Y tế Thủ đô: Mạnh tuyến thành phố, vững tuyến cơ sở

Đời sống - Ngày đăng : 07:41, 24/02/2011

(HNM) - Những ngày này, các thầy thuốc Thủ đô đang đón Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2 trong niềm vui của những thành công mà ngành y tế đã đạt được trong năm qua, một năm có nhiều sự kiện trọng đại đã diễn ra, cũng có nghĩa là một năm ngành phải đảm nhiệm thêm nhiều nhiệm vụ bên cạnh công việc thường xuyên là chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Huân chương Độc lập hạng Nhất là sự ghi nhận của Nhà nước cho những cố gắng đó. Còn  đánh giá của nhân dân Hà Nội và các vùng lân cận được thể hiện ở việc các cơ sở khám, chữa bệnh của thành phố luôn là sự lựa chọn hàng đầu mỗi khi cần gặp các thầy thuốc.

Điều trị cho bệnh nhân bị tai nạn giao thông tại Bệnh viện Xanh Pôn. Ảnh: TTXVN


Hoàn thành nhiều chỉ tiêu
Theo con số thống kê của Sở Y tế Hà Nội, công suất sử dụng giường bệnh tại các bệnh viện (BV) năm qua là 120,4%; một số đơn vị đạt công suất cao như BV Thanh Nhàn 125,4%, Xanh Pôn 149,1%, Đa khoa Đức Giang 155,1%, Phụ sản Hà Nội 193,5%, Đa khoa Mê Linh 158,8%, BV huyện Mỹ Đức 126,3%... Các con số này sẽ có ý nghĩa hơn khi xem xét trong bối cảnh hệ thống y tế của thành phố năm qua đã được đầu tư nâng cấp và có bước phát triển về số lượng: 40 BV công lập và 4 nhà hộ sinh có số giường bệnh thực kê là 9.120, so với kế hoạch là 8.025; 23 BV đa khoa tư nhân có 636 giường; thực hiện giải ngân 100% vốn trái phiếu chính phủ đầu tư 7 dự án nâng cấp, cải tạo các BV đa khoa huyện, BV chuyên khoa; giải ngân 97,4% nguồn vốn xây dựng cơ bản của thành phố để nâng cấp một số BV như: Phổi Hà Nội, Đa khoa Vân Đình, Mỹ Đức, Đan Phượng. Sở dĩ trong điều kiện nơi khám chữa bệnh ngày càng nhiều và được đầu tư nâng cấp nhưng các BV của thành phố vẫn đón số lượng bệnh nhân ngày càng đông là bởi chất lượng khám, điều trị. Ở các BV, quy chế chuyên môn về công tác chống nhiễm khuẩn, chăm sóc người bệnh toàn diện được tăng cường; các dịch vụ, trình độ chất lượng cao tiếp tục được đẩy mạnh. Vì thế, người bệnh ở Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác đã tìm đến BV của thành phố thay vì đến các BV trung ương để được khám, điều trị ngay cả với những kỹ thuật đòi hỏi trình độ chuyên môn cao như phẫu thuật tim, thụ tinh trong ống nghiệm...

Cùng với tuyến thành phố, hệ thống tuyến y tế cơ sở của Thủ đô năm qua cũng đã được củng cố để trở thành địa chỉ chăm sóc sức khỏe ban đầu tin cậy hơn. Tính đến nay đã có 552 trạm y tế xã, phường đạt chuẩn quốc gia y tế, chiếm 95,7%. Thành phố đã dành 70 tỷ đồng để mua sắm trang, thiết bị y tế cho các trạm y tế của 20 quận, huyện. 15 dự án về đầu tư cơ sở hạ tầng cho trạm y tế xã, phường đã được thành phố chấp thuận, nâng số trạm y tế được xây mới lên con số 82 và được sửa chữa lên 164. Không chỉ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang, thiết bị, đội ngũ cán bộ y tế cũng được tăng cường cho tuyến cơ sở gần dân nhất. Hiện số cán bộ y tế đang công tác tại trạm y tế là 3.530 người, chiếm khoảng 1/4 số lượng cán bộ toàn ngành, trong đó trên 95% trạm y tế xã có bác sĩ.

Nhờ mạnh ở tuyến thành phố, vững ở tuyến cơ sở nên các chỉ tiêu, chỉ số về công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân Thủ đô đã được ngành hoàn thành và hoàn thành vượt mức. Đặc biệt, tuy tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, thời tiết có những biến đổi khắc nghiệt, thành phố lại là nơi diễn ra nhiều sự kiện lớn khiến nguy cơ tái xuất hiện và bùng phát các dịch bệnh tăng nhưng ngành đã chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống các loại dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra trên địa bàn; hầu hết các dịch bệnh nguy hiểm có số mắc, số chết giảm so với năm trước; kiểm soát và khống chế được các loại dịch bệnh.

Bắt đầu nhiều đề án
Năm 2011 là năm ngành y tế thành phố bắt đầu triển khai nhiều đề án quan trọng như hoàn thiện và triển khai "Quy hoạch phát triển hệ thống bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030"; Nâng cao chất lượng công tác thống kê tuyến y tế cơ sở ngành y tế giai đoạn 2011-2015; sàng lọc, phát hiện, chăm sóc, tư vấn cho nạn nhân bạo lực gia đình tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố; nâng cao chất lượng và hiệu quả hệ thống giám sát, xử lý bệnh truyền nhiễm; xây dựng quy trình chuẩn quản lý, vận hành, sử dụng máy móc, trang thiết bị y tế, sử dụng năng lượng hiệu quả tại các đơn vị trong ngành y tế; nâng cao chất lượng quản lý nhà nước và chuyên môn cho cán bộ làm công tác an toàn vệ sinh thực phẩm; triển khai xây dựng một số cơ sở y tế mới như BV Nhi Hà Nội, BV Mắt Hà Nội, BV Đa khoa Ba Vì, BV Tim Hà Nội tại Mê Linh...

Bên cạnh những nhiệm vụ mang tính trọng tâm, tạo nên các điều kiện để mở ra một giai đoạn phát triển mới cho ngành trong những năm tới, quan điểm của lãnh đạo Sở Y tế là tập trung chăm sóc sức khỏe ban đầu một cách tốt nhất cho người dân Thủ đô. Một số chỉ tiêu cụ thể được đề ra để hoàn thành mục tiêu chung như chủ động phòng, chống không để dịch bệnh xảy ra; phối hợp với các ngành thực hiện tốt các hoạt động vệ sinh trường học, vệ sinh lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm; hạ tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi xuống còn 11,4%; phấn đấu 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn đạt chuẩn; tổ chức tuyển dụng viên chức y tế bổ sung cho đội ngũ cán bộ ở tuyến huyện, xã, phường sao cho 95% trạm y tế có bác sĩ làm việc... Người đứng đầu ngành y tế Thủ đô - GS, TS, Thầy thuốc Nhân dân Lê Anh Tuấn - tin tưởng rằng, với đà phát triển hiện nay, cùng sự đầu tư của thành phố, sự nỗ lực của ngành, những mục tiêu trên là khả thi. Sức khỏe của nhân dân Thủ đô vì thế sẽ được bảo vệ, chăm sóc và nâng cao hơn trong thời gian tới.

Đức Trung