ thích nghi hẹp nên khó phát triển ra diện rộng. Điều này lý giải cho thực tế là số lượng giống lúa thuần chọn tạo trong nước chiếm đến 92,8% song diện tích được trồng các giống đó chỉ khoảng từ 65% đến 70%.

Ở Việt Nam, ngô là cây trồng quan trọng thứ hai sau lúa. Dù có nhiều thành công nhưng thực tế là các giống ngô lai do Việt Nam sản xuất mới chiếm khoảng gần 60% thị phần. Phần còn lại là của các công ty liên doanh với nước ngoài. Điều đáng lưu ý là, nước ta có khá nhiều đơn vị có bộ phận chuyên nghiên cứu, lai tạo giống ngô. Năng suất, chất lượng giống do các đơn vị trong nước sản xuất không thua kém giống nước ngoài nhưng do hệ thống kho bãi chưa được trang bị hoàn chỉnh nên công tác phơi sấy, bảo quản ngô giống còn nhiều hạn chế. Không ít chuyên gia nông học cho rằng, trong tương lai gần, các đơn vị cung ứng ngô giống trong nước chưa thể mở rộng thị phần để có thể cạnh tranh với các đơn vị cung ứng ngô giống nước ngoài.

1 USD/tấn gạo xuất khẩu cho nghiên cứu giống?

Theo Vụ KHCN và Môi trường (Bộ NN&PTNT), giai đoạn 2006-2010, Bộ đã phê duyệt nhiều đề tài, dự án nghiên cứu chọn tạo giống lúa với kinh phí gần 30 tỷ đồng. Nguồn kinh phí ấy và thực tế phát triển trong chọn tạo giống lúa hẳn phần nào thể hiện nỗ lực của các nhà "lúa học". Câu chuyện về đầu tư phát triển giống, sản xuất ngô cũng trong bối cảnh tương tự. Nhưng đòi hỏi từ thực tế sản xuất sẽ không dừng lại ở đây khi sản xuất nông nghiệp đang đối mặt với sự gia tăng của biến đổi khí hậu đòi hỏi những bộ giống nông sản thích ứng với tình trạng này.

Bà Trần Kim Liên (Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giống cây trồng trung ương - Vinaseed) cho biết, tuy hoạt động theo mô hình doanh nghiệp KHCN nhưng Vinaseed vẫn chưa tiếp cận được các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong nghiên cứu khoa học ngành nông nghiệp. "Cần sớm có cơ chế mở hơn cho các doanh nghiệp (DN) tham gia tuyển chọn thực hiện các đề tài, dự án cấp nhà nước. DN và viện nghiên cứu (VNC) đều có thế mạnh riêng nhưng theo quy định về điều kiện tuyển chọn đề tài, dự án hiện nay thì số DN được tham gia rất ít. Đơn vị trúng thầu hầu hết là tổ chức KHCN công lập" - bà Liên đề nghị.

Ông Mai Xuân Triệu (Viện trưởng VNC ngô) cho biết, đơn vị này cũng như nhiều VNC khác đang đứng trước một số thách thức: sản phẩm nghiên cứu dễ bị mất bản quyền; giá thành sản xuất cao do trình độ cơ giới hóa và tự động hóa thấp; cơ chế quản lý tài chính của Nhà nước đối với các VNC khác cơ chế quản lý DN, tạo nên cạnh tranh không bình đẳng. Đặc biệt, thương hiệu giống mới thiếu chứng nhận chất lượng của các cơ quan có uy tín, làm giảm giá trị hàng hóa. Ông Triệu cũng đề nghị sớm cổ phần hóa một số DN trực thuộc các VNC để nâng cao sức cạnh tranh và cho các tổ chức KHCN, nhà khoa học vay vốn với lãi suất thấp để nghiên cứu và kinh doanh sản phẩm nghiên cứu.

TS. Nguyễn Văn Bộ đề xuất, để tăng cường kinh phí cho nghiên cứu giống lúa, tránh ỷ lại vào nguồn đầu tư từ ngân sách, Nhà nước nên nghiên cứu việc cho trích từ xuất khẩu gạo để bổ sung cho kinh phí nghiên cứu. Nếu trích 1 USD/tấn gạo xuất khẩu thì mỗi năm chúng ta có thêm từ 4,5-5 triệu USD cho công tác tạo giống mới. Rõ ràng, đây là ý kiến rất cần được nghiên cứu và hoàn toàn phù hợp với chủ trương xã hội hóa công tác sản xuất giống ở nước ta.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, các tiến bộ KHCN trong nông nghiệp đã tạo ra giá trị gia tăng trong nông nghiệp lên đến 30%. Điều đó cho thấy, nếu sớm tháo gỡ những bất hợp lý trong chọn tạo giống lúa, ngô nói riêng và giống nông sản nói chung thì nông nghiệp Việt Nam sẽ sớm đạt được mục tiêu tăng trưởng bền vững.

Đan Nhiễm