Cần chặn đứng tình trạng “nước nổi, bèo cũng nổi”

Đời sống - Ngày đăng : 07:27, 24/02/2011

(HNM) - Ngày 22-2-2011, Báo Hànộimới đã đăng bài

Ông Trần Hồng (Giám đốc doanh nghiệp kinh doanh tân dược nhập khẩu): Giá thuốc còn tiếp tục tăng...
Dưới góc độ của một người "trong ngành", tôi cho rằng việc tăng giá  tân dược là điều tất yếu. Nếu chỉ nhìn vào giá, rõ ràng nhiều loại thuốc đã tăng giá bán nhưng nếu so sánh với tốc độ tăng giá của đồng USD trên thị trường, thực tế giá nhiều loại thuốc lại có phần hạ xuống so với trước. Hiện chúng ta đang phải nhập khẩu đến 50% các loại thuốc lưu hành trên thị trường. Toàn bộ lượng thuốc này lại phụ thuộc vào giá dự thầu, được tính bằng USD, trong khi đó, từ cuối năm 2010 đến nay, tỷ giá USD đã tăng khoảng 16%, lãi suất ngân hàng cũng được Nhà nước điều chỉnh tăng cao nên giá đầu vào của thuốc cũng phải tăng theo. Còn trong số 50% lượng thuốc được sản xuất trong nước thì hầu hết là nguyên liệu nhập khẩu, mà giá trị nguyên liệu chiếm đến 70% giá thuốc. Đó là những nguyên nhân khiến giá thuốc chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc tăng giá USD. Mặt khác, không phải tất cả mặt hàng thuốc đều tăng giá mà chỉ tập trung chủ yếu ở một số mặt hàng như thuốc kháng sinh, đặc trị... Thời gian tới, tôi nghĩ giá thuốc sẽ tiếp tục tăng, do thuốc được bán trên thị trường hiện nay chủ yếu là thuốc được nhập khẩu, sản xuất từ năm 2010. Mặt khác, khi giá điện, giá xăng dầu tăng, chắc chắn sẽ tạo áp lực lên giá thuốc. Điều cần làm là các cơ quan chức năng phải kiểm soát được giá thuốc thực tế, tránh tình trạng các cửa hàng bán lẻ tăng giá thuốc tràn lan, ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Bà Hoàng Thị Huệ (phố Giảng Võ, quận Đống Đa): Cần ngăn chặn tình trạng "té nước theo mưa"
Tôi có người thân đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai đã hơn 1 tháng nay. Sau Tết Nguyên đán 2011, tôi đến mua thuốc ở một số cửa hàng thuốc ở phố Ngọc Khánh, Quốc Tử Giám..., thấy giá thuốc đã "đôn" lên khoảng 10% so với trước. Tôi có thắc mắc thì được nhân viên nhà thuốc giải thích, họ mới nhận được điều chỉnh giá của các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối dược phẩm. Có loại thuốc, các nhà thuốc phải  nhập vào với giá cao hơn mức hiện tại cửa hàng đang bán. Qua khảo sát, tôi thấy giá một số thuốc bán lẻ ở nhiều nhà thuốc tư nhân còn cao hơn các nhà thuốc của bệnh viện. Phải chăng việc giá thuốc ngoài thị trường tự do tăng lên là hiện tượng "té nước theo mưa"? Nếu đúng như vậy, các cơ quan chức năng phải có biện pháp ngăn chặn để người bệnh bớt khổ.

Ông Nguyễn Văn Ngọc (phố Trương Định, quận Hoàng Mai): Đề cao đạo đức nghề nghiệp...
Khi một người bị mắc bệnh, dù có khó khăn đến đâu thì gia đình người đó cũng tìm mọi cách để mua thuốc chữa theo đơn thuốc của bác sỹ. Với những gia đình có điều kiện kinh tế thì còn đỡ, gia đình nào không có điều kiện sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Trên thực tế, có những người mắc bệnh thông thường, nhưng bác sỹ lại kê những loại thuốc không cần thiết và rất đắt tiền, rất lãng phí. Chẳng hạn, vừa qua, tôi đột nhiên bị mất giọng, đến bệnh viện khám, bác sỹ kê cho một loạt thuốc với tổng số tiền gần 1 triệu đồng, mà bệnh vẫn không khỏi. Tình cờ gặp một người bạn là bác sỹ, sau khi xem qua đơn thuốc, anh cho biết có nhiều loại trong đơn thuốc chỉ đơn thuần là... thuốc bổ, không liên quan đến bệnh tật của tôi. Với tình hình giá tân dược tăng như hiện nay, những người làm nghề y cần phải đề cao đạo đức nghề nghiệp. Điều đó thể hiện trong việc tư vấn, kê đơn thuốc cho người bệnh, không nên kê các loại thuốc không cần thiết, nhằm mục đích bán hàng, hưởng chênh lệch kiếm lời...

Bà Hà Minh Thảo (Khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên): Trách nhiệm thuộc cơ quan quản lý...
Theo tôi, việc "thả nổi" giá thuốc, để giá thuốc tăng vô tội vạ như thời gian qua, lỗi trước tiên thuộc về cơ quan quản lý. Ai cũng biết, thuốc là một mặt hàng đặc biệt, sự tăng - giảm của giá thuốc sẽ có tác động trực tiếp đến cuộc sống, sinh mạng của người dân. Song năng lực của các nhà sản xuất thuốc trong nước lại chưa đáp ứng được nhu cầu chữa bệnh của người dân. Chính vì vậy, giá thuốc tại Việt Nam chịu tác động không nhỏ từ sự tăng - giảm giá thuốc trên thế giới. Lỗi thứ hai là do tâm lý "sính hàng ngoại" của một bộ phận người tiêu dùng. Có nhiều loại thuốc nội giá rẻ, chất lượng tương đương, nhưng bị người tiêu dùng quay lưng chỉ vì tâm lý "đắt xắt ra miếng"!

Bảo Nga - Duy Biên