Thử thách mới trong hiềm khích cũ
Thế giới - Ngày đăng : 07:13, 25/02/2011
Khu trục hạm Alvand và tàu tiếp liệu Kharg do Anh sản xuất thuộc lực lượng Hải quân Iran đã tiến vào thủy lộ của Ai Cập từ mờ sáng. Khoản lộ phí 290.000 USD được đánh giá là không hề đắt đỏ để Tehran thực hiện bài kiểm tra đầu tiên về lập trường của chính quyền mới ở Cairo với chính phủ của Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad.
Quyết định để hai chiến hạm Iran quá cảnh ngay sau cuộc chính biến hạ bệ cựu Tổng thống Hosni Mubarak là dấu hiệu cho thấy mối bang giao đối nghịch giữa hai nước trong suốt hơn 3 thập kỷ qua đang bước vào một giai đoạn mới. Quan điểm của chính phủ tạm quyền Ai Cập rất rõ ràng, miễn là không phải trong thời chiến, còn lại, kênh đào Suez không từ chối bất cứ tàu thương mại nào đi qua. Đối với tàu chiến thì cần có phép của Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao. Mặc dù vậy, như dự đoán được những phản ứng ồn ào sau sự việc hiếm thấy này, Bộ Quốc phòng Ai Cập khẳng định hai tàu Iran không mang thiết bị quân sự, vũ khí hạt nhân hay các chất hóa học; đồng thời không gây mối đe dọa đáng kể nào đối với Hải quân Israel hay các tàu chiến Mỹ ở Địa Trung Hải.
Tuy nhiên, lời xoa dịu đó chẳng có ý nghĩa đối với Tel Aviv. Ngay sau khi tàu Iran băng qua kênh Suez từ cửa Nam, chính quyền Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã lập tức có những chỉ trích gay gắt hành động được miêu tả là khiêu khích và có nguy cơ thổi bùng thêm những xung đột đang lan tràn khắp Trung Đông và Bắc Phi. Không chỉ xem Tehran và chương trình hạt nhân gây tranh cãi của đất nước này là mối đe dọa trực tiếp tới sự sống còn của quốc gia Do Thái, việc chiến hạm Iran có mặt tại Syria trong sứ mệnh huấn luyện là điều không thể chấp nhận đối với Israel. Khi quan hệ không đội trời chung giữa Tel Aviv và Damascus từ cuộc chiến tranh năm 1967 chẳng hề được cải thiện, cái bắt tay của hai địch thủ Iran - Syria về mặt quân sự không thể không gây quan ngại với đồng minh số 1 của Mỹ tại Trung Đông.
Đúng vào thời điểm nhạy cảm - các cuộc nổi dậy của dân chúng đang làm xáo trộn cả Trung Đông và Bắc Phi mà Iran cũng là một điểm nút - sự kiện khu trục hạm Iran qua kênh Suez để vào Địa Trung Hải là bước đi không ngoài mục đích nhằm mở tầm ảnh hưởng của quốc gia Hồi giáo này trong khu vực, ẩn chứa thông điệp, Tehran vẫn đang trụ vững trước những sóng gió trong nước và nhiều vòng trừng phạt, cấm vận của thế giới. Sự trở lại Suez lần này cũng khẳng định, Iran không nói đùa khi tuyên bố bắt đầu khởi động những cuộc tập trận trường kỳ và triển khai việc đưa tàu chiến từ Biển Đỏ đến Địa Trung Hải từ đầu năm 2011. Như thế, dù trải qua những chuyển động không ngừng đang phác họa một Trung Đông khác lạ, vùng đất này được dự báo sẽ còn lâu mới có thể yên ắng vì phía trước không chỉ là những thử thách mới mà còn là những hiềm khích cũ.