Cú sốc mới trên thị trường dầu
Kinh tế - Ngày đăng : 07:11, 24/02/2011
Cơn sốc mới của giá dầu giữa lúc nền kinh tế thế giới vừa chật vật đi lên sau cuộc khủng hoảng sâu nhất trong hơn nửa thế kỷ được dự báo chưa dừng lại khi bầu không khí Trung Đông và Bắc Phi đang như thiêu đốt bởi cơn thịnh nộ Arab.
Các giàn khoan tại biển Bắc đang tăng công suất hoạt động khi dầu Brent tăng cao đột biến. |
Những chỉ báo thường chi phối giá dầu như niềm tin tiêu dùng của Mỹ tăng lên mức cao nhất trong vòng 3 năm hay niềm tin kinh doanh của Đức cao bất ngờ trong tháng 2 này đã bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Hội chứng "nhân bản" chính biến Ai Cập đang làm dậy sóng cả khu vực rộng lớn từ bờ Nam Địa Trung Hải tới bờ Bắc Vịnh Persian đã đóng vai trò chính dẫn dắt dầu thô nhanh chóng thiết lập mặt bằng giá mới. Trong đó, sự kiện Libya đang trở thành tâm điểm mới của cuộc nổi dậy đang đổi thay phần quan trọng của thế giới Hồi giáo là đáp số cho thực trạng giá dầu bỏ mốc 104 USD/thùng của tuần trước để lần lượt tiến đến những đỉnh cao mới chỉ trong vài ngày qua.
Các nhà đầu tư toàn cầu có lý do để lo lắng về nguy cơ gián đoạn nguồn cung dẫn đến thiếu hụt trên thị trường nhiên liệu toàn cầu khi những tin tức thời sự nhất cho thấy tình trạng bạo lực đáng quan ngại tại nhà sản xuất dầu lửa thứ 9 trong Tổ chức Các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã bị đẩy lên những nấc thang mới. Hiện Libya cung cấp cho thế giới tới 1,1 triệu thùng dầu trong số 1,6 triệu thùng được xuất xưởng mỗi ngày. Tình hình chính trường đang có chiều hướng xấu đi ở đất nước Bắc Phi mang theo cảnh báo về sự ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất và đời sống tại các khách hàng truyền thống mà đối tác lớn nhất là châu Âu. Do vị trí địa lý gần gũi, dầu thô Libya chỉ cần từ 1 đến 2 ngày để có mặt tại châu lục này và vì thế chiếm đến 9,84% nhu cầu tiêu thụ của Lục địa già, trong đó Italia mua tới 23,2% sản lượng của Tripoli, Pháp là 15,8% và Tây Ban Nha là 13%. Đây là nguyên nhân giải thích cho hiện tượng dầu Brent được lợi nhiều hơn dầu ngọt nhẹ trong đợt tăng giá tỷ lệ thuận với những bất ổn lây lan tại khu vực có hơn một nửa số thành viên của OPEC.
Các sàn giao dịch dầu khí toàn cầu đang hướng về rối loạn chính trị tại Libya cũng như tác động của nó tới hoạt động sản xuất dầu mỏ của quốc gia này. Lời khẳng định từ Thứ trưởng Dầu mỏ Arab Saudi, quốc gia cung cấp dầu lớn nhất thế giới, Thái tử Abdul Aziz bin Salman rằng thị trường dầu mỏ vẫn trong trạng thái cân bằng và dự trữ mức ổn định, không cần bất cứ sự can thiệp nào có lẽ là sự trấn an đáng quý vào thời điểm giá năng lượng căng thẳng như hiện nay. Tuy nhiên, nhiệt độ thị trường nhiên liệu sẽ không thể bớt nóng nếu các lãnh đạo vùng đất có vị trí trọng yếu trên bản đồ dầu lửa thế giới chưa tìm ra phương án làm lắng dịu cuộc phản kháng đường phố lớn nhất trong lịch sử Arab.
Câu chuyện giá dầu sẽ là đề tài hàng đầu trên hầu khắp các lục địa trong những giờ tới khi trở thành tác nhân khiến cuộc vượt thoát cơn bão giá các mặt hàng thiết yếu của tất cả các chính phủ thêm bội phần khó khăn. Điều này hẳn rất cần sự cảm thông của các tầng lớp nhân dân tại mỗi quốc gia để tiếp tục đưa nền kinh tế ổn định, tiến lên phía trước. Vì thế, bài toán lạm phát - dưới tác động phi mã của giá dầu như hiện nay - càng được xem như một thử thách lớn nhất với các nỗ lực bình ổn kinh tế vĩ mô trên phạm vi toàn cầu thời hậu khủng hoảng. Hơn lúc nào hết, giờ đây cả thế giới đang hy vọng nhận định của Phó Giám đốc đầu tiên của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) John Lipsky rằng giá dầu cao sẽ không làm nên sự thay đổi đáng kể nào với viễn cảnh tươi sáng của kinh tế toàn cầu sẽ sớm thành sự thật.