Ca sỹ Việt và nỗ lực vươn ra thế giới

Văn hóa - Ngày đăng : 13:25, 23/02/2011

(HNMO) – Không chỉ bó hẹp trong phạm vi trong nước, gần đây các ca sỹ Việt Nam đang hướng âm nhạc của mình ra thế giới với những sản phẩm được sáng tác và hát 100% bằng tiếng Anh. Mặc dù những sản phẩm được quốc tế hóa này có nhiều luồng dư luận trái chiều nhưng nó cho thấy nỗ lực và khát vọng vươn ra thế giới của các ca sỹ Việt.

Các ca sỹ Việt đang nỗ lực khẳng định mình



* Cũ người mới ta

Ở nước ngoài, chỉ nói riêng phạm vi châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản hay ngay cả những nước trong khối Asean như Thái Lan, Singapore, Malaysia… việc cho ra mắt sản phẩm âm nhạc quốc tế là đương nhiên thì ở Việt Nam lại là một điều mới mẻ, mạnh dạn. Khát vọng quốc tế hoá đã được các ca sỹ Việt thực hiện từ nhiều năm nay, nhưng chủ yếu vẫn mang nhiều tính cảm hứng và bắt chước. Rào cản lớn khi các ca sỹ Việt hát tiếng Anh chính là áp lực tâm lý không biết mình hát có giống “Tây” hay không, phát âm có chuẩn không. Mặc dù tiếng Anh là ngôn ngữ quốc tế, nhiều ca sỹ có thể giao tiếp tốt bằng tiếng Anh nhưng để hiểu ngôn ngữ quốc tế như tiếng mẹ đẻ và phát âm không bị “sượng” lại là vấn đề. Đó là lý do mà phần lớn ca sỹ Việt chọn cách “cover” (hát lại) một ca khúc tiếng Anh hoặc trong một bài hát chỉ đế một câu hay một từ bằng tiếng Anh.

Gần đây, việc thường xuyên giao lưu với các nghệ sỹ nước ngoài đã thúc đẩy cho ca sỹ trong nước mạnh dạn thể hiện ca khúc quốc tế. Một số nhạc sỹ đã dịch bài hát của mình sang tiếng Anh để ca sỹ hát song ngữ. Trào lưu quốc tế hoá ngày càng mạnh mẽ hơn khi một loạt ca sỹ trẻ cho ra mắt những sản phẩm âm nhạc được sáng tác và trình diễn bài bản bằng tiếng Anh. Có thể nói, mục đích của những sản phẩm này mang tính chất hướng ngoại thấy rõ. Nó cho thấy khát vọng muốn vươn ra thị trường rộng lớn hơn của ca sỹ Việt.

Năm 2010, Hà Anh Tuấn khi đặt hàng nhạc sỹ Việt kiều Dương Khắc Linh viết toàn bộ bài hát trong album mới “Cock – tail” có kết cấu như một câu chuyện với phong cách R&B bằng tiếng Anh cho thấy một thử nghiệm táo bạo nhưng cũng khôn ngoan của chàng trai này. Khi hát tiếng Anh, Hà Anh Tuấn dường như che được hết nhược điểm trong giọng hát và album mang đến một điều thú vị mới cho người nghe trước sản phẩm “made in Viet Nam” bằng tiếng Anh.

Cùng với Hà Anh Tuấn còn có một loạt sản phẩm của các ca sỹ trẻ khác như “Made in Mai Khoi” của Mai Khôi với một số ca khúc được viết và hát bằng tiếng Anh; Đoan Trang với “The unmake-up”, “Afterlife” của Nguyễn Xinh Xô, “The new me” của Thảo Trang…

Không thể phủ nhận, những sản phẩm âm nhạc này khi xuất hiện đã mang đến một làn gió mới cho thị trường băng đĩa, giải trí trong nước. Ít nhiều những album này cũng mang đến một màu sắc khác và cảm giác cho người nghe cũng khác. Trào lưu làm album bằng tiếng nước ngoài đang tạo nên một cơn sóng thể nghiệm mạnh mẽ. Nếu như trước kia khi nghĩ đến việc thể hiện một ca khúc quốc tế các ca sỹ Việt Nam khá e dè, thì giờ ca sỹ Việt đã mạnh dạn hơn để biến giấc mơ chinh phục thị trường nước ngoài thành hiện thực.

* Không có gì là không thể

Mặc dù mang đến một điều mới mẻ nhưng những sản phẩm hát tiếng nước ngoài do các nghệ sỹ Việt thể hiện khi ra thị trường phải chịu khá nhiều sức ép. Một trong những áp lực lớn đó là chinh phục bộ phận người nghe thích nhạc quốc tế. Phần lớn nhược điểm của những ca khúc tiếng Anh do các ca sỹ Việt tự thực hiện thường mắc nhiều lỗi về ngữ pháp, dịch thuật. Các sáng tác nếu quá tuân thủ vào ngữ pháp tiếng Anh thì mất đi chất thơ lãng mạn, hoặc rơi vào tình trạng dịch từng từ tiếng Việt sang tiếng Anh, hoặc bị lỗi trong cách dùng từ, phát âm.

Năm 2008 ca sỹ Mỹ Linh hát cùng ca sỹ nước ngoài Mary Wilson tại Hà Nội


Album “The unmake-up” của Đoan Trang gây tranh cãi ngay từ tựa đề của bài hát. Cách dùng từ có phần sáng tạo của Đoan Trang khiến ngay cả người nước ngoài cũng không thể hiểu được tại sao cô lại dùng “unmake-up” chứ không phải là “nomake –up”. Chưa kể, trong một số câu hát chủ yếu vẫn theo cách “word by word” (dịch từng từ tiếng Việt sang tiếng Anh). Hay trong album “Made in Mai Khoi” của Mai Khôi, những ca khúc tiếng Anh mà cô ca sỹ này thể hiện là những bản ballad về tình yêu. Giai điệu và ca từ trong những sáng tác này không mới, nếu như không muốn nói là na ná những bản tình ca quốc tế mà công chúng đã từng biết đến. Mai Khôi hát tiếng Anh dù phần luyến láy đã cố gắng ngọt ngào nhưng vẫn không giấu được một người Việt đang hát tiếng Anh.

Hà Anh Tuấn, người được cho là thông minh khi thực hiện một album xuyên suốt bằng tiếng Anh, dù không mắc những lỗi lớn nhưng với những người nghe kỹ tính am hiểu nhạc quốc tế thì trong cách hát của anh vẫn để lộ một vài hạn chế về phát âm. Hợp tác với một nhạc sỹ Việt Kiều, Hà Anh Tuấn đã khiến “The Cock –tail” trở nên hấp dẫn và gây ngạc nhiên cho người nghe. Album cho thấy sự đầu từ nghiêm túc của ca sỹ trẻ này với dòng nhạc mình theo đuổi.

Muốn ra biển lớn, tiếp cận với thị trường âm nhạc quốc tế buộc các nghệ sỹ Việt Nam phải nâng cao trình độ của mình. Việc làm album tiếng Anh dù gặp không ít khó khăn nhưng đó là một trong những cách để ca sỹ trẻ khẳng định thẩm mỹ âm nhạc của mình với bạn bè thế giới. Dù mới chỉ là bước đầu thực hiện nhưng việc làm này cũng rất đáng được hoàn nghênh bởi nó cho thấy nỗ lực và tham vọng nghề nghiệp của những nghệ sỹ trẻ hiện nay.

Hoàng Lân