Bài 1: Nỗi lo bão giá
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:54, 23/02/2011
Nhưng đáng buồn, "vòng đời" công nhân của nhiều người chỉ được vỏn vẹn vài ba năm, do công ty hết việc, do không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn, do lương quá thấp không đủ trang trải cuộc sống thường nhật... trong khi cường độ lao động quá căng thẳng. "Một thoáng... đời công nhân" là loạt bài mà Báo Hànộimới muốn gửi đến bạn đọc, phác họa về cuộc sống thực tại của công nhân tại các khu công nghiệp ở Hà Nội hiện nay.
Khu nhà trọ công nhân ở Kim Chung, Đông Anh. |
Suốt ngày quần quật, rời nhà máy là họ lại bị cuốn ngay vào vòng xoáy cơm- áo - gạo - tiền và ong đầu với đủ thứ tính toán chi tiêu vụn vặt. Chỉ mỗi việc, trước Tết mỗi phòng trọ tăng giá lên thêm 100 nghìn đồng đã làm bao công nhân lao đao. Mới chỉ gánh một phần hệ quả của "bão giá", bữa ăn hằng ngày của họ đã vơi hẳn những món ăn có chất đạm cần thiết để bổ sung năng lượng, tái tạo sức lao động…
Thăm "khách sạn" công nhân
So với các khu công nghiệp xung quanh Hà Nội thì khu nhà ở của công nhân tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh vẫn được ví von là "khách sạn" bởi thuận tiện về giao thông hơn cả. Ngày nghỉ, công nhân trẻ chỉ cần bước ra đường cái, lên xe buýt, một lúc sau đã có thể thênh thang dạo chơi Bờ Hồ xem cụ rùa nổi và đi ăn kem, ngó nghiêng Tràng Tiền Plaza… Nhưng nói thế thôi, chứ được nghỉ ngơi ngày cuối tuần cùng bạn bè vi vu thăm thú Thủ đô đối với nhiều người công nhân vẫn chỉ là giấc mơ xa xỉ.
Mấy năm trước, giá thuê phòng ở Kim Chung chỉ khoảng 400 nghìn đồng/ tháng mà phòng nào phòng nấy ít nhất phải 2 - 3 người chung nhau thuê mới chịu nổi. Thế nhưng, dịp ngày Tết Tân Mão vừa qua, các chủ phòng trọ ở Kim Chung đã hò nhau đồng loạt đẩy giá lên 500 nghìn đồng/phòng/tháng, khiến bữa ăn của nhiều công nhân cứ tong teo dần. Ninh Thị Hoa, quê Đông Thọ, Sơn Dương, Tuyên Quang chia sẻ: "Tôi mới vào làm ở Công ty Nisei được 7 tháng, mức lương 1,7 triệu đồng, ngoài ăn uống, điện, nước và tiền nhà, trước còn gửi về cho mẹ được ba, bốn trăm nghìn đồng, nhưng nay giá cả cái gì cũng tăng, mỗi thứ một ít nên số tiền kiếm được chỉ đủ chi tiêu cá nhân". Sau Tết rồi nhưng vẫn còn rất nhiều người đồng cảnh như cô công nhân Ninh Thị Hoa, họ đang dài cổ đợi tiền thưởng Tết, lương tháng 13 để trang trải cho cuộc sống bận rộn bắt đầu với guồng quay mới.
Sau Tết, khu nhà trọ truyền thống của công nhân vẫn nhang nhác nhau vì cùng chung cảnh nghèo. Các dãy nhà lợp mái proximăng nhìn bên ngoài thì tuềnh toàng, trống hoác, còn bên trong là cuộc sống đầy chật chội, bức bối. Trong những dãy nhà như thế, căn phòng của 4 nữ công nhân ở Đội 7, thôn Bầu, xã Kim Chung chẳng có gì ngoài chiếc giường đôi và hai chiếc bếp ga du lịch chỏng chơ trong xó. Đương nhiên trong căn phòng rộng hơn chục mét vuông ấy là ngột ngạt quần áo treo khắp phòng lẫn với mùi ẩm mốc. Ra Tết, công ty thiếu người làm, lại phải chạy tiến độ nên đã mấy ngày rồi các khổ chủ bận làm ca nên chẳng ai có thời gian dọn dẹp phòng ốc cho ngăn nắp, vương vãi trên mặt đất đầy những sợi mỳ tôm còng queo từ bao giờ. Khi được hỏi về cuộc sống hiện tại, Mai Lan quê ở xứ chè Thái Nguyên trả lời: "Lâu rồi cũng quen, bọn em có ở nhà mấy đâu, chỉ có đêm về, mệt quá lăn ra ngủ tới sáng lại đi làm. Muốn có thêm chút thu nhập thì phải làm thêm, có thế cuộc sống mới tạm ổn. Nhiều khi đi làm suốt ngày bã cả người, lúc về thì ôi thôi, mất hết quần áo phơi từ hôm trước, do bọn nghiện hút vào lấy. Thế là cuối tháng lại mất thêm một khoản chi ngoài kế hoạch".
Phiên chợ thời bão giá chủ yếu rau và đậu. |
Bữa ăn của Mai Lan và các bạn những ngày tân niên sum họp được tiếng là sang nhất xóm trọ vì có thêm món cổ cánh vịt kho mặn. Món này tuy cũng chẳng dễ "nhằn" nhưng so với điệp khúc vài ngọn rau muống luộc và vài miếng đậu rán thì quả là "cao lương, mỹ vị". Nguyễn Thanh Hương, một cô bạn cùng quê Thái Nguyên tâm sự: "Thường thì bữa ăn của bọn em rất đạm bạc, cả tuần tằn tiện cũng cố cải thiện được 2 - 3 bữa có thêm ít thịt. Nhưng so với ở quê nhà thì bố mẹ bọn em còn khổ hơn nhiều, mình như thế là hạnh phúc lắm, cố tằn tiện thì cuối tháng cũng dư được đôi ba trăm nghìn gửi về nhà".
Có một nghịch lý ở Kim Chung và có lẽ cũng ở nhiều khu nhà trọ công nhân khác đó là dù ấm ức và không đồng tình với mức giá phòng trọ lên cao nhưng chẳng có công nhân nào dám bỏ khu nhà trọ đi nơi khác. Bởi nếu thắc mắc thì "nghỉ" thuê nhà, sống cảnh màn trời chiếu đất.
Quẩn quanh cơm, áo, gạo, tiền…
Cái rét tê tái trước và sau Tết Tân Mão càng làm tăng thêm nỗi lo trong lòng người công nhân. Sắp hết tháng Giêng nhưng những khu chợ gần nơi công nhân sinh sống vẫn ảm đạm. Phiên chợ Bầu xã Kim Chung, huyện Đông Anh xem ra cũng chẳng khá hơn so với ngày thường. Hàng hóa vẫn chỉ thuần ít kẹo bánh, quần áo, giày dép rẻ tiền.
Mặt trời tụt xuống sau mái proximăng cũng là lúc người công nhân vừa tan ca về. Chỉ một loáng, mâm cơm thợ được biện ra ngay trên nền nhà trọ. Một bát canh trứng nấu cà chua, một đĩa đậu kho và một bát nước mắm. Thấy chúng tôi nhìn mâm cơm, mấy cô công nhân trẻ ngượng ngùng: "Tạm bợ mãi rồi cũng thành quen, bữa cơm của chúng em chỉ có thế. Sáng mở mắt là vội đi làm, tối nhọ mặt người mới về được đến nhà. Nhiều khi mệt quá nên bọn em chỉ ăn mỳ tôm hay bát cháo rồi đi ngủ cho… lại sức". Một cô lí nhí nói thêm: "Thu nhập thấp nên bọn em không dám nghĩ đến thịt cá, có tiết kiệm như vậy thì mới tồn tại được ở đây và may ra còn ki cóp được ít tiền gửi về quê".
Đằng sau những bữa ăn công nhân thời bão giá luôn là những chuyện tính toán tỉ mẩn, vụn vặn. Như việc, sau Tết giá đã lên, 5.000 đồng/củ su hào bằng nắm tay, 7.000 - 8.000 đồng/kg cà chua, gấp đôi so với dịp hè năm ngoái... cộng lại một ngày đi chợ cho cả phòng cũng "toi" ít nhất năm, sáu chục nghìn đồng. Cứ nghĩ đến những chuyện quẩn quanh với bữa ăn hằng ngày của những công nhân trẻ trong các khu nhà trọ đã thấy nẫu cả ruột. Tết qua rồi, nhiều người còn ngẩn ngơ với giấc mộng xênh xang "áo gấm" về quê?