Tạm dừng đưa lao động mới sang Libya

Đời sống - Ngày đăng : 07:03, 24/02/2011

(HNM) - Những ngày vừa qua, trước tình hình bất ổn chính trị tại Libya, Cục Quản lý lao động nước ngoài, Bộ LĐ-TB&XH đã có công văn chỉ đạo các doanh nghiệp tạm dừng đưa lao động mới sang Libya và bảo đảm an toàn cho các lao động đang làm việc tại Libya.


Theo thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH, hiện gần 20 doanh nghiệp XKLĐ đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Libya với khoảng 10.000 người. Đây là một thị trường sử dụng nhiều lao động với những yêu cầu không quá khắt khe, mức thu nhập có thể đạt từ 400 đến 1.000 USD/tháng. Chính vì vậy, tính đến thời điểm này, các doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục đưa người lao động sang Libya. Số doanh nghiệp đưa nhiều lao động sang như Vinaconexmec, Airseco, Sona, TTLC... Hiện có khoảng 1.000 lao động đang chuẩn bị xuất cảnh.

Những ngày gần đây, tình hình chính trị tại Libya có nhiều bất ổn với những diễn biến ngày càng phức tạp. Theo báo cáo của Ban Quản lý lao động Việt Nam và báo cáo nhanh của các doanh nghiệp có lao động đang làm việc tại Libya, đến thời điểm hiện nay, hầu hết các công trường đều đã tạm dừng hoạt động. Những lao động của Việt Nam cũng như lao động của các nước khác đang làm việc tại đây đã được chủ sử dụng yêu cầu ở trong trại hoặc sơ tán đến nơi an toàn và cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã có Công văn số 211/QLLĐNN-QLLĐ yêu cầu các doanh nghiệp đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Libya thực hiện nhiều biện pháp khẩn cấp. Các doanh nghiệp phải chỉ đạo các cán bộ đại diện tại Libya theo dõi sát tình hình, nếu có ảnh hưởng đến tính mạng, công việc, thu nhập của lao động Việt Nam và phải báo cáo kịp thời với Ban Quản lý lao động, Đại sứ quán Việt Nam tại Libya để được hướng dẫn và hỗ trợ xử lý. Đồng thời phải khuyến cáo người lao động tránh những địa điểm có biểu tình, tránh tụ tập nơi đông người. Đối với những lao động đã hoàn thành chương trình đào tạo hoặc các thủ tục xuất cảnh, các doanh nghiệp phải tạm dừng, không đưa lao động mới sang Libya và phải có thông báo và tạm thời đưa họ trở lại địa phương, đến khi tình hình ổn định mới tập trung cho xuất cảnh trở lại. Riêng những lao động đã tuyển chọn, các doanh nghiệp vẫn có thể duy trì các hoạt động đào tạo nghề, học ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết trước khi đi như bình thường.

Ông Nguyễn Xuân Vui, Tổng Giám đốc Airseco cho biết, công ty hiện có khoảng hơn 200 lao động làm việc trong lĩnh vực xây dựng tại thành phố Benhazi. Từ ba ngày nay, lao động Việt Nam tại Libya đã dừng làm việc trên các công trường. Phía chủ lao động là Tập đoàn China State (Trung Quốc) cũng đã không cho lao động ra ngoài, đồng thời cung cấp đủ lương thực. Còn ông Đặng Huy Hồng, Tổng Giám đốc Sona cho biết, đến nay, hầu hết các lao động tại Libya đều đã ngừng làm việc và hiện vẫn an toàn tại các khu ký túc xá. Và để bảo đảm an toàn cho lao động, các đối tác của Sona đã lên phương án đưa lao động Việt Nam về nước.

Báo cáo nhanh từ Libya, ông Nguyễn Đức Nam, Trưởng ban Quản lý lao động Việt Nam tại Libya cho biết, hiện nay, tình hình an ninh của lao động Việt Nam vẫn được duy trì tốt, chưa có bất cứ trường hợp nào bị ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc bị thương vong.

Bảo Chân