Tổng hợp sức mạnh nội sinh
Văn hóa - Ngày đăng : 07:05, 25/02/2011
Sức lan tỏa sâu rộng
Có thể thấy, sức lan tỏa, thẩm thấu của phong trào tới mọi người, mọi nhà, mọi ngành được thể hiện ngay từ số đại biểu tham gia hội nghị. Hội trường Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô có sức chứa hàng nghìn người cũng trở nên quá nhỏ trước số đại biểu tham gia đông và sôi nổi phát biểu. Ông Lê Hoàng Minh, Phó Chủ tịch TƯ Hội Nông dân Việt Nam cho biết: Năm năm gần đây, các cấp Hội Nông dân đã huy động được gần 3.000 tỷ đồng, 60 triệu ngày công xây dựng các công trình công cộng. Trong khi Thiếu tướng, PGS-TS Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị khẳng định. Phong trào còn có tác động tích cực đến mục tiêu xây dựng "con người mới" trong Quân đội Nhân dân Việt Nam với những biểu hiện rõ rệt như nếp sống chính quy, tự giác tăng lên, tỷ lệ vi phạm kỷ luật, bỏ quân ngũ giảm đi. Đặc biệt, toàn quân đã xây dựng thành công mô hình doanh trại xanh - sạch - đẹp, tạo ra những thay đổi cơ bản về điều kiện sống, ăn ở, sinh hoạt cho bộ đội.
Khu dân cư văn hóa Phan Huy Ích, quận Ba Đình (Hà Nội). Ảnh: Thái Hiền |
Với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, phong trào đã mang lại sự thay đổi khá toàn diện. Tỉnh Bắc Ninh đã có 85,8% số gia đình, 65% số làng, khu phố đạt chuẩn gia đình văn hóa. Ở Bến Tre, từ phong trào đã xuất hiện hơn 50 vạn gương "Người lớn gương mẫu", hơn 31 vạn "Trẻ em chăm ngoan", xây dựng thành công hơn 1,2 vạn tổ dân phố tự quản vững mạnh (chiếm 94,3%). Ở tỉnh Hà Giang, 11/11 huyện, thành phố đã thành lập được đoàn nghệ thuật bán chuyên nghiệp, biểu diễn hàng trăm buổi văn nghệ miễn phí phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người dân mỗi năm…
Người người, nhà nhà, ngành ngành nhiệt tình xây dựng phong trào, giúp đạt được những kết quả lớn hơn mong đợi. Theo đánh giá của Bộ VH,TT&DL, sau 10 năm, số hộ đạt chuẩn văn hóa đã tăng từ gần 8,7 triệu hộ lên hơn 16 triệu hộ (bằng 70,8%); làng, khu dân cư, tổ dân phố văn hóa tăng từ 17,6 vạn lên 58,3 vạn (bằng 67%)… "Quỹ vì người nghèo" đến năm 2010 đã vận động được gần 6.000 tỷ đồng, giúp đỡ hàng vạn hộ thoát nghèo; "Quỹ đền ơn đáp nghĩa" thu được gần 2.000 tỷ đồng, góp phần xây mới và sửa chữa hơn 440.000 ngôi nhà, tặng gần 700.000 sổ tiết kiệm cho đối tượng chính sách. Việc cưới, tang, lễ hội theo nếp sống văn minh được hơn 120.000 đơn vị, khu dân cư hưởng ứng.
Có nên hai phong trào một mục tiêu?
Không thể phủ nhận những kết quả đạt được, nhưng Bộ VH,TT&DL cũng thẳng thắn nhìn nhận phong trào còn bộc lộ không ít hạn chế trên nhiều mặt hoạt động. Đó là việc bình xét công nhận gia đình văn hóa ở nhiều nơi chưa chặt chẽ, thiếu công khai, dân chủ, chưa bám sát tiêu chuẩn. Nhiều làng, khu dân cư văn hóa sau khi được công nhận có biểu hiện buông lỏng chỉ đạo, khiến người dân không có ý thức phấn đấu giữ vững danh hiệu. Một số danh hiệu văn hóa như xã, phường, huyện điểm văn hóa… đã được một số địa phương triển khai thực hiện nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể. Tình trạng tổ chức tiệc cưới phô trương, lãng phí ngày càng nhiều, xu hướng thương mại hóa trong lễ hội ngày càng tăng… Cũng theo đánh giá của Bộ VH,TT&DL thì BCĐ phong trào ở một số địa phương hoạt động thiếu sâu sát, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa gương mẫu chính là nguyên nhân cơ bản dẫn tới những hạn chế, bất cập nói trên.
Mỏ xẻ nguyên nhân của những điểm còn hạn chế, ông Trương Đăng Tuyến, Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Khánh Hòa gay gắt: Việc hiện có nhiều phong trào có nội dung tương tự được triển khai trên cùng một địa bàn như "Làng văn hóa", "Làng văn hóa sức khỏe", "Làng văn hóa bảo vệ và phát triển rừng"; "khu dân cư văn hóa", "khu dân cư tiên tiến"… dẫn đến không tập trung đầu mối, mạnh ai nấy làm, chồng chéo trong chỉ đạo, gây lúng túng, bị động cho cơ sở. Ông Tuyến cho rằng, có nên để tồn tại song song phong trào do Bộ VH,TT&DL phát động và cuộc vận động TDĐKXDĐSVH ở khu dân cư do Ủy ban TƯ MTTQ như hiện nay hay không là vấn đề cần được xem xét, nghiên cứu một cách nghiêm túc.
Tương tự, ông Đỗ Văn Ba, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Bình Thuận đề nghị sáp nhập phong trào và cuộc vận động trên làm một. Ông cho biết: Có những địa phương ở Bình Thuận đã đạt danh hiệu thôn, khu phố văn hóa năm trước, năm sau đăng ký xây dựng khu dân cư tiên tiến, vì làm như vậy thì nếu thôn, khu dân cư đó không giữ được danh hiệu văn hóa sẽ có danh hiệu tiên tiến thay thế.
Chưa khẳng định nên hay không nhập hai phong trào thành một, nhưng Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái khẳng định: Ngành VH,TT&DL sẽ phát huy những kết quả đã đạt được để triển khai phong trào TDĐKXDĐSVH trong những năm tiếp theo hướng tăng về chất; đồng thời nghiêm túc khắc phục những tồn tại, hạn chế, phấn đấu đến năm 2015, cả nước có 70% gia đình; 60% thôn, ấp, bản, tổ dân phố; 70% cơ quan, đơn vị… đạt và giữ vững danh hiệu văn hóa. Bộ VH,TT&DL đã đưa ra 5 nhóm giải pháp, trong đó giải pháp trọng tâm là sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về việc công nhận các danh hiệu văn hóa; gắn việc thực hiện phong trào với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020.