Ngành chăn nuôi: Vẫn loay hoay tìm hướng đi

Xã hội - Ngày đăng : 07:47, 25/02/2011

(HNM) - Trước tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm hoành hành và diễn biến phức tạp từ đầu năm 2010 đến nay, Bộ NN&PTNT đã tổ chức hội nghị phát triển chăn nuôi - thú y toàn quốc tại Hà Nội để tìm hướng đi thích hợp.


Dịch bệnh chưa được kiểm soát...


Thông tin từ Cục Thú y cho biết, năm 2010 mặc dù số ổ dịch ít hơn năm 2009 nhưng số tỉnh có dịch lại nhiều hơn (có 23 tỉnh, TP so với năm 2009 là 17). Số gia cầm mắc bệnh, chết, tiêu hủy năm 2010 cũng cao hơn năm 2009 (147.399 so với 105.601 con năm 2009)... Đáng lo ngại là từ đầu năm đến nay, dịch cúm gia cầm tái bùng phát tại 3 tỉnh Lạng Sơn, Nam Định và Kon Tum; dịch lở mồm long móng vẫn đang lan ra ở 18 tỉnh, TP. Năm 2010 cũng là năm dịch lợn tai xanh gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi khi có tới 49 tỉnh, TP phát dịch, làm hơn 1 triệu con lợn mắc bệnh. Cục trưởng Cục Thú y Hoàng Văn Năm cho rằng, sự lơ là, chủ quan của chính quyền và người dân ở một số địa phương là nguyên nhân chính khiến dịch bệnh khó kiểm soát. Hiện tượng giấu dịch, phát hiện dịch chậm còn xảy ra, khi cơ quan chuyên môn thú y phát hiện thì dịch bệnh đã lây ra diện rộng.

Một nguyên nhân nữa khiến chăn nuôi trong nước gặp khó là tình hình nhập lậu vật nuôi sống, đặc biệt là gia cầm, lợn, bò, thịt và sản phẩm chăn nuôi vẫn chưa được kiểm soát triệt để, dẫn đến bùng phát dịch bệnh. Ngoài ra là những tồn tại trong chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại, công nghiệp, bảo đảm an toàn thực phẩm của ngành ngày càng cách xa thực tiễn; mô hình chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, phân tán; giá nguyên liệu thức ăn phụ thuộc vào nhập khẩu nên giá thành chăn nuôi bị đội lên nhiều lần....

Hướng đến phát triển chăn nuôi bền vững

Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu đến năm 2015, sản phẩm chăn nuôi có thể xuất khẩu, đồng thời hạn chế nhập khẩu, trong đó có thịt bò. Năm 2011 ngành chăn nuôi phấn đấu đạt tổng đàn lợn 28,5 triệu con; sản lượng thịt hơi 3,25 triệu tấn; tổng đàn gia cầm 305 triệu con với sản lượng thịt 680 nghìn tấn và sản lượng trứng 6,52 tỷ quả...

Bộ NN&PTNT đã đưa ra hàng loạt giải pháp trước mắt cũng như lâu dài về giống, thức ăn chăn nuôi, phương thức và quy mô chăn nuôi, quản lý môi trường chăn nuôi... để phát triển chăn nuôi bền vững, hiệu quả. Bàn thảo những vấn đề này, đại diện đến từ các tỉnh, thành trong cả nước rất quan tâm đến quy hoạch định hướng ngành chăn nuôi theo hướng trang trại công nghiệp và chăn nuôi truyền thống gắn với vùng sinh thái.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng kiến nghị Bộ NN&PTNT giúp đỡ các địa phương sản xuất con giống chất lượng cao, đồng thời hỗ trợ xây dựng các nhà máy, cơ sở giết mổ, chế biến thực phẩm, tiêu thụ sản phẩm và tăng cường các hoạt động hợp tác cũng như tiếp cận với các dự án quốc tế. Ông Đăng cho rằng, để hướng đến nền chăn nuôi bền vững, vấn đề mấu chốt là khẩn trương quy hoạch vùng chăn nuôi, trên cở sở này đầu tư phát triển chăn nuôi tập trung quy mô lớn, chăn nuôi công nghiệp, công nghệ cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện tại Hà Nội chưa có quy hoạch chung về nông nghiệp nên công tác xây dựng, phát triển khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư còn gặp nhiều khó khăn... Mặc dù là địa phương có tổng đàn lợn lớn nhất cả nước nhưng quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tới 65%.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng nhận định, chăn nuôi Việt Nam sẽ phải đối mặt với khó khăn, cạnh tranh với sản phẩm chăn nuôi trên thị trường quốc tế khi Việt Nam thực hiện cam kết hội nhập. Ngành chăn nuôi chúng ta không thể phát triển tốt nếu dịch bệnh vẫn tồn tại, phương pháp chăn nuôi thủ công, công nghệ chậm đổi mới".

Chí Đạo