Chia tài sản do người chết và người mất tích để lại
Xã hội - Ngày đăng : 07:25, 24/02/2011
Hoàng Văn Hảo
Thạc sỹ, luật sư Quản Văn Minh (Công ty Luật Số 5 - Quốc gia, web: www.luatsuvietnam.vn) trả lời:
Theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, ngôi nhà mà ông Hoàng Văn Hảo và người em đang ở là tài sản chung của cha mẹ ông. Về nguyên tắc, cha và mẹ của ông có quyền ngang nhau đối với khối tài sản này (mỗi người hưởng 1/2 giá trị ngôi nhà). Năm 1978, mẹ ông mất, trường hợp không có di chúc, hai anh em ông có thể thỏa thuận phân chia 1/2 giá trị của ngôi nhà (phần tài sản do người mẹ để lại), 1/2 giá trị ngôi nhà còn lại vẫn thuộc quyền định đoạt (một trong những quyền cơ bản của chủ sở hữu tài sản) của người cha của ông, mặc dù người cha đã bị tòa án tuyên bố là mất tích. Để phân chia được khối tài sản này, phải căn cứ quy định tại Điều 81 Bộ luật Dân sự: "Người có quyền, lợi ích liên quan có thể yêu cầu tòa án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết, nếu sau 3 năm kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của tòa án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực là người đó còn sống". Vậy, nếu đã đủ thời hạn 3 năm kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của tòa án có hiệu lực pháp luật, vẫn không có tin tức gì, thì ông Hoàng Văn Hảo và người em có thể làm thủ tục yêu cầu tòa án ra quyết định tuyên bố là cha của ông đã chết. Sau khi quyết định tuyên bố cha của ông đã chết của tòa án có hiệu lực, ông có thể tiến hành làm thủ tục đăng ký khai tử cho cha mình (quy định tại Nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27-12-2005 của Chính phủ về việc đăng ký và quản lý hộ tịch). Khi được cấp giấy chứng tử của cha mình, hai anh em ông có thể tiến hành thỏa thuận phân chia 1/2 giá trị ngôi nhà do người cha để lại.
Những lần phân chia kể trên, nếu không thỏa thuận được, ông hoặc người em (các đồng thừa kế) có thể làm đơn khởi kiện, đề nghị tòa án có thẩm quyền xem xét, giải quyết.