Cơ cấu hợp lý trên cơ sở tiêu chuẩn
Chính trị - Ngày đăng : 06:23, 24/02/2011
Theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ QH, tổng số đại biểu QH khóa XIII là 500 người, trong đó đại biểu TƯ là 183 người (chiếm 36,6%); đại biểu địa phương 317 người (63,4%). Trong đó, cơ cấu dự kiến là khối cơ quan Đảng có 34 đại biểu gồm 11 đại biểu TƯ (cả Báo Nhân Dân), 23 đại biểu địa phương (bí thư tỉnh ủy, thành ủy). Khối Nhà nước gồm QH và HĐND 196 đại biểu (39,2%), cơ quan Chủ tịch nước có 3 đại biểu, Chính phủ và UBND có 29 đại biểu (20 đại biểu Chính phủ, 9 đại biểu địa phương), lực lượng vũ trang có 46 đại biểu, cơ quan khối tư pháp có 17 đại biểu. Còn lại là đại diện của khối MTTQ và các tổ chức thành viên với 82 đại biểu. Về cơ cấu kết hợp (gồm cả đại biểu TƯ và địa phương), dự kiến phân bổ như sau: đại biểu người dân tộc thiểu số là 90 người (18%), đại biểu phụ nữ là 150 người (30%), đại biểu là người ngoài Đảng (các địa phương căn cứ tình hình để có cơ cấu thích hợp) khoảng 10-15%, đại biểu trẻ tuổi khoảng 70 người (14%), còn lại là đại biểu tái cử khoảng 160 người (32%).
Phản hồi các ý kiến của các đại biểu dự hội nghị, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết, việc giảm khối cơ quan hành pháp đã được bàn từ các khóa trước và đã giảm dần. Trước đây phần lớn bộ trưởng là đại biểu QH, nhưng gần đây đã thay đổi, không nhất thiết là tất cả các bộ. Ông cũng khẳng định, những góp ý về tăng tỷ lệ đại biểu ngoài Đảng, đại diện doanh nghiệp, phụ nữ… là xác đáng. Về ý kiến tại sao chưa đưa đại biểu Việt kiều vào QH, ông Uông Chu Lưu cho hay, lần sửa đổi bổ sung Luật Bầu cử đại biểu QH và HĐND vừa qua đã đặt ra, nhưng trước mắt chủ yếu bổ sung trình tự bầu cử, chưa đặt ra vấn đề Việt kiều. Trong luật bầu cử, đại biểu phải dành ít nhất 30% thời gian cho hoạt động của QH.
Trước, sau kỳ họp đều có tiếp xúc cử tri, tham gia vào hoạt động của hội đồng các ủy ban... trong khi bà con Việt kiều đang ở nước ngoài thì chưa đủ điều kiện. Mặt khác, cử tri chưa có đủ điều kiện, chưa có cơ chế để giám sát hoạt động của đại biểu là Việt kiều. Do vậy, phải chờ sửa Hiến pháp, chờ sửa luật tổ chức QH mới có thể làm được. TƯ cũng đang bàn về cơ cấu đại biểu doanh nghiệp. Phó Chủ tịch QH cũng nhấn mạnh "Hiệu quả, hiệu lực hoạt động của Quốc hội phụ thuộc vào chất lượng đại biểu, vì thế nguyên tắc cơ cấu hợp lý trên cơ sở tiêu chuẩn, không vì cơ cấu mà bỏ quên, xem nhẹ tiêu chuẩn. Không phải đông mà tốt, vấn đề là chất lượng".
* Sáng 23-2, tại Văn phòng Quốc hội, Tiểu ban chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền (gọi tắt là Tiểu ban tuyên truyền) về bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và bầu cử ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 (gồm 18 đồng chí), đã họp phiên thứ nhất để thảo luận về dự thảo kế hoạch và nội dung tổng thể công tác thông tin, tuyên truyền; dự kiến phân công nhiệm vụ của các thành viên. Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, Ủy viên Hội đồng Bầu cử, Trưởng Tiểu ban tuyên truyền chủ trì cuộc họp.
Theo đó, để triển khai thống nhất công tác thông tin, tuyên truyền về bầu cử ĐBQH khóa XIII và bầu cử ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 (gọi tắt là cuộc bầu cử) trong cả nước bảo đảm đúng tiến độ và hiệu quả; đồng thời tạo bầu không khí sôi nổi và phấn khởi cho cuộc bầu cử, nhất là trong bối cảnh cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIII và bầu cử ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 lần đầu tiên được tổ chức trong cùng một ngày (22-5-2011), Tiểu ban tuyên truyền đã xây dựng kế hoạch và nội dung tổng thể công tác thông tin, tuyên truyền cuộc bầu cử. Qua đó, động viên mọi tầng lớp nhân dân nêu cao tinh thần làm chủ, ý thức tự giác tham gia bầu cử để lựa chọn ra những người thực sự tiêu biểu, đủ đức, đủ tài, đại diện xứng đáng cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân tham gia vào QH và HĐND các cấp… Công tác thông tin, tuyên truyền bầu cử được bắt đầu từ ngày 12-2 và kết thúc vào ngày 10-6; trong đó, đợt tuyên truyền cao điểm được tiến hành từ ngày 16-4 đến ngày 22-5.
Tại phiên họp lần thứ nhất, các đại biểu đã cơ bản thống nhất với các nội dung kế hoạch…; đồng thời đề nghị bổ sung, làm rõ một số điểm trong công tác thông tin, tuyên truyền và cơ chế phối hợp giữa các thành viên nhằm bảo đảm cho cuộc bầu cử đạt kết quả cao nhất yêu cầu đề ra.
* Chiều cùng ngày, đồng chí Hồ Quang Lợi, UVTV, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, kiêm Trưởng Tiểu ban chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền bầu cử TP Hà Nội đã chủ trì cuộc họp của Tiểu ban, thảo luận về kế hoạch tuyên truyền - vận động cuộc bầu cử ĐBQH và bầu cử ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.
4 nội dung tuyên truyền chính được Tiểu ban xác định rõ là tập trung tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của cuộc bầu cử, làm rõ bản chất nhà nước ta là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, quyền dân chủ của nhân dân trong việc xây dựng bộ máy nhà nước; nội dung Luật Bầu cử ĐBQH, Luật Bầu cử HĐND sửa đổi, các nguyên tắc bầu cử, tiêu chuẩn đại biểu, quyền bầu cử và ứng cử của công dân, trách nhiệm của cử tri, hoạt động của Ban chỉ đạo, Ủy ban bầu cử các cấp; tuyên truyền về sự ủng hộ, tham gia của nhân dân đối với đường lối của Đảng, kết quả phong trào thi đua lập thành tích chào mừng bầu cử; giới thiệu các tài liệu liên quan đến bầu cử như các luật, chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch của TƯ và TP…